(Baonghean) - Độ một, hai tuần nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta bàn luận khá nhiều về bản Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế soạn thảo hiện đang lấy ý kiến trước khi trình ra Quốc hội. Trong đó có việc cấm bán rượu từ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. 
 
Phần lớn các ý kiến đều cho là không có tính khả thi. Một số thì lại than vãn theo kiểu mỉa mai là “lại thêm một quy định trên trời”. Đây không phải là chuyện mới vì có khá nhiều văn bản luật và dưới luật từ dự thảo đến khi ban hành chính thức đều nhận được sự phản hồi của dư luận ở dưới mọi góc độ, khía cạnh khác nhau. Không mới nhưng thấy hơi lạ. Là vì, hầu như ai cũng hiểu và nhìn thấy rõ tác hại của rượu bia, nhưng khi nói chuyện cấm thì lại không mấy người ủng hộ mà viện dẫn ra đủ mọi lý lẽ để phản bác theo kiểu “băn khoăn về tính khả thi”.
 
Những băn khoăn, tranh cãi đó tập trung ở mấy vấn đề: Thứ nhất, nếu dự thảo thành luật và được ban hành, người ta lo ngại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành rượu, bia. Trong khi đó, ngành này đang là một trong những ngành có lợi nhuận cao và đóng thuế nhiều vào ngân sách nhà nước. Đương nhiên khi có sự hạn chế thì sẽ có sự giảm sút, nhưng không đáng kể vì chỉ cấm trong một thời điểm nhất định chứ không phải là cấm cả ngày và lại đúng thời điểm nhu cầu sinh học của con người đòi hỏi được nghỉ ngơi. Hơn nữa, trong số mấy chục triệu người Việt ở tuổi được phép uống rượu bia số người đủ sức uống thâu đêm suốt sáng là rất ít. Dẫu có cấm thì lượng tiêu thụ giảm không đáng bao nhiêu. Cho nên hãy dẹp bỏ nỗi lo này sang một bên. Và ngành bia rượu có phải hy sinh đi một phần lợi nhuận nhỏ bé của mình để góp phần bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng cho người dân và giữ gìn trật tự xã hội thì cũng là việc rất đáng làm.
 
Thứ hai, Dự thảo luật cấm các đối tượng “Người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người bị bệnh lý, người tham gia giao thông...” không được sử dụng rượu bia. Người ta đặt câu hỏi là kiểm soát những người đó như thế nào? Và quan trọng nhất là cơ quan nào, đối tượng nào được quyền kiểm tra như thế? Việc kiểm tra đó có vi phạm quyền công dân? Có tạo ra sự cửa quyền, nhũng nhiễu công dân? Những câu hỏi đó là rất xác đáng, nhưng nên nhớ, luật được thực hiện đầy đủ hay không, chủ yếu phụ thuộc vào ý thức tự giác tuân thủ của người dân chứ không phụ thuộc quá nhiều vào sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.Vì lực lượng đó dù đông đảo đến mấy cũng không thể nào bao quát hết được mọi việc và ở mọi nơi, mọi lúc được.
 
Luật nào thì cũng vậy thôi. Còn việc vi phạm quyền công dân hay lợi dụng để nhũng nhiễu thì đều có thể xảy ra ở mọi lĩnh vực chứ không chỉ ở việc này. Vì thế, cũng không nên coi đó là một trở ngại. Mà nên để nó đi vào cuộc sống và điều chỉnh dần. Thứ ba, người ta lo ngại là việc cấm “bán rượu bia từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau”, sẽ khiến các tụ điểm du lịch, vui chơi giải trí như vũ trường, nhà hàng thất thu vì vào thời điểm đó chỉ có những nơi đó còn mở cửa phục vụ khách. Xin thưa, luật sinh ra là để phục vụ cho 90 triệu người dân Việt Nam chứ không thể vì lợi ích của mấy tụ điểm du lịch, vui chơi giải trí, thậm chí là trác táng đó được. Có người còn “dọa” là khi đó, những thiệt hại kinh tế từ khu vực dịch vụ, du lịch sẽ do bộ, ngành hay tỉnh thành nào gánh chịu trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia. Chả có gì to tát mà phải gánh chịu ở đây cả.
 
Ở những nơi đó, người ta uống rượu bia cả ngày cho tới tận nửa đêm và chỉ bị cấm có trong bảy tiếng đồng hồ chứ có phải là 24 tiếng đâu mà vội vã lên tiếng như vậy. Và nếu có thất thu ngân sách một chút cũng xứng đáng còn hơn là để rượu bia tàn hại sức khỏe người dân rồi còn phát sinh ra đủ thứ chuyện rắc rối khác. Hơn nữa, mỗi năm người ta còn bỏ ra hàng tỉ tỉ đồng để mua sức khỏe cơ mà. So sánh đơn giản thế thôi để thấy bên nào lợi hơn bên nào. Thứ tư, Dự thảo Luật quy định “tất cả người từ 60 tuổi trở lên uống hơn 2 đơn vị rượu/ngày; với người dưới 60 tuổi là hơn 3 đơn vị rượu/ngày đều được coi là lạm dụng rượu bia”. Một đơn vị rượu được tính là một lon bia 330 ml hoặc tương đương với một chén 30 ml rượu mạnh 40-43 độ. Chả lẽ cơ quan chức năng thuê người đứng cạnh bàn tiệc ở các nhà hàng, quán bar,... để kiểm soát mỗi cá nhân chỉ được uống 2-3 lon bia hay 2-3 chén rượu? Chẳng việc gì phải đứng cạnh cả mà chỉ khi nào người quá chén quậy phá hay gây hại đến người khác thì quy định đó sẽ được lấy làm căn cứ, cơ sở để mà xử lý kẻ không chịu tuân theo pháp luật. Đơn giản vậy thôi.
 
Sơ qua vài nét như vậy để thấy, không nên mất thời gian bàn luận theo kiểu trên vì chẳng ích nước, lợi dân gì. Mà nên thấy Dự thảo Luật này là đúng đắn, phù hợp với yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng như giữ sự ổn định xã hội. Cho nên việc cần bàn là bàn cách làm thế nào để dự thảo luật trở thành luật rồi đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Phải luận ra những ích lợi từ việc nghiêm cấm này. Chứ không được luận cong qoeo, lung tung, cuối cùng là lộ ra mục đích bảo vệ “lợi ích nhóm” rượu bia hay nhà hàng, vũ trường của một số “bồi bút” chuyên kiếm ăn bằng kiểu này. Vì nếu dự luật này không được thông qua thì đó là những đối tượng được hưởng lợi hoàn toàn. Tiếc gì mà họ không bỏ tiền ra ngăn cản. Cho nên tham gia bàn luận thì phải tỉnh táo đừng vô tình tiếp tay cho lợi ích nhóm. Đã bàn thì phải bàn cho đúng và đã luận thì phải luận cho ngay. Đừng bẻ cong ngòi bút vì bất cứ thứ lợi lộc nào.
 
Duy Hương