(Baonghean) - Với  tình yêu và niềm đam mê văn hóa cổ, anh Nguyễn Duy Long – nông dân ở xóm 9, xã Văn Thành, huyện Yên Thành đã bỏ nhiều thời gian, công sức đi khắp nơi tìm kiếm, sưu tầm cổ vật. Hiện, “bảo tàng”  tại gia của anh có hàng  ngàn cổ vật giá trị. 

images1576353_anh1.jpgAnh Long và chiếc bình vôi bằng sứ thời Lê.

Học xong THPT, Nguyễn Duy Long (SN 1971) ở nhà lấy vợ và nối nghiệp nông gia. Ngoài mấy sào ruộng khoán, anh Long còn chăn nuôi gia súc, gia cầm và buôn bán thêm ở chợ để kiếm thêm thu nhập. Nhờ siêng năng, tháo vát nên kinh tế gia đình anh khấm khá hơn so với mặt bằng chung của xóm.

Cuộc sống đang yên ổn, bỗng nhiên anh “dở chứng” bỏ bê công việc để đi sưu tầm đồ cổ. Bao nhiêu vốn liếng tích góp anh đều “nướng” hết vào niềm đam mê này. Những chuyến xa nhà tìm kiếm cổ vật ngày càng tăng, và sau mỗi chuyến đi, anh mang về nào đồ sứ, đồ gốm, đồ đồng…, thậm chí có những cái đã vỡ làm đôi, làm tư.  

Ngồi bên ấm trà được ủ trong bình gốm có niên đại hàng trăm năm tỏa hương nhài thơm ngát, Long kể: Từ nhỏ, anh đã rất thích những họa tiết và hình dáng của các đồ gốm sứ cổ, nhiều lần anh đã lấy đất sét để tập nặn theo. Sau này lớn lên, qua sách vở và internet, anh am hiểu những giá trị văn hóa vô giá của cổ vật nên niềm đam mê qua năm tháng càng mãnh liệt, thôi thúc anh tìm kiếm.
 
Từ năm 2000, Long bắt đầu cuộc săn tìm cổ vật ở địa phương, sau đó đi khắp các tỉnh thành trên cả nước, đến cả những vùng đồng bào thiểu số xa xôi để sưu tầm. Anh Nguyễn Duy Long chia sẻ: “Chơi đồ cổ cũng lắm gian truân. Ban đầu không ít lần bị “cò” lừa, mua phải đồ giả mất cả chục triệu bạc. Có những khi đi cả ngàn cây số nhưng đến nơi, nhìn trực tiếp món đồ không ưng ý, hay chủ nhà đột ngột đổi ý không bán thì mất công sức và tiền tàu xe đi về”…
 
Bởi dành tình yêu và đam mê cho cổ vật nên vợ chồng anh nhiều phen lục đục, “cơm không lành, canh không ngọt”. Thế nhưng, dần dà, trước niềm đam mê mãnh liệt của chồng, chị Hương – vợ anh Long cũng nguôi ngoai đổi ý. Thậm chí, giờ khi đi buôn bán xa, nghe nói là cổ vật thì cũng gọi báo cho chồng biết để đến mua.
 
Đến thăm gia đình nông dân Nguyễn Duy Long, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi  không gian cổ xưa như tự ngàn năm đang tồn tại nơi này. Cổng vào sân với hàng trăm chum vại, chóe sành, cối đá,  bình gốm… có niên đại hàng trăm năm, được bài trí xen dưới những cây cảnh bon sai có độ tuổi thuộc hàng trưởng lão trông thật độc đáo và ấn tượng.
 
Trong nhà, những bộ tủ chè, tràng kỉ, những chiếc tủ kính trưng bày trên đó là những đồ sứ, đồ gốm, đồ gỗ, đồ đồng như : Ấm, âu, ang, bát, bình, chân đèn, chân đế, chậu, chén, chum, đĩa, hộp, liễn, lọ, thạp, thống, tước, tượng các loại… Tất cả được xếp thành từng nhóm, từng niên đại khác nhau rất quy củ và khoa học trông như một bảo tàng thực sự.
 
"Bảo tàng" đồ cổ thu nhỏ của anh Nguyễn Duy Long.
“Bảo tàng” tại gia của Nguyễn Duy Long hiện nay có hàng ngàn cổ vật có giá trị, có niên đại hàng trăm năm đến hàng ngàn năm như đồ gốm, đồ đá thời Việt cổ, các cổ vật thời Lý, Trần, cổ vật thời Hán, Tống… Để am hiểu, người nông dân giàu đam mê ấy phải tự học, đọc nhiều cuốn sách về khảo cổ, sách nghiên cứu về xã hội học, sách về lịch sử và sự hình thành - phát triển của gốm sứ các nước. Anh bảo:  “Khi đã thực sự đam mê và dày công  nghiên cứu cộng thêm với kinh nghiệm thì chỉ nhìn thôi cũng biết đồ gốm đó thuộc thời đại nào. Chẳng hạn thời Lý - Trần đồ gốm có màu nâu, họa tiết cánh sen.
 
Đồ gốm Lý- Trần đã đạt một đỉnh cao trong tạo dáng và trang trí… Được biết, nhiều cổ vật có giá trị của anh Long đã được nhiều tay chơi đồ cổ trong và ngoài nước đến gạ mua với giá cao nhưng anh vẫn kiên quyết từ chối. Với anh, chơi cổ vật là để thỏa mãn đam mê, để lưu giữ báu vật của thời gian, lưu giữ giá trị lịch sử chứ không vì mục đích kinh doanh.
 
Anh Long trăn trở, hiện nay cổ vật ở trong dân đang rất nhiều mà người hiểu được giá trị quý báu của chúng, say mê và ra sức sưu tầm, bảo quản chúng thì hiếm có nên cổ vật rất dễ bị trôi nổi, hư hỏng và “chảy máu đồ cổ” ra nước ngoài. Nói về những dự định cho tương lai, Long cho biết: “Tôi mơ ước sẽ xây dựng nơi đây thành một bảo tàng trưng bày cổ vật để nhiều người cùng chiêm ngưỡng, góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống truyền lại cho những đời sau”.
 
Tiến Dũng