Không có cầu, việc giao thương hạn chế, kinh tế chậm phát triển. Đặc biệt, do cách trở nên việc học hành của con em bản Thỉn gặp không ít khó khăn. Em Kha Thị Phận, học sinh lớp 8 cho hay: "Tuần tới sẽ bắt đầu học chính thức. Ở nội trú tại trường nên cũng đỡ phần nào khi không có cầu đi học. Chỉ sợ cuối tuần về nhà gặp mưa thì không trở lại trường được thôi".
Còn chị Lữ Thị Minh, một hộ gia đình bán tạp hóa tại đội sản xuất Khe Thỉn thì lo ngại: “Cách đây 12 năm tôi từng phải nhờ người ta cáng bằng bè vượt suối ra bệnh viện sinh con. Lần sinh này chắc cũng vậy thôi?”.
Dừng chân bên mép nước và tìm cách vượt qua khúc suối sâu, chúng tôi gặp anh Kha Văn Sao, đội phó sản xuất ở Khe Thỉn mất rất nhiều thời gian để điều khiển chiếc xe máy vượt qua con suối rộng chừng 40m. Những người không vững tay lái đành lội bộ và đẩy xe qua suối với sự giúp sức của người khác.
Tay vuốt mồ hôi trán, anh Sao cho hay, cách đây khoảng một tháng, trong đợt mưa lớn trước cơn bão số 3, chiếc cầu tạm qua suối đã bị lũ cuốn phăng. Trong suốt thời gian đó cho đến sau khi bão số 3 tan, đội sản xuất Khe Thỉn luôn trong tình trạng cô lập. "Phải chờ nước rút, người dân mới có thể đi ra khỏi bản. Gần đây có một con đường mới mở nối liền với bản chính nhưng phía bên kia cũng có một con suối lớn và không có cầu” - anh Sao cho biết thêm.
Trong bản hiện chỉ có 2 hộ thoát nghèo. Phần lớn người dân đều sống dựa vào hái lượm tự nhiên nên sự cách trở về giao thông càng khiến việc phát triển kinh tế nơi đây thêm phần khó khăn.
Trong cuộc chuyện trò ngắn ngủi, anh Kha Văn Sao thông tin: Mỗi năm người dân nơi đây phải nhiều lần làm lại cầu tạm khi bị lũ cuốn trôi. Trong những cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị nhưng dường vẫn chưa có phương án khả thi để xây dựng cầu vào đội sản xuất Khe Thỉn.
Hai nữ sinh ở Khe Thỉn đẩy xe đạp vượt suối. Clip: Hữu Vi |