762326_small_43881.jpg
Đi đến lần thứ 3, tôi mới gặp được ông. Trong căn nhà nhỏ ở khối 20 phường Hưng Bình (TP. Vinh), giữa chiều hè nóng như đổ lửa, ngồi nghe ông kể lại những trận đánh ác liệt, những kỷ niệm khó quên... đôi lúc, bà Vũ Thị Chuyên - vợ ông lại phải nhắc thêm một vài chi tiết mà ông không muốn kể... Sinh năm 1946 tại xã An Hoà, Quỳnh Lưu, năm 1966 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Phan Văn Trinh lên đường nhập ngũ vào đơn vị vận tải C53, D972 thuộc Cục Vận tải đóng quân ở Mường Xén. Năm 1968, Phan Văn Trinh được đơn vị cử đi học lái xe. Nhiệm vụ chính của ông lúc này là chuyên chở lương thực, thực phẩm và tiếp tế lực lượng trên tuyến đường 7 từ bản Ban sang Khăng Khay (Lào). Đến tận bây giờ, ông vẫn không quên những lần bị thương tưởng chừng không thể sống sót: Đó là năm 1969, trong một lần chở hàng, gặp máy bay địch, ông bị hai mảnh đạn gim vào đầu đến nay vẫn còn đau vì chưa gắp ra được. Những lần trái gió trở trời, ông lại khi nhớ, khi quên. Rồi năm 1973, ông bị vỡ bánh chè, xương nồi cầu chân trái, hiện tại cái chân này không thể co lên được. Do sức khoẻ không đảm bảo, nên cũng năm 1973, ông được đơn vị cho phục viên, nhưng Phan Văn Trinh xin quay về đơn vị


cũ để tiếp tục làm việc. Chính năm này (ngày 31/12/1973) ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1976 làm trợ lý chính sách cho Trung đoàn 526, Cục Vận tải. Năm 1980 phục vụ ở đường 9 Nam Lào. Năm 1982 về phục viên.... 16 năm 4 tháng phục vụ trong quân đội rồi trở về địa phương sức khoẻ kém (thương binh loại A, thương tật 3/4) đầu dính đạn, chân đi lại khó khăn, các con còn nhỏ dại cộng với đất canh tác quá ít không đảm bảo cuộc sống, vợ chồng ông quyết định lên vùng đất Tam Hợp (Quỳ Hợp) khai hoang, trồng trọt với hy vọng cuộc sống sẽ khá hơn. Với 7 sào ruộng, hai vợ chồng làm ngày đêm mà vẫn không đủ ăn. Rồi cày thuê, làm thuê... thôi thì đủ nghề miễn là con cái có cái ăn, cái mặc. Biết được hoàn cảnh của ông, năm 1991, đơn vị cũ đã quyết định xây tặng gia đình ngôi nhà tình nghĩa ở khối 20, phường Hưng Bình, trị giá 15 triệu đồng. Ngày cả nhà về Vinh cứ như một giấc mơ... Nhưng rồi lại chuyện "cơm, áo, gạo, tiền", 5 đứa con, 2 vợ chồng ở chốn thị thành, không nghề nghiệp lấy gì mà sống. Các con cũng vì thế mà không được học hành tử tế. Hai con gái đầu đã lập gia đình nhưng cũng vất vả lắm, chẳng nhờ cậy được gì, cậu con trai thứ 3 chưa có việc làm ổn định, cậu thứ 4 vào quân đội, cậu út đang học lớp 11 Trường Lê Quý Đôn. Gánh nặng gia đình đè lên vai anh hùng LLVT Phan Văn Trinh, năm 2004 ông mua chiếc xích lô trị giá 600 nghìn đồng "ai cần gì chở nấy", và chở "nước rác" về chăn nuôi lợn.


Ông tâm sự: "Đất đơn vị cho là 150m2, xây nhà một nửa, một nửa xây ốt cho thuê, nhưng người ở không thường xuyên nên thu nhập cũng phập phồng. Hàng tháng được hơn 2 triệu tiền chế độ... Hiện tại ngôi nhà tình nghĩa đã bị nứt dột, trời mưa phải huy động hết cả thau, chậu...".


...Chia tay Anh hùng LLVT Phan Văn Trinh, một nỗi buồn, day dứt... về một quân nhân - một thời đã cống hiến hết sức lực và tuổi thanh xuân cho đất nước.


Bài, ảnh: Thanh Thuỷ