(baonghean) - Thị trấn Anh Sơn đang ngày một khởi sắc, đời sống mọi mặt của nhân dân đã có những bước tiến đáng kể. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận nhân dân gần như không có tư liệu sản xuất, sinh sống chủ yếu bằng cách bán sức lao động của mình.

762324_small_43809.jpg
Họ vốn là những người dân xuất thân từ nghề sông nước về định cư ở khu vực Bến Than (nay là địa bàn Khối 1- Thị trấn Anh Sơn) đã hàng chục năm nay. Khu vực này có diện tích không lớn lắm, lại nằm chênh vênh bên hữu ngạn sông Lam. Hiện nay khối 1 có trên 100 hộ dân, do sinh sống gần bến khai thác cát sỏi, gần 2 nhà máy xi măng ở Anh Sơn và gần với các đại lí vật tư, phân bón, điểm kinh doanh vật liệu xây dựng nên đa phần người dân nơi đây đều theo nghề cửu vạn.

Điều đáng nói là nghề cửu vạn ở khu vực Bến Than được  hình thành tự phát, mỗi tổ có khoảng 8- 10 người, cả vùng có đến hàng chục tổ. Công việc hàng ngày của họ là tập trung ở các khu vực khai thác cát sỏi, kho hàng của các nhà máy xi măng, các điểm kinh doanh vật tư và vật liệu xây dựng để mỗi khi chủ hàng có nhu cầu vận chuyển hàng lên, xuống xe họ sẽ tiến hành "hợp đồng vận chuyển". Nếu là cát sỏi thì được tính theo đơn vị thể tích (m3), nếu là các loại hàng được đóng bằng bao bì được tính theo đơn vị khối lượng. Theo giá thông thường hiện nay thì vận chuyển một tấn hàng lên, xuống xe họ được nhận thù lao từ 5- 7.000 đồng. Bình quân mỗi người vận chuyển từ 10- 15 tấn/ngày (tương đương khoảng 200 bao xi măng) với mức thu nhập từ 30- 40.000 đồng/ người. Nhưng mỗi tháng có khoảng 5- 10 ngày không có thu nhập, phần vì thời tiết không thuận lợi, phần vì nhu cầu của thị trường khá bất thường. Vì thế cuộc sống của những người dân cửu vạn có thể nói khá bấp bênh, làm ngày nào biết ngày đó.

Tiếp xúc với anh Phan Văn Hà, tổ trưởng một tổ cửu vạn, anh cho biết: "Nghề của chúng tôi rất vất vả và lao lực, vận chuyển hàng bằng cách đội trên đầu nên đêm về toàn thân đau mỏi, đầu nhức như búa bổ". Đa số phụ nữ ở khối 1 đều theo nghề cửu vạn, ngay cả những lúc bụng mang dạ chửa nhưng vì miếng cơm manh áo nên phải bám theo công việc hàng ngày. Chị Nguyễn Thị Thành (vợ anh Hà) cho biết rằng, khi chỉ cách ngày sinh mấy ngày chị vẫn phải theo anh chị em trong tổ đi vận chuyển hàng, sinh nở được chừng 01 tháng chị lại tiếp tục công việc, vì rằng không làm thì chẳng có đồng ra đồng vào để tiêu pha hàng ngày. Hầu hết những người làm nghề cửu vạn bước qua tuổi 40 đều xuất hiện dấu hiệu suy sụp sức khoẻ, đó là triệu chứng của các loại bệnh lao phổi, dạ dày, não...

Anh Hà còn cho biết thêm: "Cách đây chừng 03 tháng chị Trần Thị Lan đổ bệnh và mất khi chưa đầy 50 tuổi. Có lẽ do từ nhỏ đội nặng trên đầu nên chị bị ảnh hưởng đến não, dẫn đến tê liệt toàn thân". Đang trao đổi với tổ cửu vạn của anh Hà thì có một chiếc xe tải chạy đến nhận hàng, một chị trong số họ nói với tôi rằng: "Chuyện chúng tôi còn nhiều lắm nhưng nếu nói hết với nhà báo thì hôm nay con cái chúng tôi sẽ không có cái gì để ăn". Nói rồi, mọi người hồ hởi đến gặp chủ hàng để thoả thuận "hợp đồng bốc vác".

Người dân xóm cửu vạn Bến Than đều có chung một niềm mơ ước là được các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể quan tâm hơn nữa trong việc phát triển ngành nghề, tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập ổn định, làm vơi đi phần nào những khó khăn, vất vả trong cuộc sống thường ngày của họ.
Bài, ảnh: Công kiên