Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học và công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.
Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý kéo dài thời gian thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1850/TTg-KTN ngày 19/10/2015 cho đến khi Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP) được ban hành và có hiệu lực thi hành.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan: Công an, Tư pháp, Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, UBND thành phố Hà Nội, đánh giá đầy đủ các ưu điểm, hạn chế trong thời gian thí điểm, làm cơ sở cho việc bổ sung các quy định để quản lý hoạt động thí điểm, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và tạo sự bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1850/TTg-KTN ngày 19/10/2015.
Đồng thời, rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1012/VPCP-CN ngày 26/1/2018, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3 tới.
Tại Việt Nam hiện nay, hai loại hình vận tải hành khách có ứng dụng khoa học và công nghệ trong hỗ trợ kết nối đang hoạt động là Grab và Uber. Cả hai loại hình này đang nhận được sự ủng hộ từ phía người sử dụng, khách hàng nhờ chi phí hợp lý so với loại hình vận tải taxi truyền thống.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp vận tải taxi truyền thống đang kịch liệt phản đối sự hoạt động của hai loại hình nói trên vì cho rằng, đây là phương thức vận tải vi phạm nhiều quy định, gây sự phá giá thị trường và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động, doanh số của các hãng.