(Baonghean) - Thời gian qua, dư luận cả nước thực sự lo lắng trước thông tin có trên 72.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp. Cơ hội sẽ càng khó khăn hơn bởi hiện tại nền kinh tế chưa phục hồi sau khủng hoảng, trong khi đó chất lượng đào tạo của nhiều trường đại học, cao đẳng lại không đáp ứng với yêu cầu phát triển, sinh viên thiếu những kỹ năng mềm, thiếu những ngành nghề mà xã hội đang cần.
 
Cách đây nửa năm, gia đình ông Nguyễn Văn Hòa ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương thực sự phấn khởi khi cậu con trai thứ hai tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh loại khá. Mừng vì từ trước tới nay, gia đình mới có một người đạt trình độ đại học nhưng xen trong đó là nỗi lo chưa biết “đi đâu về đâu” để tìm được việc làm. Suốt 6 tháng nay, thấy con hàng ngày ngược xuôi từ huyện xuống Tp Vinh xin việc mãi mà vẫn chưa nơi nào thu nhận, ông Hòa buồn rầu chia sẻ: “Khi cháu nó đỗ đại học cả nhà mừng lắm, chúng tôi cố gắng cày hái cho con theo học với hy vọng có việc làm ổn định để đỡ đi mệt nhọc đồng quê. Nhưng khi học xong, khó xin được việc làm, cả nhà lại lo lắng, không biết rồi đây sẽ ra sao!?...”. Còn đối với Đặng Thị Hoa ở phường Bến Thủy, TP Vinh, tốt nghiệp THPT, không đỗ đại học, em theo học trung cấp kế toán. Sau hai năm đèn sách không xin được việc, gia đình lại cố gắng “đầu tư” cho em theo học liên thông lên đại học. Những tưởng như vậy sẽ dễ xin việc hơn, nhưng học xong rồi vẫn “ngồi chơi, xơi nước”. 
images971855_a5__l_p_ngh__s_a_ch_a___t____tru_ng_trung_c_p_d_y_ngh__y_n_th_nh_nguy_n_son.jpgLớp sửa chữa ô tô ở Trường Trung cấp nghề công - nông nghiệp Yên Thành. Ảnh: n.s
 
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, có khoảng 72.000 cử nhân, thạc sỹ đang thất nghiệp và trên thực tế, con số đó có thể còn lớn hơn nhiều. Riêng ở Nghệ An, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12.000 người tốt nghiệp từ trung cấp trở lên chưa tìm được việc làm, trong đó có trên 4.000 người có trình độ cao đẳng và hơn 3.000 cử nhân, thạc sỹ.
 
Trước tình hình bức bách của vấn đề việc làm, chúng tôi thử tiến hành một cuộc đi tìm “đầu ra” cho các cử nhân đang chờ việc. Với hồ sơ của một cử nhân ngành Quản trị kinh doanh trên tay, đến một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, có đơn vị từ chối ngay khi chúng tôi hỏi đến xin việc với lý do “không có nhu cầu”; còn một số doanh nghiệp, gặp cán bộ văn phòng - hành chính - tổ chức, họ không cần xem hồ sơ mà chỉ hỏi tốt nghiệp ngành gì? Khi chúng tôi trả lời về ngành học thì họ nói “ngành này thừa nhiều nhất, thạc sỹ còn khó nữa là đại học”. Cá biệt, vẫn có một vài doanh nghiệp tuyển lao động (chủ yếu doanh nghiệp lĩnh vực dệt may, lắp ráp đồ chơi) song không yêu cầu bằng cấp mà chỉ hợp đồng đứng dây chuyền sản xuất mang tính thời vụ với mức lương từ 1,8 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng nhưng phải thử việc từ 1 đến 3 tháng “không công”. Tất nhiên, những nơi này họ lại chẳng mặn mà với sinh viên có bằng đại học bởi họ biết rằng “người đã học đại học sẽ chỉ xem đây là công việc tạm thời, không gắn bó lâu dài”. Để dễ xin việc, nhiều người cần ngậm ngùi cất bằng cử nhân kỹ sư… chấp nhận vào học việc như một lao động chưa có tay nghề. 
Giờ học Tiếng Anh tại Trường Đại học Vinh Ảnh: Hữu Nghĩa
 
Còn việc tuyển dụng vào các cơ quan, sở ngành hay ngạch công chức các huyện, xã thì có cơ hội hay không? Qua tìm hiểu lĩnh vực này tại Sở Nội vụ, ông Đậu Đình Dương - Phó trưởng phòng Công chức - Viên chức cho biết: “Mỗi năm, căn cứ từ nhu cầu của các sở, ngành và các huyện, tỉnh sẽ tổ chức thi tuyển công chức công khai. Nhưng số lượng không nhiều, như năm 2012, cả tỉnh chỉ tuyển dụng trên 150 người; năm 2013 tuyển 147 người và năm 2014, chỉ tiêu tuyển cũng chỉ khoảng 150 người. Trong khi đó, tỷ lệ “chọi” rất lớn, có những lĩnh vực, cần tuyển 1 người nhưng có từ 70 đến 90 hồ sơ đăng ký...”.
 
