(Baonghean.vn) - Năm 2011 là một năm đầy khó khăn đối với các huyện miền Tây Nghệ An. Hàng trăm ngôi nhà, nhiều công trình giao thông, trường học, hàng chục ha đất nông nghiệp... đã bị cuốn trôi trong 3 đợt lũ lớn, thiệt hại kinh tế hàng trăm tỷ đồng. Cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn lại càng thêm khốn khó. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, các đoàn thể, doanh nghiệp và sự nỗ lực không mệt mỏi của người dân, sức sống mới nơi đây đang dần trỗi dậy...


Lũ chồng lũ


Kỳ Sơn, chỉ trong vòng 3 tháng (từ tháng 6 đến tháng 8), 3 trận lũ quét liên tiếp như "chờ chực" muốn "nuốt chửng" nhiều xã trên địa bàn huyện. Thị trấn Mường Xén, xã Bắc Lý, Mỹ Lý, Na Ngoi... sau lũ đổ nát, hoang tàn. Tuyến đường vào các xã Bắc Lý, Mỹ Lý bị chia cắt, đời sống người dân gặp muôn vàn khó khăn. Người dân cứ hễ thấy mưa là sợ, nhất là vào ban đêm, sợ lũ lên nhanh bất ngờ sẽ không kịp trở tay. Nhiều chiếc cầu treo đã bị cuốn trôi theo dòng nước. Dọc 2 bên đường hay trên các sườn núi, nhiều ngôi nhà mới được dựng tạm bợ sau đợt mưa lũ. Trên khuôn mặt nhiều người, nỗi kinh hoàng từ những trận lũ quét bất ngờ vẫn còn hiện hữu, tưởng chừng như mới xảy ra ngày hôm qua.

771676_small_69809.jpg

Những chiếc cầu tạm được người dân bắc qua sông sau khi lũ rút.


Hiếm có năm nào mà đồng bào các dân tộc ở miền Tây Nghệ An lại phải chống chọi với nhiều trận lũ quét như năm nay. Ở huyện Tương Dương, 3 đợt mưa lũ trong năm đã gây thiệt hại hơn 200 tỷ đồng. Riêng trận lũ quét vào cuối tháng 6 đã làm hơn 50 ngôi nhà bị trôi và sập, hơn 500 ngôi nhà ở vùng bị sạt lở, cần phải di dời và hơn 300 ngôi nhà bị ngập; hơn 10 trường học bị sập và hàng trăm km đường, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị sạt lở, đất đá vùi lấp.


Yên Tĩnh là một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề nhất của huyện Tương Dương. Trận lũ quét vào cuối tháng 6 đã làm trôi 11 ngôi nhà, gần 100 ngôi nhà bị ngập sâu, các công trình giao thông, nước sạch, công sở bị hư hỏng, riêng trường học tại bản Hạt bị sập hoàn toàn. Ước tính thiệt hại của toàn xã lên đến hơn 40 tỷ đồng. Ông Vi Vũ Quang, Chủ tịch UBND xã tâm sự: "Đây là trận lũ quét kinh hoàng mà trong vòng mấy chục năm qua mới xuất hiện. Cũng may không thiệt hại về người nhưng mất mát về tài sản quá lớn khiến cho đời sống của người dân trở nên cơ cực".



Niềm vui được mùa lúa của bà con dân bản.


Gạt qua một bên những mất mát, khó khăn, người dân nơi đây đang hăng hái tham gia sản xuất để ổn định cuộc sống, chuẩn bị đón Tết đang đến gần. Tại xã Yên Na (Tương Dương), ngay sau khi lũ đi qua, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ổn định đời sống dân sinh. Ngoài việc tiến hành công tác cứu đói kịp thời cho các hộ dân vùng lũ, xã đã phát huy nội lực, huy động các đoàn thể (thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh) tổ chức khắc phục, sửa chữa, vệ sinh môi trường ở các trạm xá, trường học, nhà ở bị lũ làm hư hỏng để học sinh được đến trường và đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Phong trào ra quân làm thủy lợi nội đồng, khắc phục hệ thống điện, giao thông được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục km đường liên thôn, liên xã, hệ thống kênh mương đã được tu sửa phục vụ đời sống sản xuất.

Sau mưa lũ, Tương Dương và Kỳ Sơn thành lập nhiều đoàn công tác, tiến hành cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào. Các hộ có nhà bị sập, trôi được hỗ trợ tiền để dựng nhà mới. Anh Vi Văn Men ở bản Pa Tý cho biết: "Mưa lũ đã cuốn hết tài sản, lương thực, nhà cũng bị sập đổ. Nhưng nay được sự quan tâm của cấp trên, gia đình tôi đã làm lại được ngôi nhà mới trị giá gần 50 triệu đồng. Giờ thì yên tâm đón Tết rồi". Kỳ Sơn đã cấp phát cho người dân vùng lũ gần 200 thùng mì tôm, 2 thùng thuốc tây và hàng ngàn tấn lúa, ngô giống phục vụ người dân sản xuất. Được sự giúp đỡ của các bộ, ngành T.Ư và địa phương, Tương Dương và Kỳ Sơn đã dựng lại được gần 600 nhà dân bị mưa lũ làm hư hỏng, sửa chữa hàng chục km đường giao thông, trường học, dọn dẹp khuôn viên, nơi làm việc của tất cả các công sở, trạm y tế trên địa bàn.


