Sức trẻ tại đội 1
Một trong những tiền đề mà SLNA đã tạo được trong năm 2020 là trình làng thành công một lứa cầu thủ mới. Theo đó, những cầu thủ được đôn lên từ 1 năm trước như Mai Sỹ Hoàng, Nguyễn Văn Việt, Thái Bá Sang và Đặng Văn Lắm đều cho thấy sự tiến bộ trông thấy khi họ được gọi lên ĐT U22 Việt Nam. Họ cùng với những cầu thủ còn lại như Lê Thành Lâm, Trần Ngọc Ánh thi đấu thành công tại Giải U21 Quốc gia 2020 và mùa giải mới, những cầu thủ này sẽ không mang mác “tân binh”.
Về tình hình ngoại binh, SLNA vừa hoàn tất hợp đồng với chân sút Bruno Henrique. Đây là một sự bổ sung chất lượng nhằm tăng cường sức mạnh trên hàng tấn công. Không cần phải qua thử việc, trình độ của chân sút người Brazil đã được kiểm chứng ở mùa giải trước trong màu áo HL Hà Tĩnh. Tiền đạo này ghi được 10 bàn thắng trong 20 trận đấu.
Sở dĩ khẳng định SLNA là đội bóng sở hữu nội binh chất lượng vì có một nửa đội hình chính đang đạt độ chín của sự nghiệp. Trong đó có 3 tuyển thủ Quốc gia là thủ môn Văn Hoàng, Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh. Ngay cả trung vệ đội trưởng Hoàng Văn Khánh cũng từng là một tuyển thủ U23 Việt Nam và là một hậu vệ hàng đầu tại sân chơi V.League. Các cầu thủ thuộc diện đàn anh như Đình Đồng, Thế Nhật chưa hẳn đã tranh được suất đá chính nhưng kinh nghiệm của họ là rất cần thiết.
Để làm dày thêm cho đội hình mùa tới, BHL SLNA vừa đôn lên hàng loạt cầu thủ trẻ thi đấu tốt tại giải U21 vừa qua để thử việc. Có 3 cái tên sinh năm 2001 là Nguyễn Xuân Bình, Đặng Quang Tú và Trần Mạnh Quỳnh. Những gương mặt này đều rất đáng được kỳ vọng sẽ khoác áo ĐT U19 Việt Nam chinh chiến các giải đấu cấp khu vực trong năm 2021. Ngoài ra, còn có thủ môn Nguyễn Thành Huy (1999), Nguyễn Minh Đức (2002) được thử lửa. Trên thị trường chuyển nhượng, SLNA chỉ mang về duy nhất một cái tên là tiền vệ Phan Đình Thắng sinh năm 1993.
Đòn bẩy của đội trẻ
Trong 3-4 năm trở lại đây, SLNA thường “thống trị” các giải đấu trẻ ở cấp độ U11 đến U15. Tuy nhiên, năm 2020, SLNA lên ngôi tại giải U17 Quốc gia khiến cơ hội vô địch giải U19 quốc gia càng trở nên cao hơn. Đây là lứa cầu thủ chất lượng, có thể hình tốt và liên tiếp vô địch từ những sân chơi U13 đến U17. Đã 15 năm, bóng đá xứ Nghệ chưa trở lại vinh quang ở cấp độ U19 nên lứa cầu thủ của Đinh Xuân Tiến nhận được nhiều sự kỳ vọng nhất.
Ở cấp độ thấp hơn U17, nhiệm vụ và trọng trách thuộc về lứa cầu thủ U15 SLNA giành tấm HCĐ năm vừa qua, kết hợp với những nhân tố làm nên chức vô địch năm 2019 cùng HLV Phan Như Thuật và HLV Phạm Văn Quyến. Thực tế, có đến 12 cầu thủ của U17 SLNA đang thuộc biên chế U19 SLNA, ví dụ như Cái Văn Quỳ (sinh năm 2004). Vì vậy, đội bóng xứ Nghệ vẫn có quyền mơ về thành tích bảo vệ thành công chức vô địch.
Tương tự, đội U15 SLNA trong năm 2021 là những cầu thủ U13 SLNA có 2 năm liên tiếp vô địch giải thiếu niên toàn quốc trên sân nhà với sức mạnh gần như tuyệt đối. Đó là cơ hội của những Trần Quốc Hòa, Phùng Văn Nam, Lê Nhật Anh, Phạm Nguyễn Quốc Trung, Trương Quang Trung, Nguyễn Quang Lâm, Nguyễn Bảo Ngọc… Năm 2019, đội U12 SLNA và U13 SLNA mạnh nhất giải khi chạm trán nhau tại trận chung kết. Vì vậy, 2 năm sau, nếu họ không có huy chương tại VCK U15 Quốc gia sẽ là một điều vô cùng đáng tiếc.
Với đội U13 SLNA năm tới một lần nữa lại là một đối thủ đáng gờm. Ở sân chơi U13 Quốc gia, SLNA đã có tổng cộng 8 lần vô địch và 3 năm liên tiếp gần đây vô địch. Đội U11 SLNA thậm chí còn có 4 năm liên tiếp vô địch từ 2017 - 2020 nên chỉ sau một vài năm, họ lại cứng cáp hơn khi trưởng thành từ cấp độ Nhi đồng lên Thiếu niên.
Như vậy, nhìn nhận một cách khách quan và khiêm tốn, năm 2021, đội 1 SLNA dự V.League hoàn toàn có đủ khả năng lọt vào nhóm 6 đội mạnh nhất giải. Ở cấp độ trẻ, đội bóng xứ Nghệ vẫn chưa đủ sức lật đổ Viettel, Hà Nội nhưng từ cấp độ U11 đến U19, SLNA vẫn được đánh giá rất cao. Và quan trọng nhất là số lượng cầu thủ được lên dự V.League hoặc được gọi vào các ĐTQG. Đó mới là thước đo chính xác nhất.