(Baonghean) - Cứ mỗi lần được mời đi ăn tiệc là tôi lại lo ngay ngáy, không đi thì bất lịch sự, thậm chí là mất tình cảm anh em, bạn bè nhưng đi thì... thú thực là văn hoá bàn tiệc của dân mình khiến tôi nghĩ đến mà sợ!
Đám cưới, đám ma ở Việt Nam ta khá cầu kỳ về lễ nghi, một sự kiện nhưng việc chuẩn bị, khách khứa có thể diễn ra trong nhiều ngày. Nhất là với những gia đình có mối quen biết, quan hệ rộng rãi, việc tổ chức nhiều buổi thết đãi dành cho những khách mời ở mức độ thân thiết khác nhau là chuyện dễ hiểu và âu cũng là hợp lý, tránh tình trạng vô tổ chức ở những đám cưới, đám ma đông người tới dự. Gia chủ đã có ý tốt như thế, nhưng nhiều người lại không hiểu (hay không chịu hiểu?), thản nhiên tự mời mình đến góp mặt ở những bữa tiệc gặp mặt mà đáng ra chỉ dành cho họ hàng thân quyến, bạn bè gần gũi của gia chủ, khiến mọi người dù không thoải mái nhưng cũng vì phép lịch sự mà phải ngậm cố lấy làm mặt vui.
Những người khách không mời mà tới ấy, nhiều khi chỉ vì muốn thể hiện mối quan hệ thân thiết (một cách tự huyễn hoặc) với gia chủ (thường là những người có địa vị), hoặc chạy đua với số đông vì sợ tình trạng "trâu chậm uống nước dơ", muốn nhanh chân giành lấy cảm tình từ gia chủ, hoặc thậm chí chỉ góp mặt lấy câu chuyện làm quà, tranh thủ ăn uống, nhậu nhẹt, hát hò, chúc tụng. Nực cười ở chỗ, dù thuộc thành phần phát sinh, nhưng những vị khách này lại rất nhiệt tình và tận tâm với gia chủ về mặt giờ giấc: đi sớm, về muộn, góp mặt với cuộc vui/buồn từ đầu đến cuối, không bỏ sót một món ăn, thức uống, lễ nghi, hoạt động nào. Giá như với công việc, nhiệm vụ ở cơ quan của mình, họ cũng mẫn cán, gương mẫu như thế! Rồi, chỉ vì la cà ăn uống, vui chơi mà nhiều người sẵn sàng nghỉ việc một buổi, một ngày, thậm chí là vài ngày. Biết bao nhiêu là thời gian lãng phí, mà trong những cuộc vui ấy, họ lại chẳng được hoan nghênh?
Ngoài những người khách nhiệt tình kể trên, nhân vật đáng chê trách ở bàn tiệc còn phải kể đến những "anh hùng bất tử bia, bất tử rượu". Nhận diện những đấng hào kiệt này chẳng có gì là khó, cứ thấy người nào mặt đỏ gay, hay tím tái, hơi thở nồng nặc mùi men, không ngừng nâng ly chúc người này, ép người kia uống thì đích thị là… người ta đang nói đến. Những người này kể ra cũng thật lạ, bỏ thời gian, công việc đến nhưng nào phải để chia vui, chia buồn gì với gia chủ.
Mục đích của họ là uống quên ngày quên giờ, quên tôn ti trật tự, trên dưới trước sau, thậm chí quên luôn cả mình là ai, quên nhân cách và mất kiểm soát hành vi. Nhiều khi họ đã phá hỏng cả bầu không khí thân mật, lịch sự của buổi lễ.
Trên bàn tiệc, những câu như: "Chú có nể anh thì chú phải uống", "Anh phải uống thì mới xứng đáng là đàn ông" lúc nào cũng thường trực. Nhưng cứ gàn ép người khác làm việc mà người ta không muốn, liệu có được xem là nể nhau không? Nếu đã không tôn trọng người ta, thì sao bắt người ta phải nể mình, tôn trọng mình?
Chén rượu, cốc bia là chuyện nhỏ nhặt, phù phiếm, thiết nghĩ chẳng thể lấy chúng ra làm minh chứng cho sự trân trọng giữa người với người, lại càng không thể làm thước đo cho bản lĩnh, khả năng, thứ bậc trong xã hội. Hay phải chăng với những người này, địa vị, danh lợi họ đang có cũng nhờ vào chén rượu trên bàn tiệc mà ra, nên họ mới "suy bụng ta ra bụng người"? Họ ham vui mà quên đi nhân cách của mình hay cố tình quên nhân cách để đổi lấy chút phú quý, hư vinh, mua quan bán chức trên bàn tiệc, mặc cho người đời nhìn họ một cách rẻ rúng, coi khinh? Nhưng có phải lúc nào họ cũng được như ý đâu, "rượu vào, lời ra", lắm khi vì ma men làm mất đi lí trí mà dẫn đến hiểu lầm, xô xát không đáng có, làm sứt mẻ tình anh em, bạn bè, khiến mọi người mất vui. Nguy hiểm hơn là sau những buổi ăn uống tiệc tùng, có những người chân nam đá chân xiêu mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông gây ra tai nạn, hoặc về nhà gây gổ với vợ con. Bao nhiêu cái xấu, cái hoạ lớn chỉ từ chén rượu nhỏ mà ra, nên chăng nhiều trường hợp bi hài đám cưới đi trước, đám ma theo sau!
Người Việt mình ham vui cũng không hẳn là điều gì xấu. Ham vui ở đây là xu hướng cởi mở, hoà nhập với đám đông, thích chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với mọi người, quan tâm tôn trọng những mối quan hệ xã hội. Soi từ thực tế văn hóa bàn tiệc, thiết nghĩ ham vui phải lấy cái vui ấy là vui mình và vui người, chứ không phải là hành vi vị kỉ, buông thả, vô trách nhiệm, chỉ biết mua lấy cho bản thân vài ba niềm vui rẻ rúng, mặc kệ người khác làm gì, nghĩ gì. Đặc biệt là khi niềm vui đó được đánh đổi bởi trách nhiệm nghĩa vụ của người công nhân viên chức, danh dự và nhân phẩm của người công dân, sự an toàn của bản thân và mọi người và nhất là niềm vui, nỗi buồn của những người xung quanh, thì liệu có đáng hay không? "Ngày vui ngắn chẳng tày gang", lúc vui chơi thì rất dễ nhưng để khi tàn cuộc không đem lại nước mắt và nỗi buồn thì rất khó. Xin hãy soi gương mà tự vấn, sau mỗi cuộc vui ta đánh mất những gì và còn lại những gì?
Văn hoá bàn tiệc
Hải Triều