(baonghean) - Theo các nghệ nhân lăm ở vùng Mường - Ham (xã Châu Cường - Quỳ Hợp), cho biết, có hai cách hát "lăm", tương ứng với hai điệu khèn khác nhau: Cách thứ nhất gọi là "lăm tền còn", cách này được "lăm" theo kiểu nhịp đi, bước nhảy...; cách thứ hai là "lăm đợt đới", cách này "lăm" chậm, từ từ, khoan thai, thong thả.

762323_small_43803.jpgHát "lăm" chào đón khách của bà con xã Châu Quang - Quỳ Hợp.
Về cách thể hiện, người ta có thể "lăm" theo khèn bè (xum khen), hoặc "lăm" một mình (gọi là lăm páng) không có khèn bè thổi phụ hoạ. Khi phải "lăm páng", người "lăm" thường có vài lời "lăm" thông cảm trước với người nghe. Lời lẽ rất khiêm tốn!

Muốn có cuộc "lăm", thì phải có lý do, không ai tự dưng thổi khèn mời "lăm", cũng không ai tự dưng nổi hứng mà "lăm" một mình. Lý do để có cuộc "lăm" phải là những chuyện vui (như: ngày lễ; ngày Tết; đám cưới; khách xa đến bản; lễ mừng nhà mới...). Không ai "lăm" trong các chuyện buồn bao giờ cả, bởi "lăm" là tiếng hát giao duyên. "Lăm" có một tác động mạnh mẽ đến kỳ lạ tới tâm hồn người nghe. Lăm đi vào lòng người như tiếng thổi của gió núi ban trưa thanh vắng, như tiếng suối chảy ban chiều, như tiếng chim từ quy, táng lò hót trong đêm buồn diệu vợi... Đêm càng vào sâu, tiếng "lăm" càng day dứt, giống hệt mạch ngầm yêu thương, nồng cháy giữa con người với con người, cứ thẩm thấu theo tiếng khèn bè mà đi sâu vào con tim, trí não của những người con trai, con gái Thái mường bản- những con người siêng năng, hiền hoà, chất phác, yêu lao động, quý trọng con người và luôn ưa thích một cuộc sống yên ổn, thanh bình.

Cả vùng Mường - Ham ngày nay, hiện chỉ còn lại rất ít số lượng những người biết "lăm" cho ra "lăm", và người thổi khèn lăm cũng không còn được bao nhiêu nữa, đa số đã từ tuổi 60 trở lên. Việc bảo tồn và phát triển "lăm" cũng như các làn điệu dân ca khác của người Thái ngày nay đang đứng trước một khó khăn lớn, thật khó mà vượt qua được, nếu không biết hoặc không thật sự yêu thích loại hình dân ca này!?
Bài, ảnh: Thái Tâm