(Baonghean) - Trong xã hội Nho giáo xưa, người thầy có uy quyền và vị trí đặc biệt quan trọng, chỉ ở dưới vua, thậm chí được đặt lên trên cả cha mẹ. Đấy là luân lý Quân - Sư - Phụ mà người Nho sinh xưa phải thấm nhuần và tuân theo. Người thầy được coi trọng đến mức phận làm trò không chỉ phải đền ơn đáp nghĩa với thầy, mà còn phải sống tận nghĩa với gia đình thầy. Các nho sinh thường góp tiền mua ruộng, chia nhau cày cấy và thu hoạch để nuôi thầy. Con của thầy dù có ít tuổi hơn vẫn được xếp vào hàng thế huynh, được các môn sinh kính trọng. Khi thầy qua đời, học trò lại cùng nhau phụng dưỡng vợ thầy. Sự ơn nghĩa của người học trò với người thầy xưa thật vô cùng to lớn.

Sở dĩ người thầy xưa được coi trọng như vậy, một phần bởi bối cảnh của xã hội. Thời xưa Nho giáo được lấy làm thước đo cho sự thành đạt và địa vị, chỉ những người học rộng hiểu nhiều, đỗ đạt cao mới được làm quan, đảm đương những trọng trách trong bộ máy nhà nước. Vậy nên hệ thống thi cử, khoa bảng của xã hội phong kiến phát triển rất sớm và có quy củ, nhưng các trường lớp công lại hiếm và không phổ cập như thời đại bây giờ. Có khi cả huyện lị, thậm chí cả vùng chỉ có độc một ông đồ hay chữ, các cha mẹ phải gồng gánh gạo và đồ lễ đến xin nhập môn cho con em mình từ thủa vỡ lòng, thầy có quyền nhận hay không nhận học trò, và đã nhận rồi thì trò sẽ theo thầy cho đến khi đi thi, đỗ đạt (tú tài, cử nhân, tiến sĩ).

Vậy nên các nho sinh xưa suốt cả con đường học vấn của mình thường chỉ gắn bó với một người thầy, cùng lắm là hai, ba người, ơn nghĩa của người học trò khi đã, đỗ đạt thành danh đối với thầy vì thế mà vô cùng sâu sắc. Ngoài ra, quan hệ thầy - trò xưa không đơn thuần là sự tri ân, mà còn là cả sự nể vì, kính phục vì người thầy không chỉ dạy chữ, mà còn phải là tấm gương đạo đức với lối sống chuẩn mực, liêm khiết để học trò noi theo.

Sau này khi xã hội phong kiến suy tàn, người thầy vẫn có một chỗ đứng nhất định trong xã hội và được đặt cùng vai vế với bậc phụ mẫu. Ơn nghĩa đối với người thầy vẫn là một trong những đạo lý được coi trọng, thể hiện trong những thành ngữ, tục ngữ như “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Người thầy, cùng với cha mẹ, được đặt vào hàng những người mà ta phải phụng dưỡng, đáp đền khi còn sống và cả khi đã qua đời ("Sống Tết, chết giỗ").

Những tư tưởng, đạo lý này đến nay hầu như chỉ còn thấy ở các thế hệ ông bà, cùng lắm là bố mẹ ta, những người dù trải qua bao nhiêu năm vẫn luôn nhớ về người thầy, người cô đầu tiên của mình với lòng thành kính, biết ơn. Nhiều người học trò đạt đến tột đỉnh vinh quang, được cả xã hội coi trọng nhưng về đến trước cửa nhà thầy cũ vẫn cúi đầu lễ phép, như thể thời gian chưa hề trôi qua và mối quan hệ thầy trò không vì sự đỗ đạt, thành danh của học trò mà đổi ngôi, đổi vị.

Cái thời bậc làm cha, làm mẹ phải dắt con đến lạy thầy, lễ thầy, xin thầy thu nạp, và người thầy nắm vị trí độc quyền trong việc truyền thụ kiến thức cho học sinh đã không còn. Học trò thời nay, rời khỏi cánh cổng nhà trường, cũng mấy ai còn nhớ đến những người thầy, người cô xưa? Phải chăng vì việc học của học sinh không còn khó khăn như trước và việc dạy của người thầy giờ trở thành nghĩa vụ của một người làm công ăn lương? "Qua sông thì phải luỵ đò", nhưng chuyến đò xưa và nay khác nhau nhiều, khác từ con thuyền, từ lượng khách qua đò cho đến con sông khác đi. Nếu như ngày xưa người chèo đò chỉ đưa dăm, bảy học trò qua sông, mà qua ở đây là qua con sông chữ thánh hiền (chữ Hán, chữ Nôm), qua con sông thi Hương, thi Hội, thi Đình, là tới bờ bến, thì ngày nay, học trò phải qua muôn vàn lượt đò: Toán, Lý, Hoá, Văn,... rồi lại đủ các kì thi, kì kiểm tra này nọ.

