(Baonghean.vn) Nhân về Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu) công tác, tôi cùng ông Trần Thiện Thuyết - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã tới thăm gia đình ông Võ Đức Thuận, một hội viên ở Chi hội Đồng Tâm, một hoạ sỹ không chuyên nhưng là chủ nhân của trên 200 tác phẩm hội hoạ. Điều đặc biệt, là các bức vẽ của ông tập trung về đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vốn là người con gốc Nghệ, được sinh ra trên đất Cố đô Huế, năm 1946 ông theo gia đình tập kết ra Bắc và ở tại khối 4, thị trấn Nam Đàn. Những năm 1957, 1961 khi Bác Hồ về thăm quê, ông đã đi bộ về Nam Liên những mong một lần được trông thấy Bác. Rồi những năm chiến tranh chống Mỹ, ông gia nhập đội TNXP ở C33 - N69 xây dựng Cầu Cấm (Nghệ An) phục vụ chiến đấu. Năm 1969, nhờ có năng khiếu hội hoạ, ông được cử đi học lớp kẻ vẽ pa nô, áp phích quảng cáo tại Trường Điện ảnh Trung ương. Những năm 1970 – 1978, ông công tác trong ngành chiếu bóng Nghệ An. Từ năm 1979 – 1988, cũng do có khả năng hội hoạ ông được Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập nhận về phục vụ cho việc tuyên truyền kiến thức về phòng, điều trị bệnh phong - da liễu và cũng để hợp lý hoá gia đình...

771792_small_69943.jpg

Các cháu thiếu nhi đang xem ông Thuận vẽ ảnh Bác Hồ

Với lòng thành kính và biết ơn sâu nặng đối với Bác Hồ, từ năm 1968, ông đã tiến hành vẽ một số tranh ghi lại một số hình ảnh về đời hoạt động cách mạng của Người. Những ngày đầu còn khó khăn, chất liệu vẽ do ông tự chế từ nước quả mùng tơi, quả dành dành, cà phê đặc và lá hoè… Ngày nay, chất liệu vẽ của ông chủ yếu là sơn dầu và bột màu.

Tính đến nay, trong tổng số trên 200 bức tranh ông vẽ về Bác, tranh chân dung có trên 100 bức. Ông Thuận chia sẻ với chúng tôi: “Tình cảm, đạo đức và công lao của Bác luôn là nguồn cảm xúc sáng tạo trong mọi bức vẽ của tôi”, vì thế ông có những bức vẽ như “Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh”, được vẽ lại bằng mồ hôi, nước mắt và lòng tiếc thương Bác vô hạn. Ủng hộ ý nguyện của ông, con cháu dù đã ra công tác hay đang đi học vẫn luôn tìm kiếm, khai thác mọi bức ảnh liên quan về Bác để cung cấp tư liệu vẽ cho ông. Như năm 2008, cháu Võ Đức Hiển học tại Trường tiểu học Quỳnh Châu 1, tìm được bức ảnh “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà”, trở thành món quà vô giá đối với ông!
Bốn mươi ba năm say vẽ hình ảnh Bác là ngần ấy thời gian ông thấm nhuần thêm về công lao trời biển, đạo đức trong sáng, chí công vô tư của Bác đối với dân tộc vì qua mỗi bức tranh là dấu ấn ghi lại những công việc, chặng đường mà Bác đã đi qua. Chia tay chúng tôi, ông Thuận tâm sự: “Còn sức, tôi còn vẽ tranh về Bác, vì đó không chỉ là niềm đam mê nghệ thuật mà còn là lối sống và giáo dục con cháu”.


Đặng Ngọc Liễn