(Baonghean.vn) LTS: Ngày 14/9 vừa qua, tại Hội nghị tham vấn cho Dự thảo nghị định về cơ chế tài chính đối với bệnh viện công lập, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ quyết tâm phải thay đổi giá viện phí. Sau khi dự thảo tăng viện phí được Bộ Y tế công bố đã tạo ra nhiều luồng dư luận khác nhau. Phóng viên Báo Nghệ An đã tìm hiểu xung quanh vấn đề này.


Ngày 30/9/1995, Thông tư liên tịch số 14 của Bộ Y tế - Tài chính - Lao động TBXH - Ban vật giá Chính phủ được ban hành hướng dẫn thực hiện thu một phần viện phí. Từ đó đến nay, khung giá viện phí được thực hiện theo Thông tư này, mặc dù sau đó, có được bổ sung thêm giá một số danh mục kỹ thuật khác theo Thông tư 03 ngày 26/1/2006 (chứ không thay đổi khung giá cũ đã ban hành). Như vậy, 16 năm nay, giá viện phí không đổi và theo quan điểm của những người công tác trong ngành Y tế thì đó là một sự bất cập lớn.

769684_small_67580.jpg


Sử dụng máy soi nội khí quản vào điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh.                                                                                            
Ảnh: Từ Thành


Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là bệnh viện hạng I, có lượng bệnh nhân đông nhất trên địa bàn tỉnh. Mỗi ngày, trung bình, Khoa Khám bệnh của Bệnh viện tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhân. Với 13 bác sỹ, 29 điều dưỡng, hộ lý (có cả bộ phận vận chuyển bệnh phẩm, thanh quyết toán). Với lượng bệnh nhân đông như vậy, các y, bác sỹ ở đây phải làm quá giờ để có thể đáp ứng nhu cầu người bệnh. Tuy nhiên, với giá khám bệnh được quy định là 3000 đồng/lượt thì theo ông Trần Bá Đình, Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh: "Chúng tôi phải chấp nhận phục vụ người bệnh chứ với giá này thì chỉ đủ cho tiền văn phòng phẩm chứ chưa tính đến tiền chất xám bác sỹ bỏ ra, tiền điện nước, vật tư tiêu hao".

Tại Bệnh viện này, giường bệnh được thanh toán mỗi ngày ở mức từ 8- 18 nghìn đồng tùy theo từng khoa. Theo các bác sỹ thì với giá này cũng chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ chi phí như tiền điện, nước, vệ sinh... và bù lỗ của Nhà nước cho mỗi giường bệnh cũng "không ăn thua" (trong khi một giường bệnh theo yêu cầu lên tới mấy trăm nghìn đồng một ngày). Một loạt các dịch vụ kỹ thuật khác được kêu là quá lỗ như một số thủ thuật, phẫu thuật ngoại khoa, sản khoa...

Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm, bệnh viện thực hiện 1.423 ca mổ đẻ, mỗi ca chỉ được thanh toán 450.000 đồng, trong khi 3 sợi chỉ khâu đã phải mất 180.000 đồng (nếu bệnh nhân muốn khâu chỉ tốt, đảm bảo). Tính thêm các chi phí khác thì ca đẻ mổ chi phí lên tới ít nhất là 500.000 đồng. (Bệnh viện tư nhân trên địa bàn có nơi mổ đẻ với giá 5.000.000 đồng). Ngay trong một thủ thuật đơn thuần như đặt ống thông tiểu được chi trả 6.000 đồng thì đã phải bù lỗ tới hơn 30.000 đồng.

Để thực hiện thủ thuật này phải cần đến 2 đôi găng, 1 xông, 1 bộ dụng cụ hấp vô khuẩn, 20 ml dầu farafil, 1 bơm tiểu 10ml, 1 lọ nước cất với chi phí được tính toán khoảng 42.500 đồng (9 tháng qua, bệnh viện thực hiện 5.700 lượt kỹ thuật này). Hay như để đặt xông dạ dày phải cần 1 đôi găng tiệt trùng, 1 bơm tiêm 50cc đầu to, 1 ống nối, 1 đoạn dây cao su nối, dầu farafil, băng cuộn và một số dụng cụ kèm theo, theo tính toán phải chi phí lên đến 36.700 đồng, nhưng chỉ được chi trả 3.000 đồng.


