Sáng 21/4, Tổng cục Thuế tổ chức Lễ công bố Hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc. Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Hồ Đức Phớc - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

Tham dự tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng lãnh đạo Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, các sở, ban, ngành.
dd1290139_2142022.jpgThủ tướng Chính phủ dự Lễ công bố Hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc. Ảnh: VOV

Theo Tổng cục Thuế, hóa đơn là chứng từ đặc biệt, để ghi nhận giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ giữa người bán và người mua. Đồng thời, hóa đơn cũng chính là tài liệu để làm cơ sở cho việc hạch toán kế toán, xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Việc sử dụng hóa đơn của người dân và doanh nghiệp ảnh hưởng đến thu, chi ngân sách nhà nước. Do vậy, quản lý hóa đơn đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý thuế nói riêng và quản lý nhà nước nói chung. 

Để đảm bảo tiến độ từ ngày 01/7/2022 hóa đơn điện tử (HĐĐT) sẽ được triển khai trong toàn quốc, Ban Cán sự Bộ Tài chính đã ra nghị quyết về lộ trình áp dụng theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 11/2011 với 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định và Phú Thọ. 6 địa phương này có số lượng người nộp thuế chiếm 60% toàn quốc và tổng số hóa đơn phát hành trong một năm chiếm khoảng 70% so với toàn quốc.

Giai đoạn 2 sẽ triển khai từ tháng 4 năm 2022 với 57 địa phương còn lại. Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố, đồng thời chỉ đạo Tổng cục Thuế chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khởi động hệ thống HĐĐT.

Việc triển khai hệ thống HĐĐT thành công sẽ tạo nền tảng cơ sở dữ liệu căn cơ và quan trọng để thực hiện quản lý thuế trên nền tảng số, phục vụ đắc lực cho công cuộc chuyển đổi số của ngành Tài chính.

Các đại biểu tham dự lễ công bố tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Quang An

Quan trọng hơn, khi hệ thống HĐĐT đi vào thực tiễn sẽ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí in ấn, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn; tiết giảm tối đa thời gian làm các thủ tục đăng ký, thông báo, báo cáo, lập tờ khai sử dụng hóa đơn, kể cả phòng tránh tình trạng bị làm giả hóa đơn. Việc sử dụng HĐĐT còn tạo điều kiện để doanh nghiệp hiện đại hóa công tác quản lý; nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh, thương hiệu cũng như lợi thế cạnh tranh.

Áp dụng hóa đơn điện tử cũng góp phần khắc phục được tình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, làm giả hóa đơn... từ đó, tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp triển khai thương mại điện tử được hoàn thiện hơn từ đặt hàng trên mạng, giao hóa đơn điện tử qua mạng, thanh toán qua mạng...

Nghệ An là 1 trong 57 tỉnh tổ chức triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trong giai đoạn 2 theo lộ trình của Bộ Tài chính. Cụ thể, lộ trình triển khai hóa đơn điện tử tại tỉnh Nghệ An bao gồm: Từ 01/4/2022 đến ngày 15/5/2022: 70% tổ chức, doanh nghiệp, 50% hộ kinh doanh phải sử dụng hóa đơn, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; Từ 16/5/2022 đến ngày 30/6/2022: 100% tổ chức, doanh nghiệp, 100% hộ kinh doanh phải sử dụng hóa đơn, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.

Tính đến ngày 20/4/2022, tổng số người nộp thuế phải sử dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư 78/2021/TT-BTC trên địa bàn Nghệ An là 10.618 (không bao gồm văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, cơ quan hành chính, đơn vị vũ trang, tổ chức khác và các doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chưa sử dụng hóa đơn), trong đó có 9.753 doanh nghiệp, tổ chức và 865 hộ, cá nhân kinh doanh. Tổng số người nộp thuế đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử đến 7h ngày 20/4/2022 là 3.467, đạt 32% kế hoạch (trong đó doanh nghiệp đạt 33% kế hoạch; Hộ, cá nhân kinh doanh đạt 24%).

Lãnh đạo tỉnh nhấn nút công bố Hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Quang An

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế triển khai xây dựng hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc bài bản, có lộ trình rõ ràng và nhấn mạnh hệ thống hóa đơn điện tử sẽ góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động và thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Bên cạnh những thành quả đạt được, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng chiến lược chuyển đổi số, đào tạo nhân lực có trình độ cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp với sự phát triển. Dữ liệu tại hóa đơn điện tử phải đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch, tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện các hành vi gian lận, gây thất thu thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, đơn vị hiểu được tầm quan trọng, lợi ích của hệ thống hóa đơn điện tử để tham gia đầy đủ, đạt mục tiêu đề ra...
Tổng cục Thuế đã đặt ra lộ trình đến hết ngày 10/5 phải hoàn thành tối thiểu 50%; đến hết ngày 31/5 phải hoàn thành 90% và đến hết ngày 30/6 phải hoàn thành 100% số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ./.