(Baonghean.vn) - Trước diễn biến của cơn bão Haiyan, các huyện: Nghĩa Đàn, Qùy Hợp, Quế Phong đang chủ động triển khai công tác ứng phó, di dời các hộ dân ven sông, suối đề phòng lũ ống, lũ quét có thể xảy ra. 
 
Ngay sau cuộc họp trực tuyến với UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB huyện Nghĩa Đàn đã gấp rút triệu tập các thành viên trong BCH PCLB huyện tiến hành bàn các biện pháp nhằm ứng phó với cơn bão HaiYan. Đây là cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong lịch sử, có khả năng đổ bộ vào miền Trung vào tối ngày 9 và sáng ngày 10/11. Sau khi họp xong, các thành viên trong Ban chỉ huy PCLB huyện Nghĩa Đàn đã tiến hành đôn đốc, chỉ đạo các địa phương được phân công phụ trách triển khai ngay công tác phòng chống bão. Đồng thời, huyện đã có công điện khẩn gửi các địa phương, đơn vị trên toàn huyện nghiêm túc chấp hành phương án PCLB đã xây dựng, tránh tâm lý, chủ quan lơ là, để xảy ra những hậu quả đáng tiếc. 
 
Trên địa bàn Nghĩa Đàn có 130 hồ đập lớn nhỏ và hầu hết đang trong tình trạng xuống cấp, một số có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào nếu mưa lũ đổ về. Huyện đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ tiến hành xả tràn trước khi mưa lớn mang theo lượng nước về. Đối với các hồ có nguy cơ vỡ cao như hồ Cây Đa (Nghĩa Trung), Yên Trung (Nghĩa Lâm)... tiến hành mở rộng tràn, cắt cử cán bộ túc trực và chuẩn bị đầy đủ vật tư phòng khi có trường hợp xấu xảy ra. Đối với các hồ đang thi công dang dở như hồ Khe Yên (Nghĩa Lâm) thì đơn vị tạm dừng thi công và cắt lực lượng trực 24/24 giờ. 
 
images868120__nh_1.jpgHồ Sông Sào sẽ xả lũ 1 cửa tràn vào ngày 9/11
Riêng hồ Sông Sào, hiện nay mực nước đã đạt mức 75,50m, gần bằng mực nước dâng bình thường. Với dung tích là 51 triệu m3, hồ Sông Sào là hồ chứa nước lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh ta, sau hồ Vực Mấu. Để chủ động ứng phó khi bão đổ bộ vào, lượng mưa sẽ cao cộng với nước từ thượng nguồn đổ về, ngay từ chiều 8/11, Công ty TNHH MTV Phủ Qùy đã có thông báo xả lũ gửi cho BCH PCLB huyện, các xã và đơn vị trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Ngọc Giáp, Phó giám đốc công ty cho biết: Do ảnh hưởng của bão nên trong vài ngày tới sẽ có mưa lớn, từ chiều nay, công ty quyết định vào lúc 8 giờ sáng ngày 9/11 sẽ bắt đầu xả lũ 1 cửa tràn. Tùy vào mực nước trong hồ và diễn biến của thời tiết sẽ quyết định xả với lưu lượng bao nhiêu. Nếu xả thông 1 cửa tràn sẽ có lưu lượng 120m3/s. 
 
Trước tình hình đó, UBND  huyện, BCH PCLB huyện Nghĩa Đàn lên kế hoạch sơ tán khoảng 30 hộ dân với 100 nhân khẩu đến nơi an toàn. Ông Lê Trung Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp, Phó trưởng BCH PCLB huyện cho biết: Ngay sau cuộc họp, BCH PCLB huyện đã có công ăn yêu cầu các địa phương Nghĩa Bình di dời các hộ dân có nguy cơ ngập lụt khi hồ Sông Sào xả lũ; yêu cầu xã Nghĩa Khánh tổ chức di dời hơn 10 hộ dân ven khe Sài và các hộ dân ở xã Nghĩa Khánh đến nơi an toàn. Công tác này phải thực hiện xong trước 19 giờ ngày 9/11. 
 
Ngoài việc chuẩn bị phương châm “4 tại chỗ”, Huyện chỉ đạo người dân, địa phương, đơn vị cắt tỉa cành, chằng chống nhà cửa, di dời tài sản lên cao. Đối với các công trình đang thi công thì tạm thời dừng lại, chằng chống các cột điện, kiểm tra và cắt cử người túc trực tại các nút giao thông, cầu trà có nguy cơ ngập lụt cao. Khi mưa lớn thì sẽ cấm người qua sông tại tuyến đò Nghĩa Thịnh – Nghĩa Khánh. 
 
