(Baonghean) - Ngồi với anh bạn từ Thành phố Hồ Chí Minh ra chơi, vừa hay nhạc trong quán mở đúng bài "Sài Gòn cà phê sữa đá": "Sài Gòn cà phê sữa đá, vẫn mãi như thế, ai uống hay chưa?". Anh bạn mình tự nhiên thở dài, bảo: Sài Gòn giờ khác rồi...
Hoá ra ông ấy nhắc đến vụ chặt cây cổ thụ để xây trạm tàu điện ngầm ở Nhà hát lớn thành phố. Mình đọc báo mạng, thấy độc giả kẻ ủng hộ, người phê bình. Với một người sống ở nước ngoài lâu năm, quen với văn hoá tàu điện ngầm nói riêng và phương tiện giao thông công cộng nói chung, việc xây dựng một công trình như thế hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng với một xã hội mới chớm phát triển, bất cứ một thay đổi nào dù nhỏ đến đâu cũng có thể là nguồn cơn của những mâu thuẫn và bất cập.
Từ góc độ của một nhà quản lý và phát triển, việc xây trạm tàu điện ngầm là tất yếu, thậm chí là bắt buộc. Về tất cả mọi khía cạnh: kinh tế, môi trường, an toàn giao thông,... phương tiện giao thông công cộng hiện đang là giải pháp tối ưu mà các nước đang phát triển cố gắng vươn tới, trong khi các nước phát triển thì bỏ công sức duy trì và hiện đại hoá. Ở ta hiện giờ đã có xe bus, nhưng đó mới chỉ là bước đầu: ở các nước phát triển như Anh, Pháp, Nhật, Singapore,... phương tiện công cộng đa dạng hơn với xe bus, tàu điện chạy trên mặt đất và tàu điện ngầm. Mạng lưới này cho phép người dân di chuyển một cách thuận tiện nhất mà không lo bị gián đoạn cả về thời gian và không gian.
Điều này chắc chắn chúng ta chưa làm được, với hệ thống xe bus còn bị hạn chế bởi tắc đường, đường một chiều, v.v và v.v... Cũng do vậy mà văn hoá sử dụng phương tiện công cộng ở ta chưa phổ biến, mặc dù những năm trở lại đây, người dân, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên đã bắt đầu hình thành thói quen đi xe bus. Việc tăng cường mạng lưới giao thông công cộng bằng hệ thống tàu điện ngầm sẽ giảm bớt gánh nặng cho xe bus, giảm bớt lưu thông trên đường. Như vậy là một mũi tên trúng nhiều đích: tiết kiệm không gian, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nhiên liệu, cải thiện an toàn giao thông, bảo vệ môi trường. Về lâu dài, chúng ta còn giảm bớt được tình trạng cơ sở vật chất giao thông vận tải xuống cấp do quá tải.
Nhiều ưu điểm là thế nhưng cũng cần đánh đổi. Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị trẻ, nhưng cũng đủ "già" để mỗi lần đổi mới là mỗi lần đánh mất đi một giá trị xưa cũ nào đó. Mình nhớ mấy lần vào Thành phố Hồ Chí Minh, ấn tượng với những không gian xanh có tuổi đời bằng, hoặc đã hơn cả đời người. Đó là chút gì mộc mạc, cổ xưa, làm dịu lòng người giữa thành phố xô bồ, ồn ã. Cuộc sống vận động và thay đổi quá nhanh khiến con người đôi khi mất phương hướng nên ta cứ kiếm tìm những giá trị vĩnh hằng.
Không còn những tàng lá gắn liền với hình ảnh mà bao nhiêu thế hệ vun đúc, sẽ để lại nhiều tiếc nhớ và chạnh lòng. Nhưng vấn đề nằm ở nhận thức của chúng ta về điều mà ta thật sự cần, thật sự coi trọng. Kỷ niệm, ấn tượng, niềm kiêu hãnh, tất cả những cái ấy cũng đáng quý, nhưng có đáng để ta bỏ qua cơ hội cho thành phố ta yêu phát triển hơn, văn minh hơn? Mai đây, liệu thành phố có xấu xí đi vì thêm vào một trạm tàu điện ngầm thay cho những hàng cây cổ xưa, làm sao ta biết trước được? Nhưng nếu còn yêu, còn gắn bó, thì dù có thay đổi bao nhiêu đi chăng nữa, cũng chẳng thay đổi được sự thật rằng đó là nơi chứng kiến ta sinh ra, lớn lên, già đi và đổi lại, chúng ta cũng nhìn thành phố này chuyển mình từng ngày...
Tất nhiên, nên làm sao cho hài hoà hết sức có thể giữa đổi mới và truyền thống. Cây nào giữ được, di dời được thì nên di dời. Ngoài ra, việc vận động tư tưởng cho người dân cũng cần khéo léo hơn. Ở Pháp, mỗi lần xây công trình mới trên nền một công trình cũ, người ta dựng một "triển lãm" mini, giới thiệu ý tưởng, chức năng, ý nghĩa của công trình đang xây, đồng thời treo ảnh mô hình thiết kế, dựng mô hình 3D để người dân hình dung và làm quen dần với cái mới. Mình thấy đây cũng là một cách làm khá hay mà chúng ta nên học tập, vừa thể hiện sự tôn trọng đến người dân - đối tượng sử dụng công trình, vừa "lấp" được phần nào sự gián đoạn, hụt hẫng khi chuyển giao giữa cái mới và cái cũ.
Chúng ta có thể đổi tên một thành phố, cũng như khai sinh ra nó một lần nữa. Thế nhưng, có phải đến bây giờ người ta vẫn trìu mến gọi cả 2 cái tên: Sài Gòn và Thành phố Hồ Chí Minh, bằng cùng một tình yêu không phân biệt? Những cái cũ sẽ không bao giờ mất đi, nếu ta còn trân trọng. Chúng sẽ là nền móng để ta yêu những gì mới mẻ nhưng không xa lạ. Chúng sẽ còn mãi trong ký ức, trong tình yêu và nỗi nhớ của mỗi người, để khi nhớ về lòng ta lại vang lên khúc hát thuỷ chung: "Sài Gòn cà phê sữa đá, vẫn cứ như thế, khi nắng khi mưa...".
Hải Triều