Bác sỹ Lê Văn Tiệc - Giám đốc Bệnh viện Giao thông - Vận tải Vinh, cho biết, Bệnh viện Giao thông - Vận tải Vinh được tính theo khung viện phí của bệnh viện hạng 3 với giá 2000 đồng một lần khám bệnh cũng " chưa đủ cho tiền giấy bút". Bệnh viện phải bằng rất nhiều cách để tăng nguồn thu, bù đắp cho những chi phí đó. Trong nhiều năm qua, Bệnh viện đã phải "tự cứu" bằng cách đầu tư trang thiết bị từ nguồn xã hội hóa để thực hiện các kỹ thuật cao về chẩn đoán, xét nghiệm. Một năm, Bệnh viện thu khoảng 20 tỷ đồng viện phí, trừ chi phí thuốc men khoảng gần 17 tỷ đồng, Bệnh viện còn khoảng gần 3 tỷ đồng để bổ sung vào lương và các chế độ, mua sắm trang thiết bị. Bệnh viện cũng mở rộng các dịch vụ, nhưng "khó so với tư nhân là có làm dịch vụ thì cũng theo mức giá Nhà nước quy định". Với Nghị định 43 cho phép bệnh viện tự thu tự chi, ông Tiệc cũng cho rằng, Nhà nước mới cho tự quyết chứ chưa tự chủ nên "muốn làm gì cũng vướng".


Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Lộc thì, bệnh viện có tới 120 dịch vụ chịu lỗ, như mổ đẻ, đẻ thường, đẻ khó, đặt, tháo vòng, thay băng, tháo bột, chích rạch nhọt áp xe, cắt amydal... Qua tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng của Bệnh viện đa khoa Nghi Lộc cũng là tình trạng chung của các bệnh viện tuyến huyện, những nơi được xem là chịu ảnh hưởng lớn nhất của giá viện phí bất cập trên. Ở tuyến này, không biết trông cậy vào các khoản bù lỗ khác như ở tuyến tỉnh bằng cách tăng thu các dịch vụ có lãi như chụp C.T, chụp cộng hưởng từ, siêu âm màu... nên nhiều khi các bác sỹ có cảm giác mình "đang làm không công" và vốn đã thua kém, các bệnh viện này ngày càng "đi xuống".


Trong khi các bệnh viện công có chiều hướng "đứng nhìn bệnh viện tư thu mà... mong" thì các bệnh viện tư cũng có những "nỗi niềm riêng". Mặc dù theo quy định, bệnh viện tư được phép tự quy định mức viện phí cho mình nhưng "nâng được giá lên thì đồng nghĩa với việc đẩy bệnh nhân đi nơi khác".

Theo ông Nguyễn Phương Kiên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông, hiện nay bệnh viện Cửa Đông thực hiện mức thu viện phí khám bệnh, giường bệnh đang cao gấp 10 lần so với bệnh viện công lập. Mức này vẫn còn thấp so với nhiều cơ sở, nhiều địa bàn nhưng là mức giá mà người dân ở Nghệ An có thể chấp nhận được. Cũng không thể tăng hơn vì tăng hơn sẽ "mất khách" nên 7 năm nay bệnh viện cũng chưa dám tăng mức giá viện phí. Việc khám bệnh cho bệnh nhân bảo hiểm với 20.000 thẻ được phân trên địa bàn Thành phố Vinh, theo ông Kiên là đang phải "giúp Nhà nước" vì bệnh viện ông phải bỏ tiền sắm cơ sở vật chất, trong khi giá viện phí mà bảo hiểm chi trả đang theo quy định của Nhà nước.

Nhưng đây cũng là một kênh để Bệnh viện quảng bá thương hiệu và cũng từ nguồn này, không ít bệnh nhân bảo hiểm đã chấp nhận làm một số dịch vụ khác ngoài danh mục được chi trả. Một bất cập nữa mà ông Kiên nói đến là việc Nhà nước chi trả chưa hợp lý đối với một số dịch vụ ở cách tính "đánh đồng" như hiện nay cho một chẩn đoán siêu âm, X.quang, xét nghiệm. Bệnh nhân được chẩn đoán bằng siêu âm màu cũng chỉ được thanh toán như đen trắng, chụp máy X.quang 5 tỷ với 7 giây có phim cũng được chi trả như máy 50 triệu. Nhưng ở bệnh viện tư thì viện phí không lên, chất lượng vẫn phải lên vì "bệnh nhân là người trả lương". Và nếu bệnh viện công được đầu tư trang thiết bị từ Nhà nước thì bệnh viện tư là đang "bỏ vốn ăn dần". Đây cũng là thực trạng tại Bệnh viện 115 mà chúng tôi đã đến tìm hiểu.

(Còn nữa)


Thùy Vinh