Những năm qua, cùng với nhiều chủ trương, chính sách đầu tư của tỉnh tạo điều kiện cho giáo dục miền núi phát triển, cấp ủy chính quyền, đoàn thể nhân dân các huyện miền núi cũng ngày càng nhận thức sâu sắc và quan tâm chăm lo hơn tới sự nghiệp giáo dục. Hệ thống trường lớp hình thành rộng khắp đến tận thôn bản, đảm bảo nhu cầu học tập của con em đồng bào miền núi, vùng dân tộc.

761774_small_40350.jpgBuổi tập trung đầu năm của học sinh tiểu học huyện Quế Phong

Đến nay, có 100% số xã đã có trường mầm non, lớp tiểu học được đưa về tận bản. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú ổn định, nhưng nhìn chung, giáo dục miền núi và vùng dân tộc ở tỉnh ta còn bộc lộ nhiều khó khăn, tồn tại: giáo viên vừa thừa, vừa thiếu (thừa ở dọc quốc lộ, thiếu ở vùng khó khăn), vừa yếu về chất lượng giảng dạy; đời sống giáo viên có đỡ hơn trước nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là giáo viên vùng sâu, vùng xa; cơ sở vật chất thiết bị trường học nghèo nàn, nhiều nơi học sinh vẫn phải học và ở bán trú trong những căn phòng tranh tre, nứa lá tạm bợ.... dẫn đến giáo dục của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng và bắt kịp được với yêu cầu đổi mới và nâng cao phương pháp dạy và học, chất lượng giáo dục còn bất cập, thua xa so với miền xuôi. Điều này một lần nữa được khẳng định tại kỳ thi tốt nghiệp THPT và BT THPT năm 2007. Thực hiện chủ trương "đổi thành tích để lấy chất lượng" của Bộ GĐ- ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT và BTTHPT vừa qua ở tỉnh ta mặc dù kết quả thấp (THPT đạt tỷ lệ 44,57%, BTTHPT đạt tỷ lệ 7,82%) nhưng được đánh giá là kỳ thi an toàn, nghiêm túc nhất từ trước đến nay và phản ánh đúng chất lượng giáo dục. Trong khi ở khu vực Vinh, Cửa Lò, các trường THPT công lập đạt 89-99,1%, ngoài công lập đạt 40-88,8%, thì các trường THPT huyện miền xuôi, miền núi đạt từ 54- 75,75%, tỷ lệ này ở các trường vùng cao như ở Tương Dương, Kỳ Sơn chỉ đạt từ 5,4- 7,2%. Đối với hệ bổ túc THPT, nơi cao nhất đạt 34%, thấp nhất 2-3%, cá biệt có 2 đơn vị vùng cao thuộc Quế Phong và Kỳ Sơn không có em nào đậu. Điều này cho thấy khoảng cách giữa các trường công lập với các trường ngoài công lập, các trường vùng kinh tế phát triển có phong trào giáo dục mạnh với các trường vùng kinh tế khó khăn, phong trào giáo dục chưa mạnh là khá lớn. Ngoài sự chênh nhau về trình độ rõ rệt giữa thành thị và nông thôn, miền núi, tỷ lệ chênh nhau giữa các trường ở vùng sâu, vùng núi cũng rất rõ nét. Theo ông Lê Tiến Hưng- Giám đốc Sở GD- ĐT thì đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đất học Nghệ An nằm ở top 10 tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp THPT thấp nhất cả nước. Do vậy, trong thời gian tới, ngoài chiến lược chung cho toàn ngành, đòi hỏi Sở Giáo dục đào tạo và các ban ngành liên quan cần phải tập trung đầu tư nhiều hơn nữa để nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trước mắt, tập trung đổi mới phương pháp dạy và học; đầu tư xây dựngcơ sở vật chất, trang thiết bị, hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp, quy mô phát triển. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nhanh chóng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, bởi muốn trò giỏi thì phải có thầy giỏi với kỹ năng và phương pháp giảng dạy tốt. Bên cạnh đó phải có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho giáo viên cắm bản, tình nguyện dạy học ở vùng sâu, vùng xa và chính sách hỗ trợ hợp lý học sinh dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn hoặc có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi để đào tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng cho các huyện miền núi.


Khánh Linh