Theo đó, Bộ Công Thương dẫn quy định tại Nghị định 52, các chủ thể ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.
Bộ này đề nghị xem xét lại cách phân loại “kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi”, “kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng”, “kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ôtô”, vì hiện nay ranh giới giữa các loại hình này không còn rõ ràng.
Bộ Công Thương cũng đề nghị rà soát, đánh giá toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật về dịch vụ vận tải, loại bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Ví dụ những quy định nhấn mạnh những yếu tố “giấy tờ”, “niêm yết” là không phù hợp với các giao dịch mà trong đó việc giao kết hợp đồng được thực hiện trên môi trường điện tử.
Bộ này cho rằng cần cân nhắc nới lỏng những quy định mang tính áp đặt về mô hình tổ chức hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải truyền thống, từ đó giảm thiểu sự bất bình đẳng giữa chi phí tuân thủ của mô hình vận tải truyền thống với mô hình vận tải ứng dụng khoa học công nghệ.
“Tốt nhất, các quy định về vận tải hành khách nên được xây dựng theo hướng mở, chỉ đưa ra nguyên tắc quản lý, phân định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, không quy định cứng về các hình thức dịch vụ vận tải”, văn bản nêu.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự thảo, nghị định thay thế Nghị định 86/NĐ-NĐCP trong đó điều chỉnh các quy định không còn phù hợp liên quan đến taxi truyền thống, đồng thời định dạng mô hình hoạt động, bổ sung các quy định và chế tài xử lý vi phạm mới phù hợp với các đơn vị cung cấp phần mềm và các đơn vị vận tải đang tham gia thí điểm hiện nay.