(Baonghean) - Tôi có anh bạn cũ, chơi với nhau từ thuở hàn vi, nay đã là thủ trưởng một cơ quan khá mạnh. Đã lâu không gặp, hôm vừa rồi, biết tôi đi công tác qua địa bàn, anh gọi điện mời vào cơ quan chơi và dùng bữa cơm chiều. Tôi nhận lời và không quên nói rằng có thể sẽ đến muộn vì đi nhờ xe của một nhà báo. Thế là lập tức anh bạn tôi chối đây đẩy, không giấu giếm, anh nói nếu có nhà báo đi cùng thì hẹn lần sau, lý do anh đưa ra là “không dây với nhà báo, không láo với công an”!
Hôm sau về thành phố, anh bạn mời tôi uống cà phê và thông cảm chuyện hôm trước. Nhân thể, anh cho biết dạo này có nhiều người chả ưa gì báo chí, nhất là những vị đứng đầu. Tôi hỏi tại sao lại không ưa báo chí, anh bạn tôi nói vì họ sợ bị báo chí “đánh”, nhiều ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp... bị báo chí “đánh” cho nhừ tử. Thậm chí nhiều vị chủ trì bị báo chí “đánh” cho đến lung lay, mất luôn cả “ghế”...
Ngạc nhiên trước thái độ của bạn, tôi cố khơi chuyện để bạn cho biết rõ một số ví dụ mà anh bạn cho là báo chí đã “đánh”. Được thể, anh bạn tôi thao thao liệt kê nhiều trường hợp, hoàn cảnh mà báo chí đã “đánh”: Nhà trường thu sai quy định, tuyển sinh sai đối tượng, báo chí phát hiện; “đánh”. Doanh nghiệp xả nước thải ra môi trường làm ảnh hưởng đến nguồn nước và ảnh hưởng vệ sinh môi trường, dân kêu không được, phải nhờ đến báo, thế là báo chí lao vào “đánh”. Thủ trưởng cơ quan thu chi không đúng nguyên tắc tài chính, có dấu hiệu tham nhũng, báo chí “khui” ra, “đánh”. Đường dây chạy chế độ nạn nhân chất độc da cam, chạy luôn cho cả những trường hợp chưa đi bộ đội cũng được hưởng chế độ này, báo chí điều tra và “đánh”. Bệnh viện câu kết với các “nậu” thuốc tây để làm giá và sử dụng nguồn thuốc kém chất lượng, báo chí vào cuộc, “đánh”. Cảnh sát giao thông mãi lộ trắng trợn, báo chí theo dõi, nắm bắt đầy đủ thông tin, “đánh”. Đám cưới ở một làng quê nghèo, gia chủ là một đại gia, tổ chức rình rang tốn kém hàng chục tỷ đồng, báo chí lôi ra “đánh”. Chính quyền tổ chức cưỡng chế đất đai sai, báo chí nhảy vào “đánh”. Vụ Tiên Lãng cũng vì báo chí “đánh” mà “sập” cả chùm đấy!
Cứ theo lời người bạn thì hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần, và hầu khắp mọi nơi đều nhan nhản các vụ việc bị báo chí “đánh”. Thế nên bây giờ, nhiều người ngại gặp báo chí. Tôi hỏi thêm rằng, có nhiều người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, hoặc ngành, đơn vị… quan niệm về cái sự “đánh” giống như bạn không?. Bạn nói rằng, đó vừa là “thông tin”, vừa là “kinh nghiệm” mà rất nhiều vị đứng đầu rỉ tai mách nước để bạn tôi biết và “tránh” đó.
Nghe những vụ việc mà bạn cho rằng báo chí đã “đánh”, cách quan niệmvề sự “đánh”, về vai trò, vị trí của báo chí của người bạn cũ mà tôi không khỏi áy náy.
Chưa hết, anh bạn nói tiếp, lần này triển khai Trung ương Bốn về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, chắc chắn báo chí sẽ nhân đây mà “đánh” nhiều vụ, thậm chí “đánh” được những vụ to. Vậy nên hiện có nhiều anh lo sốt vó, nhất là những anh đang vướng vào các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, sai phạm.
Nghe đến đây, tự nhiên tôi lại cảm thấy mừng. Và tôi nghĩ, chắc không chỉ riêng tôi, mà phần lớn cán bộ, đảng viên và quân chúng nhân dân đều mừng, đều chờ đợi báo chí sẽ “đánh” sạch được tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Dĩ nhiên là Đảng, Chính quyền và nhân dân luôn mong chờ báo chí “đánh” đúng người, đúng tội, với động cơ, mục đích trong sáng, công minh, chính đại.