(Baonghean) -Về bản Thỉn, tên thường gọi của đội 3 bản Khe Mọi (xã Lục Dạ - Con Cuông) nghe ông trưởng chòm Vi Văn Tiên phấn khởi thông báo: “Bản bây giờ có người vào cấp 2 rồi”. Tôi vừa lấy làm lạ vừa thấy vui vì từ gần 25 năm nay, kể từ ngày có hộ đầu tiên đến đây sinh sống mà thành bản, thì nay mới chỉ là năm học thứ 2 bản Thỉn có người học cao đến như vậy. Lạ vì cái xóm nhỏ này có quá xa xôi cách trở gì cho cam.

Lần đầu tiên tôi đến bản Thỉn vào cuối năm 2009, lúc ấy, người học cao nhất bản người Đan Lai này chỉ có chừng chục em lớp 5. Có được “trình độ” như vậy còn bởi trong bản có một điểm trường cấp 1, nếu không thì để học đến lớp 5 cũng là một vấn đề không nhỏ, bởi muốn đến trung tâm xã, xóm núi này chỉ còn một phương cách đó là cuốc bộ vượt núi chừng 8 cây số. Còn muốn ra đến “trung tâm” bản cũng phải tắt đồi đi 3km. Vậy chuyện những học trò ở bản Thỉn đã học lên cấp 2 không phải một kỳ tích hay sao?

Ông Tiên cắt nghĩa cho tôi rằng từ 2 năm học nay học trò bản Thỉn được thầy cô nuôi cho ăn học ngoài trường nên mới có điều kiện học lên vậy đó. Câu nói của ông khiến tôi nhớ ra năm ngoái từng có viết bài về việc học sinh Đan Lai ở bản Thỉn được giáo viên Trường THCS Lục Dạ nhường phòng nội trú,  để các em có điều kiện trọ học. Bây giờ thầy cô lại còn nuôi ăn nữa nên lũ trò thích lắm, chỉ muốn ở miết ngoài trường.

Tôi tức tốc phóng xe đến thăm lại trường. Thầy Hiệu trưởng đi vắng. Thầy Hiệu phó Trịnh Đăng Khoa dẫn tôi ghé thăm phòng ở của học sinh bán trú. Trong đám trò còn có La Văn Mằn học sinh lớp 7 còn nhớ tôi, kéo tay vào phòng khoe: “Chúng cháu mới có giường sắt mới chú này. Chăn và đồng phục cũng mới mua”. Mới năm học trước 8 – 10 học sinh phải chung nhau một chiếc giường, nay mỗi em đã có giường riêng ghi tên từng người, ngăn nắp, quy củ. Cô giáo Lương Thị Huyền cho biết: “Giường và chăn này vẫn chưa có tiền trả đâu. Thầy Hiệu trưởng đi mua chịu đấy. Không biết tết này có bị người ta đến đòi nợ không nữa”. Còn thầy Khoa nói rằng: Tập thể giáo viên trong trường cũng có quyên góp nhưng vẫn không đủ vì tính ra tiền mua ngần ấy cơ sở vật chất cũng đến chục triệu đồng. Nhưng giữ chân được học trò Đan Lai ở lại học là vui rồi” ...

Tôi chợt nhớ chuyện thầy giáo dạy môn Tiếng Anh Lưu Thanh Bằng kể lại: Những năm trước, cứ vào cuối tuần thầy hiệu trưởng lại lập tổ đến bản Thỉn vận động phụ huynh cho con em vào lớp 6. Mọi người thường phải đi vào buổi tối vì ban ngày đa số dân bản đều ở trên rừng hái măng, kiếm củ. Cha mẹ học sinh lắm người không nhớ rõ con mình bao nhiêu tuổi, chỉ nhớ: “Vợ tôi đẻ hắn năm phát cái rãy ở ngọn đồi bên tê”. Thế rồi, sau hàng chục chuyến về bản vận động giờ cũng có được 11 học sinh chịu đến lớp. Vận động để cha mẹ chịu cho các em đi học đã khó, để giữ chân các em ở lại học cũng gian nan không kém nên cần có quyết tâm và cả sự hy sinh của thầy dành cho trò.

789357_small_90358.jpg

Thầy Lưu Thanh Bằng hướng dẫn học sinh môn Tiếng Anh

Thế là ngày ngày, ngoài giờ lên lớp, các cô giáo trở thành “bảo mẫu” của các trò: Lo cho từ ăn uống đến giặt giũ cho đến khi các em quen việc phải học cách tự lập. Ngoài ra, các trò còn được các thầy cô bày cách trồng rau cải thiện bữa ăn. Thầy dạy trò biết dậy đúng giờ, bỏ thói ngủ nướng. Những giáo viên ở lại khu nội trú kiêm luôn việc quản sinh.

So với những trường có nhiều học sinh bán trú thì việc chăm chút cho hơn chục trò Đan Lai của thầy cô Trường Lục Dạ có phần đỡ vất vả hơn. Thầy Lưu Thanh Bằng ví von: “Trường nhà mình có ít học sinh bán trú như nhà ít con ấy anh ạ, có điều kiện lo cho từng đứa”. Nhưng xem ra quyết tâm vận động tất cả học sinh trong độ tuổi ở bản Thỉn vào lớp 6 là việc khó khăn lắm. Trong năm học vừa qua vẫn có 2 học sinh nam nghỉ học. Chung quy là bởi cha mẹ các em không mấy quan tâm việc học tập của con cái, mặc dù các trò này học không tệ và cũng thích đến lớp. Hôm thầy cô vào bản khuyên học trò trở lại lớp, có trò Thìn đang theo dở lớp 6 cha mẹ đã bắt phải nghỉ. Đoàn vận động ra về cậu trò cứ đứng trước cửa nhìn theo mãi, xem ra em muốn đi học lắm. Còn cha mẹ thì lại cần em ở nhà trông em, vài năm nữa lớn thêm một chút thì lên rừng hái lượm vì bây giờ không ai còn đất đai làm rãy.



Học sinh bán trú Trường THCS Lục Dạ với công việc nội trợ

Thầy Bằng có nhà xa cách trường trên 30 cây số. Vậy không phải quá xa nhưng từ ngày có trò Đan Lai thì thầy tình nguyện ở lại kèm môn Tiếng Anh cho các em. Những thầy cô nhà gần trường mỗi người tranh thủ buổi tối chỉ bảo thêm cho lũ trò.

Đêm ấy tôi ở lại “ngủ thăm” thầy Thanh Bằng và được nằm thử chiếc giường sắt để trống của trò Thìn. Có chăn, có đệm tinh tươm, tôi đã có một đêm ngon giấc không mộng mị thế mà vẫn có trò bỏ học. 5 giờ sáng, trò La Văn Mằn, La Văn Em nằm giường bên cạnh đã dậy bật đèn học bài buổi sáng. Các trò nữ phòng bên dậy quét sân, rửa bát. Vậy là một ngày mới của học sinh Đan Lai bán trú tại Trường THCS Lục Dạ lại bắt đầu. Tôi gọi điện chia tay thầy Hiệu trưởng nhân tiện hỏi tới chuyện trường đang có cố gắng để sớm đạt chuẩn quốc gia. Thầy Hiệu trường cười: “Chuẩn quốc gia cũng quan trọng, để học trò bản Thỉn ở lại với trường cũng quan trọng không kém”.


Bài, ảnh: Hữu Vi