(Baonghean.vn) - Thực ra thì “gã đồ gàn” (bạn “nối khố” của tôi, chẳng thích đồng hành cùng tôi đến lễ kỷ niệm 3 năm của nhóm Cà phê Truyện Kiều đâu. Bởi gã bảo: Thơ hay Truyện Kiều đều là để cảm, chứ không phải hiểu. Mổ xẻ, phân tích một tác phẩm đều là sự vô lý. Thuyết phục mãi, rằng: Nhóm là tập hợp nhiều cụ yêu Kiều, chứ không phải “Kiều học” thì gã mới tặc lưỡi: Ừ thì đi, để xem sao?

Để kỷ niệm 3 năm ngày thành lập (12/11/2008-12/11/2011), nhóm Cà phê Truyện Kiều tổ chức tại nhà Bác Phạm Hữu Huệ, ở khối 13, phường Hà Huy Tập, Thành phố Vinh. Lễ 8 giờ mới bắt đầu, mà 6 giờ các cụ đã khăn áo, trang phục chỉnh tề tập trung có mặt, ai cũng tươi cười rạng rỡ, tay bắt, thăm hỏi chuyện trò. Đến muộn nhất là cụ Nguyễn Sỹ Nhiếp, năm nay 82 tuổi, nhà ở Thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đích thân đánh xe máy, vượt sông Lam tìm về, tất nhiên là không quên mang theo một túi thơ. Được thông báo sẽ có thêm “khách gàn” cùng dự, cụ Trần Xuân Kình, nhóm trưởng đứng tựa cổng chờ từ bao giờ. Nhấp nháy mắt hóm hỉnh, cụ Kình bảo: Đã gọi là Cà phê Truyện Kiều thì chẳng thể thiếu cà phê, trà, rượu. Anh em thích uống gì thêm gợi hứng để các cụ pha… Thay lời chào, mấy cụ đọc nghe mấy lời thơ “tuyên ngôn” của nhóm rằng: “Nhóm chúng tôi tuổi đã nhiều/Vẫn say nghe kể Truyện Kiều ngày xưa/ Thương người con gái nết na/ Bán mình để cứu người cha tội tình…”. Đoạn nghe: “…Khác nhau bởi ở tấm lòng/ Mà đem cho khách má hồng thử soi” – gã bạn tôi xoay xoay chén trà nóng, nhìn các cụ, mỉm cười ra chiều thú vị. Chẳng hiểu được gã đang nghĩ gì…

771789_small_69939.jpg

Buổi sinh hoạt kỷ niệm 3 năm ngày thành lập nhóm Cà phê Truyện Kiều

Lễ kỷ niệm của nhóm xem ra cũng trang trọng lắm, chương trình cũng tuyên bố lý do, giới thiệu khách mời; ôn lại lịch sử của nhóm, đánh giá kết quả hoạt động năm qua, năm tiếp theo; thực hiện nội dung sinh hoạt định kỳ và cuối cùng là liên hoan…Mải mê nghe cụ Nguyễn Văn Lộc thông báo lại diễn biến và kết quả Đại hội thành lập Hội Kiều học Việt Nam vừa diễn ra mà cụ vừa tham dự về. Ngoảnh lại đã thấy gã bạn mình đang ngồi “chất vấn” cụ Trần Huy Cận một số nội dung của các kỳ sinh hoạt trước, đại loại mấy ý là: “Ai khen Thúy Kiều nhiều nhất”, “Thúy Kiều bán mình vì lẽ gì”, “Thúy Kiều có phải đẹp nhất nước Nam?”, “Tám lần đánh đàn”, “Tại sao Kiều đến với Kim Trọng lại luôn ở trong tâm trạng bất an?”… Đang nói chuyện thuyết “Tài mệnh tương đố” trong Truyện Kiều, bỗng thấy hai bác cháu đã chuyển sang này là mẫu người đa tài, đa năng, đa dạng, đa truân, kia là mệnh không thân kiếp, sự ứng hợp gì gì đó, không hiểu nổi. Bảo bác cháu đang truyền bá mê tín dị đoan thì nhận được cái cau mày gắt gỏng của gã bạn – Đây là cổ học tinh hoa... Nói đoạn lại quay sang nho nhỏ luận bàn tiếp cùng cụ Cận.

Ôn lại lịch sử giản đơn của nhóm Cà phê Truyện Kiều, Bác Nguyễn Quang Hoài, 75 tuổi nguyên là giáo viên có đôi lời vắn tắt như sau: Nhóm được ra đời năm 2008, khởi xướng là cụ Trần Xuân Kình, 78 tuổi, nguyên Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Chẳng là cụ Kình hơn nửa đời người tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vĩ đại của đất nước; lịch sử dân tộc đã thấm nhuần nhưng tầng tầng, lớp lớp cái hay trong văn hóa người Việt, thì chưa biết được là bao. Về hưu trí ở Chung cư C2 Quang Trung rồi, cụ mới có thời gian tìm hiểu. Biết đến Truyện Kiều từ lâu nhưng chưa có điều kiện tiếp cận nguyên vẹn tác phẩm, thế là cụ Kình “cắp sách” sang nhà láng giềng Nguyễn Quang Hoài nhờ giảng giải thêm. Chung một tấm lòng “Thương người con gái ngoan hiền/ Từ Bắc Kinh dạt xuống miền Giang Nam”, cụ Trần Huy Cận, nhà gần bên cùng đến tham gia. Xưa văn sử vốn bất phân mà “Dân ta phải biết sử ta”, các cụ xem chuyện chưa biết rõ về Truyện Kiều đó chính là nợ; nhờ Truyện Kiều mà các cụ có dịp ngồi lại với nhau nhiều hơn đó chính là duyên. Có nợ có duyên, các cụ bàn nhau lập nhóm “Yêu Kiều”; tếu táo – trẻ cậy già, già nhờ tỉnh táo, ba người thường uống cà phê bình Kiều nên đặt tên nhóm là Cà phê Truyện Kiều vậy.