Tại huyện Qùy Hợp, công tác ứng phó với cơn bão HaiYan cũng đươc BCH PCLB huyện triển khai tích cực. Ngay sau cuộc họp trực truyến với BCH PCLB tỉnh, BCH PCLB huyện đã tiến hành họp và có công điện khẩn gửi cho các địa phương về tình hình, dự báo chiều hướng hoạt động của cơn bão số 13. Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương triển khai nhanh các biện pháp với phương châm chủ động, tích cực. Sau khi kết thúc cuộc họp, các thành viên trong BCH PCLB huyện trực tiếp về các địa phương được phân công phụ trách để đôn đốc, chỉ đạo công tác triển khai một cách kịp thời. 
 
Hiện trên địa bàn huyện Qùy Hợp có hơn 150 hồ, đập lớn nhỏ. Đa phần các hồ đập này đều đã được xây dựng từ lâu, bằng đất nên xuống cấp, luôn trong tình trạng có nguy cơ vỡ cao. Cụ thể như một số hồ: Cây Dừa (Đồng Hợp), Hổi Xổm (Châu Cường), Khe Riềng (Nghĩa Xuân) đang trong tình trạng ách yếu. Huyện đã chỉ đạo các địa phương cho tiến hành xả tràn những hồ đã đầy nước, chuẩn bị vật tư để ứng phó khi có sự cố. Tại BCH PCLB huyện đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, lực lượng để ứng cứu kịp thời. Các công trình cơ sở hạ tầng đang thi công thì tạm dừng. 
 
Ông Hoàng Văn Thái, Trưởng phòng Nông nghiệp, Phó trưởng BCH PCLB huyện cho biết: Lo ngại lớn nhất khi bão đổ bộ vào đất liền trên địa bàn huyện là lũ ống, lũ quét. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, huyện đã đề nghị các địa phương: Châu Quang, Châu Thái, Châu Hồng, Châu Lộc, Nam Sơn, Bắc Sơn... cần tuyên truyền sâu rộng cho người dân biết diễn biến và mức độ của cơn bão. Đối với các hộ dân nằm ven sông, ven suối thì dựa trên các phương án PCLB đã xây dựng và tiến hành di dời người dân đến nơi an toàn khi có mưa lớn. Các trường học trên toàn huyện cho học sinh nghỉ học ngày 11/11 và nếu thời tiết có mưa lớn thì cho nghỉ tiếp ngày 12/11. 
 
                                                                                                                                            Phạm Bằng
Quế Phong:
Ứng phó với cơn bão mạnh nhất thế giới, sau khi tiếp thu tinh thần tại hội nghị trực  tuyến bàn biện pháp ứng phó với siêu bão HaiYan (cơn bão số 14) của UBND tỉnh, ngay khi kết thúc hội nghị trực tuyến, UBND huyện Quế Phong họp bàn phương án với BCH –PCBL huyện chủ động phòng chống thiên tai. Huyện xác định các điểm dễ bị sạt lở núi ở Tri Lễ, Quang Phong, Thông Thụ, các điểm dễ bị lũ quét như Nậm Giải, Cắm Muộn. Đã có 5/13 thành viên PCLB của huyện ngay trong chiều 8/11 đã vào các xã trọng điểm  để phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, chỉ đạo ứng phó; cảnh báo với bà con qua lại các vùng sạt lở, vận động bà con chằng chéo nhà cửa. Được biết Quế Phong có trên 600 hộ dân ở trong vùng nguy cơ lũ ống lũ quét và sạt lở núi khi mưa bão vào thường bị đe dọa.
 
Quỳ Châu:
Tại huyện Quỳ Châu, chiều 8/11, Ban chỉ huy PCBL đã tổ chức họp đưa ra các phương án, giải pháp và giao nhiệm vụ cho từng thành viên. Như phân công các thành viên về các xã có nguy cơ sạt lở núi tại các xã Châu Hoàn, Diên Lãm, Châu Phong …để phối hợp với địa phương tuyên truyền cảnh báo cấm dân qua lại khi mưa bão. Các lực lượng: công an, bộ đội, ngay trong chiều 8/11 đã cử CBCS xuống các bản làng có nguy cơ ngập úng như xã Châu Hạnh, Châu Thắng, Châu Tiến để phối hợp với chính quyền xã tuyên truyền bà con chuẩn bị đồ đạc, người và tài sản, trâu bò di dời khi có dấu hiệu đe dọa; chỉ đạo các xã chuẩn bị vật tư vật liệu như cọc tre, cát, đá để phòng các đoạn đường bị lũ làm sạt lở, chia cắt.
 
 
Văn Trường