Thông tin này khiến không ít các bậc phụ huynh lo ngại sẽ không thể kiểm soát được chi tiêu của con mình, nhưng thực tế, theo các chuyên gia, có nhiều cách để con mở thẻ và vẫn quản lý chi tiêu của con.
6 tuổi có thể mở thẻ ghi nợ
Cụ thể, theo Thông tư 26/2017/TT-NHNN sửa đổi một số điều khoản về hoạt động thẻ ngân hàng. “Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự (NLHVDS) được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước mà không cần có tài sản riêng đảm bảo như quy định hiện hành” và “Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế NLHVDS được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản được sử dụng thẻ phụ là thẻ ghi nợ”.
Nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại trước thông tin này, chị Ngọc Mai (Bà Triệu, Hà Nội) cho rằng: “Tôi không bao giờ cho con mở thẻ tín dụng có hạn mức vay thấu chi nếu chưa đủ 18 tuổi vì tôi không thể kiểm soát được việc chi tiêu của cháu như thế nào”.
Đồng tình với quan điểm trên, anh Nguyễn Nam (Tô Hiến Thành, Hà Nội) cho rằng: “Trẻ từ 15 tuổi và chưa đủ 18 tuổi chưa đủ chín chắn để tự quản lý tài chính chi tiêu cá nhân. Ở độ tuổi này, vấn đề tâm sinh lý của các con chưa ổn định, vì vậy cần có sự quản lý và giám sát từ bố mẹ và nhà trường. Tôi không bao giờ đồng ý cho con mở thẻ tín dụng ngân hàng ở độ tuổi này”.
Nỗi lo của các bậc phụ huynh không kiểm soát được chi tiêu của con là chính đáng, nhưng trên thực tế, Phó Giám đốc một NHTMCP tại Hà Nội cho biết: “Để mở được thẻ tín dụng, ngân hàng phải xét duyệt hồ sơ chặt chẽ về tài sản đảm bảo, bảng lương, hạn mức tín dụng. Tôi nghĩ, các NHTM sẽ không mấy “mặn mà” trong việc cho trẻ từ 15 đến 18 tuổi mở thẻ tín dụng với hạn mức thấu chi lớn vì ở độ tuổi này khó chứng minh được khả năng trả nợ. Khách hàng không trả được nợ thì lại biến thành nợ xấu, đó là điều không ngân hàng nào mong muốn”.
Để mở thẻ tín dụng có hạn mức vay thấu chi, khách hàng phải chứng minh được khả năng trả nợ. Có 2 cách chứng minh khả năng tài chính: Thu nhập hoặc tài sản đảm bảo. Cụ thể, mở thẻ tín dụng bằng cách chứng minh thu nhập thông qua bảng lương… được gọi là làm thẻ tín dụng tín chấp. Trong khi đó, thẻ tín dụng thế chấp là thẻ tín dụng yêu cầu chứng minh bằng tài sản đảm bảo (có thể là sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá khác được ngân hàng chấp thuận).
Kiểm soát hạn mức chi tiêu của trẻ
Qua trao đổi, 1 cán bộ của Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy định trong Thông tư 26 là để đẩy mạnh thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, thêm vào đó là phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự.
“Tại Úc, nhiều trẻ có tài khoản ngân hàng với số tiền nhỏ trong hạn mức kiểm soát của phụ huynh để chi tiêu các giao dịch như trả tiền xe bus, mua đồ ăn sáng… Việt Nam trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, vì vậy, việc cấm đoán cực đoan các cháu không dùng thẻ cũng không nên, có nhiều cách để bố mẹ kiểm soát hạn mức chi tiêu trong thẻ” - 1 chuyên gia cho biết.
Để kiểm soát được chi tiêu của con, các vị phụ huynh có thể mở loại thẻ ghi nợ nội địa (loại thẻ khách hàng chỉ có thể sử dụng khi trong tài khoản có tiền và không được dùng quá số tiền mà thẻ đang có), hàng tháng, phụ huynh chuyển vào 1 khoản tiền nhất định và kiểm soát số tiền con tiêu vào việc gì.
Đối với trẻ từ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi, chỉ được sử dụng thẻ phụ và bố mẹ có quyền cài đặt hạn mức chi tiêu trong thẻ phụ. Ví dụ, thẻ chính của phụ huynh có 100 triệu đồng, nhưng thẻ phụ của con chỉ được phép chi tiêu tối đa là 500.000 đồng. Trẻ sẽ không được chi vượt quá con số này. Bằng cách đó, phụ huynh vẫn có thể kiểm soát chi tiêu của con, mỗi khi có phát sinh giao dịch, lập tức tin nhắn báo biến động tài khoản sẽ gửi tới điện thoại di động của phụ huynh.