(Baonghean) - Bản Cao Vều (xã Phúc Sơn - huyện Anh Sơn- Nghệ An) hiện có gần 300 hộ dân, chủ yếu là bà con người dân tộc Thái. Bản nằm cách xa trung tâm huyện Anh Sơn gần 20 km, là bản đồng bào dân tộc duy nhất của huyện Anh Sơn nằm ở khu vực biên giới giáp nước bạn Lào. Hiện nay bản Cao vều đã được tách thành 4 thôn theo khu vực dân cư và địa lý.
Theo chân đồng chí bí thư Đoàn xã Phúc Sơn và cán bộ đội sản xuất thuộc Lâm trường cao su 12/9 Anh Sơn, chúng tôi vào thăm bản Cao Vều một ngày cuối năm. Cảnh sắc trải ra trước mắt là những đồi cao su đang ươm mầm xanh tốt, mọc lên vững vàng trên đất đồi vùng biên này. Qua hơn một năm triển khai dự án trồng cao su của công ty CP đầu tư và phát triển Cao su Nghệ An thì đến thời điểm này, cây cao su đã trồng tại các chân đồi khu vực bản Cao vều đang hứa hẹn khả năng sinh trưởng và phát triển tốt.
Cây cao su đang phát triển tốt trên đồi đất Cao Vều- Phúc Sơn
Nhiều hộ dân sửa sang nhà cửa, cổng vườn chào năm mới
Công trình nhà Văn hóa thôn Cao Vều 1 vừa được khánh thành
Vượt cầu treo Sông Giăng vào khu vực dân cư của 4 thôn Cao Vều. Các ngôi nhà sàn mới của bà con thi nhau mọc liền kề, các quán hàng bách hóa và buôn bán quần áo cũng nhiều lên. Nhiều hộ tập trung nguyên liệu tre nứa, gỗ để sửa soạn, chỉnh trang nhà của, đường làng sao cho ngăn nắp, bề thế để chào đón năm mới.
Cụ ông Lương Văn Phòng - thôn Cao Vều 1, bộc bạch: “Năm hết tết về tiền nong thì thiếu thật nhưng ống giang, lá dong gói bánh tết thì khi mô cũng sẵn sàng. Năm ni thấy vui vì bà con cả thôn đã có nhà văn hóa khang trang, đường giao thông đi lại cũng đỡ vất vả nên đi chơi tết chắc được nhiều hơn”. Ông Nguyễn Văn Châu - Thôn trưởng thôn Cao Vều 1, phấn khởi nói: “Cả thôn chúng tôi hiện có 81 hộ, 305 khẩu, từ trước tới nay các hoạt động họp thôn bản hay các hoạt động đoàn thể khác đều phải mượn nhà dân, nhà bí thư và cán bộ thôn. Năm nay, ban chỉ đạo thôn đã trực tiếp vận động bà con trong thôn quyên góp 750 nghìn đồng/lao động, phần còn lại được sự quan tâm ủng hộ của xã Phúc Sơn và một phần tranh thủ từ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, nhà văn hóa thôn Cao Vều 1 đã hoàn thành với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng, trong đó 2/3 kinh phí là sự đóng góp từ dân. Đây là một công trình xây dựng mới có ỹ nghĩa quan trọng, thể hiện cho sự đổi thay mới trong cuộc sống kinh tế, văn hóa tinh thần của người dân thôn bản”.
Bên cạnh đó, ngay từ giữa năm nay, ban chỉ đạo thôn đã huy động trên 300 ngày công, trên 6 triệu đồng từ dân và đóng góp của thôn để hoàn thành san ủi, đào đắp trên 500m đường giao thông nông thôn nối bản với Trạm gác đồn biên phòng 557. Ông Châu cho biết thêm: “Để tạo điều kiện cho bà con đón tết vui vẻ, ban chỉ đạo các thôn trong bản Cao Vều đang lập danh sách các gia đình khó khăn trình gửi Đảng ủy và UBND xã Phúc Sơn để có chế độ hỗ trợ bà con ăn tết. Riêng ban chỉ đạo thôn sẽ có quà động viên, thăm hỏi từng gia đình chính sách, người già cả trước tết Nguyên đán. Năm nay, sân vận động đã được nâng cấp, thuận tiện cho các hoạt động thể thao, hái hoa dân chủ, giao lưu văn nghệ, ném bóng và trò chơitruyền thống trèo cây chuối cho bà con thôn bản trong dịp tết về”.
Với tư cách là đơn vị quản lý, kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện qua lại tại lối mở cửa khẩu Cao Vều, tiến tới thành lập của khẩu Cao Vều nối Việt Nam với nước bạn Lào, ông Chu Văn Thi - Trạm trưởng Trạm kiểm soát Cao Vều, cho biết: “Dịp giáp tết, số lượng người qua lại đông nên hiện đơn vị chúng tôi tăng cường kiểm soát liên tục, nhất là thời điểm này, 2 bản Mương Chăm, Phun Mường (huyện Say Chăm Pon, nước bạn Lào) đang tổ chức ăn Tết Mông nên họ sang Việt Nam mua hàng hóa nhiều. Chúng tôi trực 24/24 giờ để có thể đảm bảo an toàn, tạo điều kiện cho nhân dân giao thương hàng hóa và đón tết yên vui.