(Baonghean) - Cách không xa trung tâm Thị trấn Kim Sơn (Quế Phong), gần ngôi đền Chín Gian nổi tiếng, bản Khoẳng, xã Châu Kim có nhiều thuận lợi trong việc giao lưu, bồi đắp thêm những nét văn hóa mới. Đã 17 năm nay, bản Khoẳng luôn giữ vững danh hiệu Làng Văn hóa; duy trì, bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống quý báu...
Để xây dựng bản trở thành làng văn hóa, vào cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, cán bộ và nhân dân bản Khoẳng đã xây dựng quy ước, hương ước rõ ràng, cụ thể cho từng tổ chức đoàn thể xã hội và người dân trong bản thực hiện. Những quy ước, hương ước đó bao gồm nền nếp sinh hoạt, mối quan hệ gia đình, chòm xóm và gia đình đối với xã hội. Quy ước được công khai trong các cuộc họp của bản và được tuyên truyền sâu rộng đến mỗi người dân; vận động mọi người cùng tham gia. Người nào thực hiện tốt được khen thưởng, ngược lại nếu vi phạm sẽ bị phạt từ 50 – 100 nghìn đồng. Quy ước đi vào cuộc sống tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong từng hội viên của hội, đoàn thể, giữa từng gia đình và giữa các tổ chức.
Hội Phụ nữ phát động phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, duy trì các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, thêu. Bản thường xuyên tổ chức các hội thi để biểu dương, khen thưởng những người dệt thổ cẩm đẹp, qua đó vừa khuyến khích lớp trẻ bảo tồn nghề truyền thống của dân bản. Chị Lương Thị Thanh, Bí thư Chi bộ bản Khoẳng cho biết: Đến nay bản có 12 hộ thường xuyên làm nghề dệt thổ cẩm, mặc dù thị trường tiêu thụ hiện đang gặp khó khăn, nhưng những gia đình có nghề đều cố gắng duy trì, phát triển nghề, coi đó là một nét văn hóa đặc sắc của bản.
Đoàn Thanh niên có phong trào “Chủ nhật xanh” với những việc làm thiết thực gìn giữ môi trường làng bản sạch đẹp như nhận trồng rừng, giúp nhân dân di dời nhà vệ sinh, chuồng trâu, bò ra xa khu vực nhà ở. Nhờ đó, đến nay toàn bộ 68 hộ trong bản đã có công trình phụ hợp vệ sinh. Hội Khuyến học duy trì phong trào “Tiếng trống học bài” và được nhận bằng khen của Hội Khuyến học tỉnh về phong trào khuyến học...
Vào mỗi dịp lễ hội, ở bản, không bao giờ thiếu những trò chơi dân gian mang đậm nét truyền thống như ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ, khắc luống, cồng chiêng, nhuôn hay suối. Ông Vi Văn Du, Trưởng bản Khoẳng, cho biết: Nhờ thường xuyên tổ chức các lễ hội mang đậm nét văn hóa Thái nên bản chúng tôi có rất nhiều đội văn nghệ mạnh. Đội khắc luống năm nào cũng được biểu diễn ở Lễ hội Đền Chín Gian; Đội văn nghệ dân gian được cử đại diện cho huyện tham gia “Đêm hội sắc Xuân miền Tây”, được Ban tổ chức khen thưởng và du khách đánh giá cao”.
Đứng chân ở địa bàn cách Thị trấn Kim Sơn gần 3 km, giao thông đi lại thuận lợi, lại có nhiều người trẻ hiện nay đang sống, học tập và công tác ở những địa phương khác. Đây chính là điều kiện thuận lợi để bản Khoẳng giao lưu văn hóa.
Những người con bản Khoẳng xa quê thường đưa chân váy, xe sợi đi theo để dệt, thêu váy, khăn để tặng bạn bè. Việc làm này chính là biểu hiện của sự tự hào, ý thức giữ nghề truyền thống của quê hương, vừa là cơ hội để giới thiệu văn hóa bản làng mình. Em Vi Thị Hoa, người con bản Khoẳng, hiện là sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: “Là một sinh viên đang học ở thành phố, nhưng em luôn có nghĩ mình cần giữ gìn tất cả những gì thuộc về truyền thống. Chỉ có như vậy bản em mới có điều kiện phát triển du lịch. Nếu không giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình thì chắc chắn sẽ không thu hút được du khách”. Suy nghĩ của những người trẻ như Hoa là một điều đáng quý, tạo đà thuận lợi cho việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.
Đến với bản Khoẳng hôm nay để cảm nhận rõ về một làng quê trù phú, cảm nhận được một không gian làng bản truyền thống. Dân bản sử dụng ngôn ngữ Thái trong giao tiếp hàng ngày; mặc trang phục truyền thống… Bên cạnh ý thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thì sự quan tâm của cấp trên cũng là một thuận lợi không nhỏ. Ông Vi Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Kim cho biết: Hiện toàn xã có 6 bản được công nhận là làng văn hóa, trong đó có 3 làng văn hóa cấp tỉnh. Chúng tôi thường xuyên tổ chức hội thi biểu diễn văn nghệ cấp xã cho tất cả các thôn bản nhằm mục đích tăng cường ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn”…
Chia tay bản Khoẳng vào lúc chiều muộn, khi màn sương đã bảng lảng phủ lên những nóc nhà sàn san sát bên dòng Nậm Quàng hiền hòa, chúng tôi tin những nét văn hóa độc đáo nơi đây sẽ còn mãi, đẹp với thời gian khi mọi người dân đều đồng lòng trong việc lưu giữ những giá trị truyền thống của mình.
Cảnh Nam