Ông Nguyễn Hồ Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: "Trong những ngày mưa lũ, cán bộ lãnh đạo huyện đã vào tận các vùng bị thiệt hại để giúp đỡ và chỉ đạo người dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Với phương châm bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng và không để cho người dân bị đói, khát, chúng tôi đã kịp thời cấp phát gạo, thuốc men, nước uống để người dân ổn định đời sống. Sau khi lũ rút, huyện đã ưu tiên và đẩy nhanh công tác khắc phục sản xuất sau lũ, khẩn trương cấp phát giống ngô, cá cho người dân sản xuất. Đồng thời phát động người dân ra quân làm thủy lợi, tiến hành nạo vét kênh mương bị sạt lở, bồi lấp. Những diện tích ruộng nước có thể khôi phục được thì tiến hành khôi phục để người dân có đất sản xuất".


Sức sống mới


Lũ đã qua đi, cuộc sống của người dân nơi đây đang bắt đầu vươn lên bằng màu xanh của những cánh đồng ngô, những luống rau tươi non trong vườn. Sông Nậm Mộ hung dữ nay đã hiền hòa. Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh khẳng định, người dân vùng lũ hiện không còn phải lo thiếu ăn trong dịp Tết này cũng như khi giáp hạt, một phần do có cứu trợ lương thực kịp thời của cấp trên, một phần do bà con được hỗ trợ về giống và đạt được năng suất cao sau khi thu hoạch. Bên số lúa vừa mới gặt về, ông Lô Trọng Đại, Bí thư bản Pa Tý, xã Yên Tĩnh (Tương Dương) vui vẻ cho biết: "Được hỗ trợ toàn bộ giống, phân bón nên ngay sau khi lũ rút dân bản đã nhanh chóng gieo trỉa vụ mùa. Sau lũ, phù sa được bồi đắp thêm nên cây cối cũng nhanh tươi tốt. Vụ lúa mùa năm nay, hầu như nhà ai trong bản cũng được mùa. Tết năm nay, dân không sợ đói nữa rồi".



Thầy cô Trường tiểu học Yên Tĩnh (Tương Dương) phải lần tìm sách vở bị vùi trong đống bùn nhão.


Sự đổi thay có thể thấy rõ nét nhất là ở Thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn). Nếu như cách đây chừng 6 tháng, thị trấn nhỏ vùng cao này không khác gì một "chiến trường" đổ nát, thì đến hôm nay, nhịp sống sôi động đã trở lại. Dẫu trên các mái nhà vẫn còn in dấu những vệt lũ đi qua, chiếc cầu treo bị nước lũ cuốn trôi đã được thay thế bằng chiếc cầu phao... nhưng trên gương mặt bà con đã bớt lo âu. Nói như ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch UBND Thị trấn Mường Xén, thì "Trong những mất mát từ thiên tai thì cái được lớn nhất chính là tinh thần vượt lên khó khăn, sự đùm bọc, tương thân, tương ái của người dân nơi đây. Có thể nói, trận lũ vừa qua phần nào đã làm chậm tiến trình phát triển của Thị trấn Mường Xén nói riêng và huyện Kỳ Sơn nói chung. Tuy nhiên, người dân nơi đây không chùn bước".


Khi chúng tôi vào lại các trường học, điểm trường ở Kỳ Sơn vốn bị lũ nhấn chìm, cuốn trôi... mới thấy hết được nghị lực vươn lên của thầy và trò nơi đây. Toàn huyện Kỳ Sơn có 12 trường bị trôi và hư hỏng, trong đó có 6 trường bị sập hoàn toàn. "Nhờ có sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm nên đến nay, các em đã có sách vở đầy đủ để học tập. Tuy các thầy cô và các em học sinh đang phải học trong các dãy nhà tạm nhưng chúng tôi luôn cố gắng vượt khó để dạy và học tốt", thầy Đàm Quang Huy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mường Típ 2 cho biết. Nhìn các em học sinh tung tăng vui chơi giữa sân trong giờ ra chơi, chúng tôi khâm phục tinh thần vượt khó của các em. Dù một số em nhà cửa đã bị cuốn trôi, nay đang phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ, nhưng các em vẫn kiên trì bám trường, bám lớp.


Còn đó những khó khăn...


Tuy nhiên, "di chứng" nặng nề của những trận lũ quét vẫn còn gây ra rất nhiều khó khăn cho nhiều xã của 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn. Do một số cầu treo bị lũ cuốn trôi, nên hiện tại người dân đang phải đi qua sông bằng cầu khỉ tạm bợ. Mỗi khi mưa lớn, nước sông dâng cao, cuộc sống của nhiều hộ dân bên kia sông bị chia cắt. Ông Lô Hoài Thơm, Chủ tịch UBND xã Yên Na lo lắng: "Hiện tại, 30 hộ dân ở khu tái định cư Khe Chóng, Khe Ò chưa có nhà ở do nhà cửa bị vùi lấp trong trận lũ quét vào cuối tháng 6. Nhiều hộ dân hiện phải dựng tạm lều ven đường để ở, một số hộ thì bất chấp nguy hiểm đã quay về ở trong nhà cũ. Đất nông nghiệp của xã hiện cũng giảm đi rất nhiều do bị sạt lở, bồi lấp. Cuộc sống của người dân còn rất nhiều khó khăn".


Ông Bùi Trầm, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn lo âu: "Kỳ Sơn đã nghèo nay lại càng nghèo thêm vì mưa lũ. Để Kỳ Sơn sớm vượt qua được những tổn thất sau lũ, cần sự hỗ trợ rất lớn từ các cấp, các ngành và các tổ chức trong và ngoài nước. Mặc dù, so với 5 năm về trước, bộ mặt của Kỳ Sơn đã thay đổi đến đáng mừng. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường của thời tiết như hiện nay, những thành quả đạt được ấy trở nên mong manh".


Phạm Bằng