(Baonghean.vn) 16 năm áp dụng mức thu viện phí theo Thông tư 14, không phải đến bây giờ khung giá viện phí mới được xem là lỗi thời. Bộ Y tế cũng đã không dưới 10 lần có ý định tăng viện phí nhưng vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận nên vẫn đành chấp nhận áp dụng khung giá cũ. Tuy nhiên, Bộ Y tế bày tỏ quyết tâm phải thay đổi giá viện phí. Quyết tâm này cũng nhận được sự ủng hộ của các bộ, ngành và đặc biệt là cán bộ ngành Y tế.
Lý do tăng viện phí thiết yếu nhất được Bộ Y tế đưa ra là khung giá cũ đã quá lạc hậu, thậm chí có lãnh đạo bệnh viện còn cho là "phi lý", "khôi hài". Nhiều bác sỹ đã đưa ra các ví dụ chỉ rõ sự dẫm chân phi lý của giá viện phí: Một miếng vá xăm xe đạp, xe máy đã là 10-15 ngàn đồng, còn một lần khám bệnh chỉ được 3 ngàn đồng. Năm 1995, giá khám bệnh một lần trị giá hơn 1 lít xăng xe thì đến nay xăng xe đã tăng lên hơn 20.000 đồng, trong khi giá viện phí không đổi. Hiện nay, Nhà nước cấp ngân sách cho các bệnh viện công còn rất thấp (một giường bệnh được cấp thêm 40-50 triệu mỗi năm), chưa đủ chi trả tiền lương theo ngạch bậc, đóng phụ cấp, bảo hiểm.
Mổ đẻ - một trong những phẫu thuật chịu... lỗ ở các bệnh viện công
Hầu hết chi phí để vận hành bệnh viện và thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh đều phải lấy từ nguồn viện phí và BHXH. Viện phí bất cập nên các bệnh viện không có tiền đầu tư, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị. Bên cạnh đó, những tiến bộ về y học phát triển ngày càng mạnh, nhiều loại vật tư, hóa chất đã thay đổi hoàn toàn về phương thức sử dụng khiến chi phí tăng lên. Nhiều kỹ thuật trước đây được làm thủ công thì nay được thay thế bằng máy móc hiện đại nên đi kèm với đó chi phí cũng tăng. Vì vậy, nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng "càng làm nhiều càng lỗ", bệnh nhân bệnh càng nặng, bệnh viện càng... lỗ.
Trước sự lo lắng của người dân khi tăng viện phí, Bộ Y tế cho rằng, hiện nay cả nước có trên 60% người dân có BHYT, nếu không tăng viện phí thì bệnh viện khó duy trì tốt các hoạt động và như vậy thì người bệnh sẽ mất quyền lợi. Theo quan điểm của Bộ, việc tăng viện phí sẽ không ảnh hưởng tới 53 triệu người dân đã có thẻ BHYT, vì trong tổng số viện phí mà người bệnh được quỹ bảo hiểm chi trả thì có trên 60% là tiền thuốc, máu, dịch truyền, vật tư người bệnh sử dụng trực tiếp và chỉ có khoảng 30% là chi phí các dịch vụ như khám bệnh, ngày giường điều trị, chiếu chụp, xét nghiệm...
Bộ Y tế khẳng định, giá viện phí mới chỉ điều chỉnh khoảng 10% số dịch vụ kỹ thuật đang thực hiện, trong đó có tiền khám bệnh và giường bệnh nên dự báo tổng số sẽ tăng không nhiều so với hiện nay. Các đối tượng nghèo và cận nghèo tham gia BHYT cũng không nên quá lo lắng, vì Nhà nước đã hỗ trợ 50-60% mức đóng BHYT. Với những đối tượng không tham gia BHYT bắt buộc, có thu nhập khá trở lên thì họ có khả năng chi trả. Đối với những trường hợp bệnh nặng, chi phí lớn và khó có khả năng chi trả, Bộ Y tế đưa ra phương án vận động họ tham gia BHYT tự nguyện.
Đồng quan điểm này, bác sỹ Bùi Đình Long, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho ví dụ: Nhiều khi, để bù lỗ, các bệnh viện phải tiết kiệm, giảm chi tiêu và người bệnh chính là người chịu thiệt. Có thể việc cải tổ viện phí chưa cải thiện được tình trạng giường nằm đôi, nằm ba tại các bệnh viện lớn nhưng chất lượng điều trị chắc chắn sẽ tốt hơn: bệnh nhân sẽ được hưởng loại kim truyền tốt hơn, sợi chỉ mổ chất lượng tốt hơn... Ấy là chưa kể, nếu cứ duy trì giá viện phí cũ, nhiều bệnh viện sẽ "phát triển lệch" chỉ chú tâm đầu tư cho các dịch vụ kỹ thuật có thu.
Bác sỹ Bùi Đình Long cũng cho rằng, vào thời điểm ban hành khung giá viện phí hiện tại, rõ ràng nó đã thể hiện tính ưu việt khi quan tâm được đến người nghèo trong xã hội. Nhưng hiện tại, nó lại không phù hợp với sự phát triển của xã hội, hạn chế đến việc phát triển một số chuyên môn của ngành. Các bác sỹ Trần Đình Ngũ và Phạm Doãn Tín, lãnh đạo Bệnh viện 115 (TP.Vinh), cho biết: "Tại bệnh viện này, với lượng bệnh nhân 60% có BHYT, họ vẫn chấp nhận vượt tuyến, trái tuyến để đến điều trị tại đây, dù phải đóng góp một phần viện phí vì họ tin mình không phải đóng một khoản "phụ phí" và được phục vụ với tinh thần thái độ tốt hơn, cho dù viện phí ở các bệnh viện công có thấp".
Bác sỹ Lê Văn Tiệc - Giám đốc Bệnh viện Giao thông - Vận tải Vinh cũng bày tỏ: cải tổ viện phí là góp phần đảm bảo công bằng trong xã hội và chắc chắn sẽ giảm được những tiêu cực trong bệnh viện. Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An - bác sỹ Nguyễn Danh Linh cũng khẳng định: Tăng viện phí là một đòi hỏi chính đáng. Khi thực hiện Nghị định 43 " tự thu, tự chi", bệnh viện muốn tồn tại phải dựa vào viện phí, trong khi viện phí lại không được phép thu thêm trong cái khung quá cũ thì làm sao bệnh viện có thể phát triển? Từ đây, sẽ nảy sinh cái vòng luẩn quẩn của vấn đề y đức và chuyện giữ chân bác sỹ là điều khó khăn vô cùng ở các bệnh viện công lập.
(Còn nữa)