(Baonghean) - Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa các giống cây trồng có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất của Đảng bộ xã Tân An, một xã khó khăn của huyện Tân Kỳ, kinh tế - xã hội của xã có bước phát triển, đời sống của người dân trong xã được nâng lên, hình ảnh nông thôn tại vùng miền núi này đã có sự đổi thay đáng kể. Đảng bộ xã nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

Thấp thoáng trong những lô cao su thẳng tắp bắt đầu vào vụ thu hoạch là những ngôi nhà mới khang trang với các tiện nghi sinh hoạt hiện đại cho thấy cuộc sống của người dân xóm Diễn Châu, xã Tân An từ khi trồng cây cao su đã thực sự khởi sắc. Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cao su của gia đình, đồng chí Phan Văn Lương - Bí thư Chi bộ xóm Diễn Châu, cho biết: “Trước đây xóm Diễn Châu được xem là xóm nghèo nhất xã. Không có đất làm ruộng, người dân phải chạy chợ đi các vùng khác để làm thuê, nhưng từ khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy thế mạnh cây cao su, cuộc sống của người dân trong xóm đã bước sang trang mới, xóm chỉ còn 1 hộ nghèo. Người dân xóm Diễn Châu có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ vào cây cao su. Sự chuyển hướng phát triển kinh tế của Đảng bộ Tân An là “chìa khóa” thành công để gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo và có được cơ ngơi như ngày hôm nay”.

Được chia tách từ Nông trường An Ngãi trong điều kiện khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, do đó, cùng với tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, Đảng bộ Tân An luôn trăn trở làm sao tìm được hướng đi đúng để phát triển kinh tế bền vững. Phát huy lợi thế địa bàn trung tâm 6 xã vùng phía Tây của huyện Tân Kỳ, Đảng bộ, chính quyền xã Tân An chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp.

Đối với phát triển dịch vụ thương mại, xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân bằng một số cơ chế chính sách cho người dân mở dịch vụ buôn bán. Để chợ Tân An trở thành trung tâm đầu mối về dịch vụ thương mại của vùng, xã đã di dời xây dựng chợ đến địa điểm mới trên diện tích quy hoạch rộng lớn, thuận lợi giao thông và giải quyết được tình trạng ách tắc, gây mất an toàn giao thông do gần chợ, gần trường học như trước đây. Vấn đề di chuyển địa điểm chợ cũng ảnh hưởng đến kinh tế của một số hộ dân nhưng sau khi được cán bộ, đảng viên giải thích trên cơ sở quan điểm của Đảng bộ, chính quyền địa phương vì lợi ích chung của toàn cộng đồng và phù hợp với định hướng phát triển về lâu, về dài của địa phương nên đã được người dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay, chợ Tân An trở thành đầu mối trung tâm buôn bán, trao đổi của các xã vùng trong huyện Tân Kỳ.

792324_small_93529.jpg

Cây cao su ở khe Hàn (Thanh Chương) của Công ty CP Cao su Nghệ An. 
 Ảnh: Văn Đoàn

Song song với việc tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, Đảng bộ Tân An lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trước đây, người dân Tân An, lao động nhận thầu, nhận khoán các chương trình, dự án cho Nông trường An Ngãi (nay là Công ty TNHH 1 thành viên An Ngãi) làm chủ đầu tư như Dự án trồng cây cà phê, cây cam và các loại cây trồng ngắn ngày khác. Tuy nhiên, do sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa công ty và địa phương nên các dự án này đều bị thất bại. Trước tình hình đó, Đảng uỷ xã có chủ trương cùng với Công ty TNHH 1 thành viên An Ngãi có quy chế phối hợp, đưa cây cao su vào thay thế các cây trồng ngắn ngày và dài ngày hiệu quả kinh tế thấp. Nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Đảng bộ được quán triệt tận 17 chi bộ, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm đưa Tân An phát triển theo hướng bền vững.

Bước khởi đầu thực hiện nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lãnh đạo xã và công ty tổ chức cho các hộ dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng cao su ở Bình Phước, Bình Dương. Để người dân tin và thực hiện chủ trương của Đảng bộ, các đảng viên ở chi bộ gương mẫu đi đầu nhận thầu, nhận khoán trồng giống cao su. Đồng thời, Đảng uỷ xã chỉ đạo cán bộ, đảng viên tập trung thời gian xuống cơ sở thăm nắm tình hình và động viên, hướng dẫn bà con tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ đó, mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân thực hiện các mục tiêu đề ra. Do vậy, đến nay, Tân An có gần 500 ha cao su, trong đó có một số diện tích bắt đầu cho sản phẩm có giá trị.

Từ một đơn vị còn nhiều khó khăn, đến nay Tân An là một trong những đơn vị tốp đầu của huyện Tân Kỳ. Điều đó cho thấy, hiệu quả bước đầu từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tân An hướng đi đúng của Đảng bộ, chính quyền, chủ trương hợp với lòng dân được nhân dân đón nhận. Đồng chí Cao Tiến Thìn - Bí thư Đảng uỷ xã Tân An, cho biết: “Với quan điểm vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lực lượng lao động, phù hợp với điều kiện kinh tế của từng hộ để làm sao cơ cấu cây trồng thực sự mang lại hiệu quả, tạo bước chuyển biến trong phát triển kinh tế của địa phương, người lao động có việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Cái được lớn nhất của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nhân dân rất phấn khởi, nhờ vậy, các chủ trương, cuộc vận động lớn của xã được nhân dân đồng tình ủng hộ”.


Thanh Lê