(Baonghean) - Bão số 8 (Sơn Tinh) với đường “cua” phức tạp, dự kiến đổ bộ vào Thanh Hóa, Ninh Bình nhưng cuối cùng lại đổ bộ vào bờ biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Bão không vào đất liền nhưng vẫn có 9 người chết, 40 người bị thương, 8 người mất tích. Trong đó Hải Phòng 7 người chết, Thái Bình 2 người chết, Quảng Ninh 2 người mất tích.

Cập nhật thông tin thấy rằng: Đêm 28/10, bão đổ bộ vào bờ biển các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh. Nhưng ở Hải Phòng, vào lúc 19h tối ngày 28/10, tức là lúc bão vào mạnh nhất, ở Cát Bà vẫn còn 16 người dân đang cố thủ trên bè nuôi trồng thủy sản, lực lượng chức năng đã  cứu được 9 người vào trong đêm. Còn ở Cát Hải, vào lúc 21h30 đêm 28/10, vẫn còn 11 người trụ lại trên các lồng bè và các lồng bè này đang trôi ra vịnh. Cũng do người dân chủ quan và do sự thiếu kiên quyết của lãnh đạo địa phương, các cơ quan chức năng, nên ở Hải Phòng đã có 7 người chết, 5 người mất tích, chủ yếu đều là người dân nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè.

Còn ở Quảng Ninh, do nhận được tin chậm của Trung tâm Dự báo thời tiết khí tượng thủy văn Trung ương (vào lúc 1h ngày 28/10), nên sáng ngày 28/10: UBND tỉnh Quảng Ninh mới có Công điện khẩn về phòng chống bão số 8, trong đó nêu rõ một giải pháp: “Không để người ở lại trên đầm, chòi canh”. Sáng ngày 28/10: Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh cũng đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 8, đã thông báo là: “người dân nuôi trồng thủy sản trên lồng bè đã vào bờ, đã chằng chống an toàn cho các lồng, bè và thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền”. Thế nhưng, lúc tâm bão vào Quảng Ninh vẫn còn 5 người trên bè nuôi trồng thủy sản bị vỡ và 3 người bị trôi dạt của Công ty Ngọc Trai, 2 người đã mất tích trên tàu của ông Lê Văn Lê, (BKS QN: 6807), do tàu này bị chìm, 20 người đang cố thủ trên lồng bè. Sau được cứu hộ đưa vào bờ...

Như vậy có thể thấy: các địa phương trên một phần do nhận được thông tin muộn, một phần thiếu kiên quyết, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ tính mạng của người dân, nên hậu quả là “nói chưa đi đôi với làm”, vẫn để cho nhiều người ở lại trên tàu, trên lồng bè, chòi canh ngoài biển, rút cục có ít nhất 8 người đã thiệt mạng ở biển... Ấy là chưa kể những thiệt hại như ở Thái Bình có 406 cột điện bị đổ, đặc biệt đổ tháp truyền hình của Nam Định cao 180 m mới đưa vào sử dụng...

Như vậy, sau bão Sơn Tinh, cần xem lại bệnh chủ quan trong dự báo, tuyên truyền, vận động và trách nhiệm trong việc bảo vệ tính mạng người dân của lãnh đạo và các cấp ngành các địa phương. Đây chắc chắn không chỉ là bài học kinh nghiệm cho Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình.


Châu Lan