Chuyến đò nay đông hơn xưa nên người chèo đò dễ gì chăm lo, gắn bó được với những hành khách của mình, và người đi đò cũng gặp không biết bao nhiêu người chèo đò, thành ra mối quan hệ thầy - trò ngày nay bị "loãng" và lạnh nhạt đi nhiều. Đó là chưa kể, ngày nay sách vở tràn lan, các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển, học sinh tha hồ tiếp cận với các kiến thức mà chắc gì thầy cô đã có khả năng hay thời gian để truyền thụ. Sự năng động và tự chủ của học sinh trên con đường học vấn vừa cho phép học trò đa dạng hoá vốn hiểu biết của mình, nhưng cũng vừa khiến khoảng cách giữa thầy - trò trở nên ngày một xa.

Tự vấn bản thân về tình cảm ân nghĩa và thái độ trách nhiệm với người thầy, cô (giáo) của mình, ta mới thấy đạo lý tôn sư trọng đạo ngày nay đã bị mai một đi nhiều, hay ít ra bản chất của nó không còn dựa trên lòng thành kính, biết ơn và tình cảm trìu mến, yêu thương nữa, mà nhiều khi chỉ là một mối quan hệ "có đi có lại cho toại lòng nhau", một phép lịch sự, một cuộc đổi chác với đầy đủ động cơ và mục đích. Chính vì điều đó mà nghề giáo ngày nay làm gì còn được trọng vọng và kính cẩn đặt lên hàng đầu như trong xã hội phong kiến! Người làm nghề gõ đầu trẻ bây giờ phải chật vật với đồng lương ít ỏi, vật lộn với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền mà cuộc sống thì vẫn thường thường bậc trung và sự tôn vinh của xã hội thì ngày càng giảm sút.

Chúng ta vẫn thường lấy sự suy giảm về trách nhiệm và đạo đức của người làm nghề giáo ra để nguỵ biện cho thái độ lạnh nhạt, dửng dưng của mình, nhưng xin hỏi, con số ấy có nhiều không, để đến nỗi "làm rầu" cả "nồi canh" chung của những người làm nghề dạy học? Thậm chí, có bao giờ chúng ta nhìn nhận, đánh giá những người thầy, người cô có “vấn đề” về đạo đức, trách nhiệm ấy bằng cái nhìn độ lượng và nhân văn hơn, để thấy sự thoái hóa, biến chất của họ, suy cho cùng là hệ quả của chế độ đãi ngộ chưa công bằng và thiếu tôn trọng, khiến người làm thầy phải sa vào muôn vàn cám dỗ, thay vì sống chuẩn mực, liêm khiết và chuyên tâm dạy dỗ học sinh.

Nhiều bạn trẻ ngày nay nuôi giấc mơ được đứng trên bục giảng, nhưng trước sự suy thoái của đạo lý thầy - trò, ắt không tránh khỏi băn khoăn và ngần ngại trước tương lai của nghề giáo. Nếu xã hội ngày nay đã xem nghề dạy học là một loại hình kinh doanh thuần túy, thì xin được đứng trên quan điểm đó để tiên đoán tương lai của thị trường này: từ tình trạng khan hiếm của xã hội xưa, đến nay, chúng ta đang tiến đến bão hoà về số lượng giáo viên, dẫn đến lạm phát và mất giá trị của nghề giáo. Nhưng cũng chính sự sụt giá đó sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt trong tương lai không xa, đe doạ đến nền giáo dục nước nhà và sự học của con em chúng ta.

Lập luận trên có mang tính thực dụng và phi nhân văn quá không, khi so sánh bậc làm thầy, làm cô với những món hàng hoá? Mong rằng, trước khi phê bình, chỉ trích người viết, xin hãy xem lại thái độ của bản thân đối với nghề giáo đi đã. Xin hãy tự vấn, học sinh ngày nay không yêu, không kính thầy cô như các thế hệ cha mẹ, ông bà xưa, lỗi do ai? Do bậc làm thầy cô, do ta, hay do toàn xã hội?


Hải Triều (Mail từ Paris)