Năm 2020 đầy khó khăn đã trôi qua, kết thúc mùa giải, mỗi đội V-League được VPF hỗ trợ 800 triệu đồng, còn hạng nhất 400 triệu đồng. Quỹ hỗ trợ có 16 tỷ đồng, gồm 9 tỷ đồng từ doanh thu của VPF và 7 tỷ đồng từ Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). Nhiều đội như Quảng Ninh, S.Khánh Hòa, Cần Thơ khi túi tiền ông bầu ít đi đã gặp muôn vàn khó khăn, tồn tại theo kiểu lấy ngắn nuôi dài.

Nhóm đại gia V.League

an_thanh_19105542_23122020.jpgĐội TP.HCM vẫn ồ ạt tuyển quân như thường lệ. Ảnh: CLB TP.HCM

Tại V.League, cuộc chơi có phần khắc nghiệt hơn khi nhóm A chỉ có 6 đội, thay vì 8 đội như mùa giải vừa qua. Trong khi đó, 8 đội nhóm B phải chạy trốn 1,5 suất xuống hạng thay vì chỉ 1 suất như mùa vừa rồi. Năm nay, có những thay đổi lớn ở vị trí cầm quân HAGL, Thanh Hóa nhưng xem ra chức vô địch vẫn là cuộc đua của những cái tên quen thuộc.

Những cái tên được nhắc đến đầu tiên phải kể đến đương kim vô địch Viettel, Á quân Hà Nội và TP.HCM. Viettel mất đi chân sút lợi hại Bruno, bù lại họ đã đưa về tiền đạo Brazil Pedro Paulo (Sài Gòn), cùng dàn cầu thủ đang độ chín như Hoàng Đức, Khắc Ngọc, Ngọc Hải. Chưa kể trong lứa U21 Viettel vừa vô địch giải toàn quốc sẽ có 4-5 cầu thủ được đôn lên.

Thách thức lớn nhất đối với nhà vô địch Viettel phải kể đến Hà Nội, việc họ thanh lý cả Pape lẫn Rimario cho thấy tham vọng của bầu Hiển lớn đến mức độ nào. Không chỉ nhanh tay nẫng Geovane Magno (Sài Gòn) mà họ còn đưa về sân Hàng Đẫy HLV thể lực Lee Gi Nam của HAGL. Mặc dù Văn Hậu vẫn còn chấn thương nhưng sự trở lại của Đình Trọng, Duy Mạnh khiến cho HLV Chu Đình Nghiêm có khá nhiều sự lựa chọn.

Đội bóng xứ Nghệ sẽ đôn 4 cầu thủ U21 vừa giành ngôi Á quân thi đấu V.League. Ảnh SLNA

Đây là mùa bóng thứ 2, đội TP.HCM tuyển quân rầm rộ khi Công Phương, Phi Sơn, Seo Yong-duk, Ariel Rodriguez đã ra đi.  Nhưng thay đổi quan trọng nhất là việc HLV Mano Polking đến sân Thống Nhất để thay cho người tiền nhiệm là HLV Chung Hae-seong. Được biết, HLV Mano Polking đã có kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở môi trường bóng đá Đông Nam Á khi dẫn dắt CLB Bangkok United. Nhưng phải đến 25/12 ông mới bắt tay vào việc thì dù có trong tay Lee Nguyễn, Ortiz, Tuấn Tài (SLNA) thì lọt được vào tốp 3 đã được coi là thành công của đội bóng này.

Nhóm ngựa ô

Có 5 ẩn số SLNA, HAGL, SHB.Đà Nẵng, Bình Dương, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sẽ tranh nhau 3 chiếc vé còn lại của nhóm A, nghĩa là 2 đội còn lại sẽ phải xuống đá nhóm B. Dường như Kiatisak đến phố Núi không để chỉ đạo HAGL “đá cho vui” nhưng việc thiếu 2 ngoại binh lẫn ông thầy Thái Lan xuất hiện khá muộn nên người ta vẫn lo cho bầu Đức.

Năm ngoái Hồng Lĩnh Hà Tĩnh xuất sắc lọt vào tốp 8 vào phút cuối cùng, nhưng V.League 2021 chỉ có 6 suất nên dù có thêm Kester Oahimijie (HAGL), Phi Sơn, 4 cầu thủ của Quảng Ninh là Quách Tân, Xuân Hùng, Nhật Minh, Claudecir Junior thì núi Hồng vẫn phải thật cố gắng và trông chờ sự may mắn.  

B.Bình Dương là một ẩn số, khi HLV Phan Thanh Hùng rời Quảng Ninh để đến đất Thủ. Nếu được toàn quyền thì ông và Victor Mansaray (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh), tiền đạo Pape Omar Faye (Hà Nội FC) sẽ không quá khó khăn để vào tốp 6. Nhưng nếu quan hệ giữa GĐKT Đặng Trần Chỉnh và ông thầy xứ Quảng không tốt thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra.

Đà Nẵng là đội bóng chuẩn bị cho mùa giải khá sớm. HLV Lê Huỳnh Đức đã kịp đưa về trung vệ Janclesio Almeida (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh), tiền đạo Hedipo Conceicao (Bình Dương), tiền đạo Rafaelson (Nam Định) và “người chia bài” Huy Hùng (Quảng Nam). Lần trở lại thành phố bên bờ sông Hàn, ông thầy gốc Huế đã đốt khá nhiều tiền, nhưng SHB.Đà Nẵng vẫn không hình thành lối đá bản sắc. Có lẽ HLV Lê Huỳnh Đức sẽ vừa đá, vừa tính và sẵn sàng chớp lấy cơ hội.

Khi không thay đổi được “cấu trúc thượng tầng” thì SLNA vẫn là đội bóng “ăn đong”. Việc chân sút tốt nhất của mình là Hồ Tuấn Tài ra đi, chưa lắp được đội hình vì thiếu ngoại binh thì HLV Ngô Quang Trường như người bị trói tay mà phải bơi. Hơn 4 thập kỷ đội bóng xứ Nghệ chưa 1 lần xuống hạng, đó là sự thật nhưng điều còn thực hơn là với lực lượng và kinh phí như hiện nay thì SLNA khó lòng vào tốp 6.

Nhóm đua trụ hạng

Không khó để thấy Quảng Ninh, Nam Định, Hải Phòng, Sài Gòn, Thanh Hóa và phần nào đó là tân binh Bình Định là những đội bóng được nhân diện sẽ phải nằm nhóm B, gồm 8 đội đua trụ hạng. Trong khi Quảng Ninh tự làm khó mình khi kinh phí, cả tướng lẫn quân ồ ạt ra đi, Sài Gòn thì đúng là “thay máu” toàn bộ đội hình chính. Các đội Nam Định, Hải Phòng được xếp hạng “con nhà nghèo”, Thanh Hóa có ông thầy ngoại nhưng lực lượng không có gì nổi trội kể cả ngoại binh lẫn nội binh. Trong khi đó, các tân binh Bình Định khó lòng chen chân tốp 6 bởi điều lệ quy định lượt đi chỉ 13 trận, quá khó cho 1 đội bóng vừa lên hạng kịp thích nghi./.