(Baonghean) - Tôi rất đồng tình và hoan nghênh bài trao đổi “Cần xây dựng văn hóa công sở” của tác giả Trần Hồng Cơ trên báo Nghệ An ra ngày 1/4/2014. Để Chỉ thị 17 của BTV Tỉnh ủy được thi hành nghiêm chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC ) khi tiếp xúc và làm việc với nhân dân. Ngoài những ý kiến trao đổi thấu đáo của tác giả Trần Hồng Cơ, tôi xin bổ sung thêm ý kiến, để tạo nên những nét đẹp toàn diện của văn hóa công sở, CB, CC, VC trong các cơ quan nhà nước, những “công bộc” của dân cần thực hiện tiêu chí “BỐN XIN” sau đây:
1. “Xin chào: Đây là câu chào đầu tiên của CB, CC, VC khi tiếp xúc và làm việc với nhân dân. Câu chào rất văn hóa cần phải có: “Xin chào cụ, chào bác, chào anh chị…”. Ông cha ta có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Người dân sẽ rất vui khi họ nhận được lời chào từ người họ cần gặp và làm việc, tạo nên mối thiện cảm, niềm nở, thân mật với dân ngay từ đầu.
2. “Xin lắng nghe và tiếp thu”:Khi tiếp xúc và giải quyết công việc với dân, CB, CC, VC cần lắng nghe và tiếp thu những yêu cầu công việc mà dân cần giải quyết, cần lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị của dân với thái độ cầu thị, chân thành tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của dân để thực thi công việc hiệu quả hơn.
3. “Xin cảm ơn”: CB, CC, VC, những “công bộc” của dân đừng quên lời cảm ơn khi được nhân dân tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ làm việc có hiệu quả, được dân góp ý chân thành, cần nhớ câu “xin cảm ơn” người dân đã hợp tác, cộng tác, sau khi đã giải quyết công việc. Sau lời cảm ơn, cả chủ và khách đều thấy nhẹ nhàng, thanh thản, vui vẻ, điều đó rất cần khi giao tiếp với dân.
4. “Xin lỗi”:Trong mối quan hệ công tác và giải quyết công việc với dân đôi khi không tránh khỏi thiếu sót, có lỗi với dân. Có lỗi nên cần biết xin lỗi dân. Biết xin lỗi chân thành là thể hiện nét văn hóa của con người, để rồi sau khi xin lỗi dân, chúng ta làm việc và ứng xử với dân tốt hơn…
Thế còn người dân “xin gì” ở những “công bộc” của họ?
1. “Xin các vị làm việc đúng giờ, đúng lịch, đúng thời gian, đúng người, đúng việc”. Đây là yêu cầu rất quan trọng của người dân đối với những người thực thi công việc với dân. Người dân sẽ rất bất bình khi “công bộc” của họ không thực hiện đúng yêu cầu này.
2. “Xin các vị vui vẻ, niềm nở, thân mật, ăn mặc lịch sự, nói năng lễ phép với dân”. Đây là yêu cầu không thể thiếu được của CB, CC, VC khi tiếp xúc và làm việc với dân, để tạo nên nét đẹp văn hóa công sở, tạo nên hình ảnh và ấn tượng đẹp trong mắt người dân.
3. “Xin các vị giải quyết công việc nhanh gọn cho dân, tránh gây phiền hà, gây khó khăn không đáng có cho dân”. Luôn tìm cách tạo mọi điều kiện phục vụ dân được tốt hơn, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Đây là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá năng lực CB, CC, VC.
4. “Xin các vị không quan liêu, không thờ ơ, vô cảm, không hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu với dân”. Thực thi công việc với tinh thần chí công, vô tư, trong sáng…
Thiết nghĩ, với những yêu cầu và tiêu chí “BỐN XIN” trên đây, nếu CB, CC, VC thực hiện nghiêm túc thì văn hóa công sở mới tạo nên nét đẹp toàn diện như tinh thần của Chỉ thị 17 mà BTV Tỉnh ủy đã ban hành.
Vũ Ba Lan