Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số ban Đảng Trung ương, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

 

bna_img_00375619044_31122021.jpgToàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ THỰC TIỄN ĐẶT RA

Các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ được xây dựng trong dự thảo Nghị quyết hướng tới giải quyết những vấn đề thực tiễn của tỉnh đang đặt ra hiện nay là bảo vệ môi trường, lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính; kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, ứng phó hiệu quả khi sự cố môi trường xảy ra. Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Theo cơ quan soạn thảo, việc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường trọng tâm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030 phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt trình bày dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc, các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trao đổi nhiều ý kiến liên quan đến các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng, giải pháp cụ thể của dự thảo Nghị quyết.

Đồng chí Lê Bá Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, cơ quan chủ trì nên chọn nội dung trọng tâm để tập trung tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chỉ đạo, UBND tỉnh thực hiện nhằm đảm bảo môi trường tỉnh Nghệ An phát triển bền vững. 

Đối với các nhóm chỉ tiêu, Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc Phạm Hồng Quang đề nghị xem xét đến năm 2025, 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo đạt chỉ tiêu hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; không nên chỉ dừng ở mức 77% như trong dự thảo. 

Đồng chí Phạm Hồng Quang - Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Việc xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn cũng là vấn đề được nhiều ý kiến đặt ra. Đồng chí Phạm Tuấn Vinh - Bí thư Thị ủy Thái Hòa cho rằng, cần có lộ trình quy hoạch các nhà máy xử lý rác thải phù hợp. 

Cũng liên quan đến nội dung này, từ khảo sát thực tiễn ở trong và ngoài tỉnh, Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ Bùi Thanh Bảo nêu ý kiến cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư nhà máy xử lý rác thải.

Đồng chí Phạm Tuấn Vinh - Bí thư Thị ủy Thái Hòa phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Ý kiến thảo luận cũng đề nghị tỉnh cần có chính sách phát triển sản phẩm tái chế để phục vụ tốt chủ trương phát triển nền kinh tế tuần hoàn; khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng sạch. 

Liên quan đến nội dung này, đồng chí Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đề nghị cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác thải sinh hoạt, phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. 

Đồng quan điểm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An Võ Văn Dũng nhận định, giải pháp về công tác bảo vệ môi trường đang nghiêng về xử lý, chưa chú trọng tái tạo. Trên quan điểm rác thải được xem là một loại tài nguyên, đồng chí đề nghị quan tâm thêm về vấn đề này để có cách tiếp cận phù hợp.

Đồng chí Phạm Thị Hồng Toan - Bí thư Thị ủy Cửa Lò phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, đồng chí Phạm Thị Hồng Toan - Bí thư Thị ủy Cửa Lò cho rằng, nên xây dựng cơ chế phạt - thưởng để vừa khuyến khích, vừa có tính răn đe.

Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi nhận định, mức xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường hiện nay không chỉ thấp, mà phần nào còn lúng túng với việc “ai xử phạt, xử phạt ai”. Do đó, sau khi ban hành Nghị quyết gắn với thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 phải tính lại cơ chế vận hành, đặc biệt là đối với đội quy tắc đô thị ở thành phố Vinh nhằm xây dựng kỷ cương, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong người dân.

Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh 3 yếu tố ảnh hưởng đến môi trường là: Khai thác khoảng sản, tài nguyên; hoạt động xả thải và tác động của các hiện tượng tự nhiên. 

Trên cơ sở đó, đồng chí nhấn mạnh việc xác định mục tiêu cần hướng đến ngăn chặn, xử lý, phòng ngừa hướng tới 4 nhóm giải pháp gồm: Hạn chế, kiểm soát các hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên; hạn chế và xử lý tốt các hành vi xả thải ra tự nhiên và môi trường; nâng cao năng lực, hiệu quả khắc phục các sự cố ô nhiễm môi trường gắn với phục hồi; đồng thời hướng đến các giải pháp để phòng tránh, hạn chế các hiện tượng tiêu cực của tự nhiên. 

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Trên cơ sở phân tích đó, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã phân tích, trao đổi một số nội dung về điều chỉnh bố cục; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết cần hướng đến.

Phát biểu về nội dung này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cũng đã trao đổi một số vấn đề liên quan đến quan điểm xây dựng chỉ tiêu, lộ trình thực hiện trong dự thảo Nghị quyết, đặc biệt là gắn với nguồn lực thực hiện, qua đó đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Đối với vấn đề tổ chức thực hiện sau khi Nghị quyết được ban hành, người đứng đầu chính quyền tỉnh Nghệ An khẳng định: UBND tỉnh sẽ có kế hoạch cụ thể để triển khai, trong đó đưa ra các giải pháp, biện pháp cụ thể.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

ĐỀ CAO TRÁCH NHIỆM CỦA TOÀN DÂN TRONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ban hành và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết, trong đó cần đặc biệt quan tâm, lựa chọn công việc để thực hiện, nhất là vấn đề xử lý rác thải và cung cấp nước sinh hoạt đảm bảo tiêu chuẩn, vì đây là 2 nội dung liên quan trực tiếp, sát sườn đến toàn bộ đời sống, sức khỏe của người dân. 

Về vấn đề này, đối với việc xây dựng các nhà máy xử lý rác thải, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu gắn với xây dựng quy hoạch tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cần chỉ đạo để nghiên cứu xây dựng các nhà máy theo cụm các địa phương; sau đó mới tính toán ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong lĩnh vực này. 

Người đứng đầu Tỉnh ủy cũng yêu cầu xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hợp lý đảm bảo về mặt nguồn lực và tiến độ, lộ trình thực hiện đặt ra trong Nghị quyết nhằm khuyến khích công tác bảo vệ môi trường.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu kết luận nội dung dự thảo Nghị quyết về bảo vệ môi trường. Ảnh: Thành Duy

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đồng thời tạo dư luận, đồng thuận xã hội để lên án các hành vi sai trái, không đúng chuẩn mực trong bảo vệ môi trường; mặt khác, cần đề cao trách nhiệm toàn dân về công tác bảo vệ môi trường.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đồng thời nhấn mạnh vấn đề hết sức quan trọng là tập trung nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là xử lý các điểm đen, điểm nóng về môi trường. 

Tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cũng đã trao đổi cụ thể một số nội dung về bố cục, chỉ tiêu, nhiệm vụ… của dự thảo Nghị quyết.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Với tính chất quan trọng của Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022- 2030, đồng chí Thái Thanh Quý yêu cầu hàng năm Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phải báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.