 Còn ở cấp xã, mỗi năm, cả tỉnh cũng chỉ tuyển thêm trên dưới 100 người để thay thế vị trí những người đến tuổi nghỉ hưu. Chính vì vậy, cơ hội “về xã” đối với cử nhân, thạc sỹ cũng không dễ dàng. Ông Nguyễn Thăng Long - Trưởng phòng Xây dựng Chính quyền, Sở Nội vụ cho biết: “Cách đây vài năm, việc khuyến khích những người tốt nghiệp cao đẳng, đại học về công tác tại xã rất khó khăn. Nhưng nay, rất nhiều người muốn về lại không có cơ hội. Nguyên do là cán bộ, công chức ở xã đã ổn định, những năm gần đây đã bổ sung lực lượng trẻ nên chỉ khi có một vài người nghỉ hưu mới tổ chức thi tuyển thay thế…”. Cơ hội sẽ chẳng dễ dàng bởi theo Luật Cán bộ, công chức, viên chức thì bất kỳ ai trong nước đáp ứng được các yêu cầu về lĩnh vực chuyên môn, độ tuổi… cũng có quyền tham gia thi vào các sở, ngành, huyện, xã ở Nghệ An. Trên thực tế tính theo nhu cầu tuyển dụng của các sở, ngành, địa phương, trung bình mỗi năm chỉ có khoảng từ 3 - 5% số cử nhân, thạc sỹ là con em trên địa bàn tỉnh có cơ hội tìm được việc làm. Đáng lo lắng hơn, mới đây, Bộ Nội vụ soạn thảo, lấy ý kiến cho Nghị định tinh giản 100.000 công chức trong 6 năm tới…   
 
Để “kiếm được” tấm bằng đại học, một sinh viên xa nhà, mỗi tháng tối thiểu cần 2,5 triệu đồng. Như vậy trong vòng 4 năm học, tiêu tốn khoảng 120 triệu đồng. Thế nhưng học xong, ra trường không tìm được việc làm. Đó là một sự lãng phí lớn cả về thời gian, tiền bạc của người học. Đáng lo ngại hơn khi rất nhiều gia đình ở các miền quê nghèo “nai lưng, buộc bụng” cố cho con em theo học đại học với kỳ vọng tìm được việc làm ổn định hơn đồng áng. Nhiều gia đình đã gắng bán trâu, bò, vay thêm Ngân hàng Chính sách để cho con ăn học, song ra trường không có việc làm, trong khi nợ đến hạn phải trả. Thống kê của Ngân hàng Chính sách tỉnh, đến nay số dư nợ cho sinh viên là con em các vùng quê vay theo học là gần 2.700 tỷ đồng với 112.575 hộ vay; trong đó, có gần 6 tỷ đồng nợ quá hạn (với trên 2.500 hộ vay). Theo ông Hoàng Sơn Lam - Trưởng phòng Kế hoạch, nghiệp vụ Ngân hàng Chính sách thì: “Số nợ quá hạn trên so với tổng dự nợ không lớn và trong khả năng kiểm soát. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có rất nhiều gói vay đã đến hạn và gia hạn. Đây cũng là vấn đề đáng quan tâm, nhất là có nhiều khách hàng là các hộ nông dân ở các vùng quê nghèo, thậm chí có những gia đình vay cho 2 - 3 con đi học. Ngân hàng đang phối hợp chặt chẽ với các tổ nhóm công tác ở cấp xã vừa thông báo đến các gia đình vừa động viên họ trả nợ…”.
 
Quá trình tìm hiểu thực tế cho bài viết này, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Cường - một thợ sửa chữa điện ô tô giỏi đang công tác tại một xưởng sửa chữa lớn trên đường Nguyễn Trãi, TP. Vinh. Với mức lương trên 7.000.000 đồng/tháng, anh Cường tự nhận thấy là phù hợp. Cái quan trọng hơn, theo anh, nghề mình đang theo đuổi là đúng hướng, bởi sửa chữa ô tô hiện nay và sau này là một lĩnh vực có nhiều việc làm. Anh Cường kể về quá trình làm thợ của mình bắt đầu từ sau khi tốt nghiệp THPT, thấy học cao hơn không phù hợp, anh đi học sửa chữa xe máy. Sau 3 năm, anh nhận thấy cần phải chuyển đổi và quyết định vào Tp Hồ Chí Minh học nghề sửa chữa ô tô. 2 năm theo học, với tay nghề vững, anh trở về Vinh và làm việc với nghề điện ô tô.
 
Đến nay, sau gần 10 năm theo nghề sửa chữa, bằng cách tự nhận biết cơ hội nghề nghiệp, tự nâng cao tay nghề, anh Cường được đánh giá là một trong những thợ giỏi được nhiều xưởng sửa chữa ô tô mời gọi. Nhưng anh vẫn chung thủy với nơi khởi nghiệp vì những nền tảng đã và đang gắn kết. Anh Cường tâm sự: “Làm nghề chi cũng cần chú tâm và tăng cường gắn kết với đồng nghiệp, với đơn vị mới có thành công. Tôi có ý tưởng chỉ tách ra khi mình có đủ năng lực quản lý cũng như đồng vốn để mở một xưởng sửa chữa. Khi đó, mình có thể thu nhận những thợ giỏi khác cùng đồng hành, vừa phục vụ xã hội, vừa có việc làm và thu nhập…”.
 
Từ thực tế cho thấy, con đường lập thân, lập nghiệp của mỗi người, không nhất thiết phải vào các trường đại học. Vấn đề mấu chốt là người học cần nhận diện đúng về nhu cầu ngành nghề mà xã hội cần để nắm lấy cơ hội học tập, vươn lên. Riêng đối với các trường cao đẳng, đại học nếu làm tốt công tác dự báo trong khoảng 4 - 5 năm tới, hướng tới đào tạo theo nhu cầu xã hội để tránh tình trạng cử nhân tốt nghiệp không bị “ế” thê thảm như hiện nay. (Còn nữa)
 
Nguyên Sơn - Mỹ Hà