(Baonghean.vn) - Chùa Gám, còn có tên gọi là chùa Chí Linh (hay Chân Cảm Tự) xây dựng vào đầu thế kỷ thứ XI ( năm 1010) thời nhà Lý, thờ Đức Phật Thích Ca. Chùa Gám đã được công nhận xếp hạng di tích lịch sử (Quyết định số 3727 ngày 27/9/2007, của UBND tỉnh Nghệ An).
Trên cơ sở đó, Ban trị sự Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử đã về khảo sát, sau nhiều lần, đến nay đã được Ban Tôn giáo Chính phủ và UBND tỉnh cho phép Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử mở rộng thành một công trình đồ sộ, mang tầm cỡ quốc gia, thể hiện “Tam giáo đồng nguyên” của đức Vua Trần Nhân Tông, phục vụ nhu cầu tâm linh cho đông đảo quần chúng.
Công trình bắt đầu từ chùa Gám cũ, đây sẽ là khu vực đền Trình và cũng từ đây mở rộng con đường lên đền Bạch Thạch Đại Vương Thần (còn gọi là đền thờ An dân bảo quốc), ở lưng chừng núi Phượng (Rú Gám), rộng 36m. Tại Rú Gám, được xây dựng 3 công trình lớn: Toà Phật Pháp, Đền thờ Vua Hùng và một nhà văn bia ghi tên các anh hùng liệt sỹ củahuyện Yên Thành. Tất cả được toạ lạc trên 300 ha, với tổng kinh phí ban đầu ước tính gần 1.000 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này do Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử và nhiều doanh nghiệp, các tăng ni phật tử... góp vốn đầu tư.
Công trình xây dựng sẽ đáp ứng được nhu cầu tâm linh cho nhiều tầnglớp nhân dân trong vùng, điều quan trọng là tạo ra mạo diện mới của huyện lúa Yên Thành. Mặt khác, khu vực Rú Gám vốn là vùng rừng nguyên sinh, còn giữ và bảo tồn được nhiều cây gỗ quý, hiếm như trầm hương (cây gió), trai, lim, sến, lát hoa, kiền kiền và nhiều động vật quý… tạo thêm một khu du lịch tâm linh, sinh thái ở vùng quê vốn là độc canh cây lúa.
Hiện công trình đang khởi động, nhân dân đồng tình ủng hộ. Bà con nhân dân ở xã Xuân Thành sẵn sàng di chuyển nơi ở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng để công trình được khởi công vào ngày 23 tháng 1 âm lịch năm Nhâm Thìn. Dự định, sau 3 năm, công trình sẽhoàn thành và đưa vào sử dụng.