(Baonghean.vn) - Phan Quang Phóng (quê ở xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên) hiện đang làm công nhân tại Hàn Quốc, được cộng đồng người Nghệ An biết đến là người chuyên sáng tác những bài thơ bằng ngôn ngữ Nghệ. Hiện anh có hơn 50 bài thơ bằng tiếng Nghệ với các chủ đề khác nhau với các chủ đề khác nhau: về bố, mẹ, quê hương, đội bóng SLNA… và đã có bài đã được phổ nhạc.
CLip Thơ tiếng Nghệ của Phan Quang Phóng:
Clip Vì em cô gái miền Trung, thơ Phan Quang Phóng:
Chất liệu thơ từ cuộc sống
Đọc thơ Phan Quang Phóng, nhiều người sẽ lầm tưởng rằng hẳn đó phải là người chững chạc, từng trải bởi chất thơ giản dị, gần gũi nhưng đầy triết lý. Thế nhưng Quang Phóng chỉ là một chàng trai 31 tuổi, chưa lập gia đình.
Phan Quang Phóng bắt đầu sáng tác thơ từ năm cấp 2. Hồi ấy, gia đình Phóng quá nghèo, 4 người ở trong một ngôi nhà thưng phên dột nát. Hàng ngày, Phóng cùng anh trai phải ra đồng bắt cua, trồng rau, đào đất thuê, đào sỏi bán…để phụ giúp bố mẹ. Thương bố vất vả đạp xích lô, thương mẹ thức đêm dậy sớm để nấu rượu bán nuôi 2 anh em ăn học, anh chỉ có thể gửi gắm tâm sự vào những vần thơ giản dị:
Khi đưng nhỏ tui vẫn thường phân vân
Mệ lấy gạo nấu cơm răng lại rứa
Bốn người ăn, ba lưng bơ "bò sựa"
Còn thò tay bớt một nạm vô chum.
Nên tui đong, toàn ngược lại bốc thêm
Hai anh em cứ no nê, bái xái
Có cơm nguội chiều được về ăn lại
Chơ can chi mà phải đói trọc trèm.
Ngày gưn tết khi làng xóm lên đèn
Lại đứng đợi vì cha lâu về rứa
Họ mở nhạc, đập oang nhà, oang cựa
Còn cha thì vận đưng kéo xích lô.
Cấy hồi nớ tui vẫn hay ước mơ
Được sống trong một gia đình giàu có
Để sung sướng không trở rơm, gắt ló
Được đến trường quần áo mới tinh tươm.
(Trích trong bài “Nậy lên tui mới hiểu”)
Học xong cấp 3, Phan Quang Phóng tham gia nhập ngũ tại Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân, Lữ đoàn 283 (Nghi Phú, Vinh). Những bài thơ “con cóc” xuôi theo dòng tâm trạng được người lính lưu cẩn thận vào những cuốn nhật kí.
Năm 2007, anh ra quân,vì điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, anh đã từ bỏ ước mơ vào đại học, sang Hàn Quốc lao động. Hiện anh đang là công nhân tàu thủy chuyên vận chuyển hàng trong nước.
8 năm xa quê hương, tất cả tình yêu, nỗi nhớ, những thứ anh thấy và trải nghiệm nơi quê nhà, đều được Phan Quang Phóng gửi gắm hết vào những vần thơ.
Vì yêu tiếng Nghệ
Thơ tiếng Nghệ của Phan Quang Phóng thường không chú trọng trau chuốt ngôn từ mà thiên về cảm xúc giản dị và muốn định hướng tình cảm con người về quê nhà.
Phan Quang Phóng tâm sự rằng: “Tôi muốn đóng vai hết tất cả những nhân vật xung quanh mình để nói lên tâm sự, mong muốn và nỗi lòng của họ. Muốn làm được như vậy, đòi hỏi tôi phải ôn lại rất nhiều kỉ niệm về tuổi thơ, hàng xóm, cô dì, chú bác. Chủ yếu hướng về những giá trị tốt đep”.
Nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu thơ anh được mọi người chú ý, đó là cách đây hơn 3 năm. Anh vốn là Fan của SLNA, trước khi viết thơ tiếng Nghệ anh đã viết nhiều về bóng đá, về Văn Quyến, Công Vinh…Có một lần, thấy hội CĐV SLNA đăng thơ tiếng Nghệ, anh cũng coment hẳn một bài thơ đối và nhận được lượt like rất cao. Từ đó thơ của anh luôn được mọi người chú ý và được sử dụng trên các trang cộng đồng của người Nghệ An.
Đến nay anh đã viết rất nhiều bài thơ, nhưng riêng về thơ tiếng Nghệ có khoảng hơn 50 bài như: Cha dặn, Mẹ dặn, Tâm sự cha nghèo, Tự hào xứ Nghệ…
3 bài thơ được độc giả đón nhận, có lượt người đọc cao nhất trên các trang mạng xã hội hiện nay là “Bi hài chuyện làm du xứ Nghệ”, “Tuổi thơ tôi” và “Chồng dặn”. Đã có nhiều độc giả sau khi đọc thơ anh đã nhắn tin tâm sự, đồng cảm. Đặc biệt là những người xa quê, khi đọc thơ anh, họ tìm thấy tuổi thơ, thấy hình ảnh của họ và họ mong muốn được đọc nhiều hơn những bài thơ do anh sáng tác.
Mới đây, nhạc sỹ Nguyễn Quốc Tuấn đã phổ nhạc thành công cho bài thơ “Vì em là con gái miền Trung” của Phan Quang Phóng. Với giai điệu ngọt ngào, sâu lắng cùng lời thơ mộc mạc, chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ đã thu hút hơn 10 nghìn người nghe và hằng trăm lượt chia sẻ.
Con người của Phan Quang Phóng cũng giản dị như thơ tiếng Nghệ vậy. Ở nước Hàn xa xôi, anh đã cùng mọi người tổ chức các chương trình ca nhạc từ thiện để quyên góp cho các trẻ em nghèo ở quê nhà. Thường xuyên tổ chức giao lưu bóng đá để gắn chặt tình đoàn kết đồng hương của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc.
Nói về dự định trong tương lai, Phan Quang Phóng chia sẻ: “Sắp tới, trở về nước, việc đầu tiên tôi muốn là được chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ thật tốt. Còn về công việc, có quá nhiều thứ tôi đang ấp ủ và muốn làm khi trở về. Hiện tại đã có nhiều lời đề nghị tài trợ để tôi ra sách các tập thơ tiếng Nghệ nhưng vì ở xa nên vẫn còn cân nhắc. Với tôi, việc viết thơ là đam mê, là niềm vui và là món ăn tinh thần vì vậy tôi sẽ tiếp tục viết để mọi nhiều người biết đến và yêu thơ tiếng Nghệ hơn”.
Vương Vân