Có nhiều cụ khác cũng chung ý tưởng, sở thích đã tìm đến cùng tham gia sinh hoạt và gia nhập nhóm. Đó là bác Nguyễn Hoài An - giáo viên về hưu, bác Nguyễn Văn Lộc - nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Ngân hàng Nông nghiệp, bác Quang Tuyên, bác Nguyễn Việt Sỹ, cụ Sỹ Nhiếp, bác Hà Tự, ông Võ Yên – một nhà thầu xây dựng, cô Kim Dung – Việt kiều Đức hồi hương… Sau 3 năm ra đời, đến nay nhóm đã có 12 người (không tính những bác đang tạm nghỉ sinh hoạt vì lý do sức khỏe). Hữu duyên với Truyện Kiều là đến với nhau, người muốn gia nhập chỉ cần có đơn tự nguyện là được, nhóm đều vui vẻ hoan nghênh. Cứ hàng tháng theo đúng lịch, là nhóm lại tổ chức một buổi sinh hoạt; tại mỗi buổi sinh hoạt đều có nội dung gửi đến từng người. Nội dung được chuẩn theo những chủ đề được chuẩn bị trước. Đó là những bài viết do thành viên trong nhóm soạn thảo ra hoặc sưu tầm được, hầu hết đều xoay quanh Truyện Kiều và để phong phú thêm thì nội dung sinh hoạt được mở rộng như về Đạo Phật, Nhân tướng học, các chiến dịch quân sự trong lịch sử. Đến nay nhóm đã có trên 70 bài viết về Truyện Kiều, trong đó có hơn 40 bài do các thành viên trong nhóm tự viết, số còn lại do nhiều tác giả ở các tỉnh trong cả nước gửi về.

Chương trình sinh hoạt kỷ niệm 3 năm thành lập nhóm tiếp tục với phần trình bày nghiên cứu của bác Phạm Hữu Huệ và bác Nguyễn Quang Hoài với nội dung: Đôi điều về Thúy Kiều, Thử bàn về ngôn ngữ Nguyễn Du dành cho nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều; Thưởng thức nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Du trong Truyện Kiều…. Cụ Trần Xuân Kình dí dỏm cho biết: “Những cụ này mới chính là những nhà “Kiều học”, chúng tôi chỉ là những nhà “Kiều nghe”. Chúng tôi không phải là những nhà nghiên cứu về Truyện Kiều nhưng đáng mừng là các bài viết tự tìm hiểu về Truyện Kiều và Đại thi hào Nguyễn Du của các thành viên trong nhóm ngày càng nhiều, được đầu tư công phu, chất lượng hơn. Ở tầm là một nhóm nhưng hoạt động chúng tôi cũng rất phong phú, có giao lưu với các câu lạc bộ bạn, Hội Kiều học Việt Nam, có thăm thú các nơi như Kim Liên, Tiên Điền, có đóng hoạt cảnh… Nhóm vừa là sân chơi, vừa là học đường, vừa là lâu đài trí tuệ, khoa học và sáng tạo, chúng tôi tuy lớn tuổi nhưng tri thức thì không có tuổi, nhómhãy còn nhiều sức sống và sức bật lắm…

“Gã bạn gàn” bình thường chỉ chăm chăm bảo thủ: Thơ thì chỉ có thể Thất ngôn Đường luật, Thất ngôn Bát cú, Lục Bát là nhất, thế mà nghe các bài thơ thể tự do các cụ chăm chú đến lạ. Nghe đến bài “Đơn tình nguyện” cụ Sỹ Nhiếp: “Nay tám hai tuổi/Vài tháng nữa tám ba/ Viết đơn xin tình nguyện/ Làm chiến sỹ Hoàng Sa/… Xin làm lính Hoàng Sa/ Giữ san hô, cát trắng/ Nghe lời ru của sóng/ Biển trẻ mãi không già”, lại thấy bạn mình vỗ tay rõ dài rõ to. Hỏi thì cho hay: Nghe thơ các cụ như thấy hình bóng Nho Tướng công Nguyễn Công Trứ ngày xưa, cũng một tâm nguyện bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ nước nhà… Bâng khuâng soi lại mình, suốt ngày vật lộn chuyện áo, cơm, không biết mình “tỉnh” hay bạn mình “say”. Bẵng đi một thời gian, mới rồi “gã” gọi điện “hỏi thăm”: Tôi viết đơn vào nhóm Cà phê Truyện Kiều rồi. Vừa rồi sinh hoạt tháng 12 nội dung Quân đội nhân dân Việt Nam hay lắm, sao ông không dự?!


Thành Chung