Cách đây hơn ba năm, ngay khi đến Việt Nam làm việc, HLV Park đã sở hữu một tập hợp các cầu thủ trẻ hầu như được chắt lọc sẵn từ hai đội U19 Việt Nam các năm 2014 và 2016. Đội bóng đó, cho đến bây giờ, gần như chỉ bổ sung thêm hai gương mặt đáng chú ý là Phan Văn Đức từ giải U21 Quốc gia 2017 và Nguyễn Anh Đức - "người mohican cuối cùng" của lứa 2008. Có thể hiểu việc này theo hai cách. Hoặc là, V-League hầu như không trực tiếp cung cấp một cầu thủ nào cho triều đại của HLV Park. Những nhân tố kiểu như Quế Ngọc Hải hay Nguyễn Trọng Hoàng vốn cũng nổi bật từ khi còn là U23. Hoặc là, HLV Park không phát hiện ra nhân tố mới nào suốt ba năm làm việc đã qua.
Việc HLV Park cho rằng ngoại binh chiếm chỗ của tiền đạo Việt Nam, không hẳn là đổ lỗi cho V-League. Bởi thực tế, nếu không có cơ chế để các cầu thủ trẻ được ra sân, một HLV đội tuyển như ông sẽ chẳng có cơ sở nào để phát hiện tài năng cả. Suốt năm 2020, số lượng trận đấu ở cấp CLB bị cắt khoảng một phần ba, số trận đấu ở giải trẻ như U19, U21 cũng giảm vì không thể có các trận đấu quốc tế. Ông Park, rõ ràng, có lý do để sốt ruột.
Tất nhiên, lỗi không nằm ở ông. Bản chất của vấn đề thuộc về cách vận hành còn nhiều nghịch lý của bóng đá Việt Nam trong một thời gian dài, bao gồm cả giai đoạn có sự tham gia của các doanh nghiệp.
Hôm 28/12, Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF tổ chức buổi lễ tốt nghiệp cho 20 học viên ưu tú. Nhóm cầu thủ này được chuyển về hai CLB V-League và ba đội hạng Nhất. Dù chi phí đào tạo sau gần 10 năm cho mỗi cầu thủ như thế lên đến hàng chục tỷ đồng, nhưng tiền chuyển nhượng hoặc cho mượn được chuyển hết cho gia đình cầu thủ. Mô hình đào tạo của PVF, vì thế, giống như một hoạt động từ thiện xã hội của doanh nghiệp có tâm với bóng đá, hơn là một cơ sở "sản xuất" tài năng. Tuy nhiên, vì PVF chỉ dừng ở khâu đào tạo, cũng có khả năng xảy ra những lãng phí nhất định.
Một trong những sản phẩm đáng chú ý nhất của "lò" này là Hà Đức Chinh. Dù được HLV Park xem là "trò cưng", tại CLB Đà Nẵng, tiền đạo sinh năm 1997 không có nhiều đất diễn. Trong nhiều lý do có cả việc đội bóng đã sử dụng ngoại binh, lẫn việc bản thân tiền đạo này không phù hợp với đấu pháp của HLV Lê Huỳnh Đức. Một cầu thủ khác của PVF là tiền đạo Võ Nguyên Hoàng được Sài Gòn FC mượn từ mùa trước, nhưng cũng ít cơ hội thể hiện do cặp Pedro - Geovane khi đó quá hiệu quả. Khả năng vào sân của Võ Nguyên Hoàng ở mùa kế tiếp vẫn là dấu hỏi, bởi Sài Gòn FC vừa mua một loạt cầu thủ dày dạn kinh nghiệm từ J-League.
Đấy là một vấn đề lớn của bóng đá Việt Nam, được nhận thấy rõ hơn trong năm 2020 vừa qua, khi quá trình phát triển quá lệ thuộc vào túi tiền của các doanh nghiệp. PVF đào tạo xong thì... đem cho. HAGL đầu tư hơn chục năm, cầu thủ đến tuổi chín của sự nghiệp, không chuyển nhượng cho đội khác nhưng chỉ xác định "đá cho vui". Quảng Ninh mất năm năm làm bóng đá căn bản, lại có nguy cơ "xóa hết, làm lại" cũng vì những lý do bên ngoài sân cỏ. Bình Định vừa thăng hạng V-League sau 12 năm, và việc đầu tiên là kiếm 300 tỷ đồng tài trợ để mơ vào top 5 trong vòng ba năm chứ không phải đầu tư cho bóng đá trẻ. Khi Covid-19 xảy ra, một số đội bóng sốt sắng đề suất hủy bỏ mùa giải vì luôn ở trong tình trạng "càng nuôi càng tốn tiền" - trái ngược với bóng đá chuyên nghiệp khi người ta phải mạo hiểm để thi đấu nhằm tránh mất mát tiền bản quyền, doanh thu.
Thế nên, bóng đá Việt Nam cho đến tận lúc này, vẫn chỉ là một "cuộc chơi tiền tỉ" chứ không thể trở thành một hệ thống kinh doanh được vận hành theo mô hình tháp chuẩn, rộng đế hẹp đỉnh và có từng khâu bài bản.
Các doanh nghiệp vẫn đang đổ hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng vào bóng đá, nhưng công tác quản lý lại đang diễn ra cảnh "thả gà ra đuổi". Đó là việc vẫn duy trì số lượng rất đông các CLB chuyên nghiệp, mạnh ai nấy sống. Càng nhiều đội thì đồng nghĩa càng tiêu tốn nhiều tiền của, nhưng lại không tạo ra nguồn cung cầu thủ nội địa, nên lại xoay tiền để mua cầu thủ ngoại, trả lương cao. Mà muốn được "bơm tiền", thì lại phải cố gắng có thành tích, lại tiếp tục tốn tiền để mua ngoại binh, cho đến một lúc cạn kiệt và... biến mất.