(Baonghean) - Từ nhiều năm nay, các huyện vùng cao Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong... xuất hiện những điểm du lịch cộng đồng. đây là điều kiện để có thể phát triển kinh tế và gìn giữ bản sắc văn hóa các cộng đồng vùng cao. Báo Nghệ An xin giới thiệu đến bạn đọc những cộng đồng làm du lịch các huyện miền núi và tâm tư của bà con trong tiến trình chập chững đến với ngành “công nghiệp không khói” này...

Đi qua bản Nưa (Yên Khê - Con Cuông), thấy có gắn biển “Điểm du lịch cộng đồng”. Thế nhưng câu chuyện cộng đồng làm du lịch mới chỉ là đang bắt đầu đối với bản người Thái có 600 nhân khẩu này. Dân bản vẫn sống bầng nghề nông, còn cánh thanh niên cứ hết tết lại ùn ùn kéo vào các khu công nghiệp hay đi phu hồ cho các công trình xây dựng. Gọi là điểm du lịch cộng đồng, nhưng đến giờ tại bản Nưa chưa có một gia đình nào thực sự sống được với nghề du lịch?!

Những vị khách không hẹn

Cuối tháng Giêng, bản Nưa khá vắng lặng. Những mái nhà sàn ẩn mình im lìm sau vườn cọ. Bản chỉ nhộn nhịp vào mấy ngày tết, ra Giêng người ta lại về với những mối lo thường nhật. Thanh niên đi vào miền Nam, người ở lại nhà thì suốt ngày ngoài ruộng lúa, vườn cam.

Trưởng bản Vi Văn Giao tỏ ra khá bất ngờ khi chúng tôi hỏi chuyện về điểm du lịch cộng đồng tại bản mà ông là người đứng đầu ban quản lý. Có vẻ như đã từ lâu, cộng đồng quên mất điều này. Ông Giao cho biết: Điểm du lịch cộng đồng có từ năm 2004, có một đoàn khách du lịch Pháp ghé thăm bản. “Ngày ấy, có người của dự án du lịch Vườn quốc gia Pù Mát đến liên hệ với thôn bản chuẩn bị một số nhà sàn đẹp để làm nơi đón tiếp khách du lịch. Họ đi tham quan động Nàng Màn, khe Nước Mọc, chỉ ở lại đêm, rồi lội rừng vượt núi Pù Òi vào xã Lục Dạ. Sau đó, họ cũng có đôi lần ghé lại bản coi như một điểm dừng chân.” - ông Giao kể - Lần đầu tiên đó, có hơn chục khách du lịch tìm đến và chọn nhà sàn của ông Vi Văn Xông, bà Lô Thị Sáng để nghỉ qua đêm. Bà sáng nhớ lại: “Họ bảo thích ở nhà sàn, không cần phải có buồng ngủ đâu. Cả chục người nằm xếp hàng chật kín cả 2 gian nhà, mỗi người một cái túi ngủ, không chăn chiếu gì hết”.

Sau lần đó, những đoàn khách du lịch quốc tế vẫn thường xuyên tìm đến bản Nưa vào mùa hè. Có năm dăm bảy lượt, có năm chỉ vài ba lần. Mùa du lịch năm 2012 vừa qua, chỉ có 1 lần người bản Nưa đón khách du lịch nghỉ lại.

Trong những lần ghé lại bản, những khách du lịch rất thích dòng nước trong xanh của suối Nước Mọc gần bản, lại được người già phục vụ hát khắp lăm nên đều muốn quay lại. Thế nhưng đó thường chỉ vào mùa hè, còn ngày khác thường chỉ có những người ngang qua tắm suối hoặc đến đập nước Phà Lài (xã Môn Sơn).

791829_small_93000.jpg

                         Căn nhà của ông Xông vắng khách du lịch viếng thăm.

Vắng bóng khách, ngôi nhà sàn của ông Vi Văn Xông cũng bỏ đó như là một sự chờ đợi. Chúng tôi tìm đến vào dịp nhà đối diện có đám cưới. Sân và gầm sàn ngổn ngang xe gắn máy của khách ăn cỗ. Bà Sáng cho biết: “Hiện cả nhà tôi đều ở trên rãy chăm vườn cam, nuôi bò”. Chỉ khi nào bên dự án du lịch huyện đến liên hệ mới về chuẩn bị đón khách du lịch. Trong mỗi lần dừng chân tại bản, những đoàn khách du lịch đều chọn nhà sàn của bà làm nơi nghỉ chân. Rồi bà phân trần: “Vì quý mến khách xa mỗi năm chỉ vài lần gặp mặt, và cũng vì họ ưng ở nhà mình nữa nên cho họ đến ở vậy, chứ mình chưa nghĩ sẽ phát triển thành một nghề thường xuyên. Chỉ có khách nước ngoài ở lại qua đêm, còn những người tìm đến tắm suối họ đều về nghỉ tại những khách sạn ở Thị trấn Con Cuông.”

Mới chỉ là tiềm năng

Nâng chén chè xanh mời khách, trưởng bản Vi Văn Giao tâm sự: “Trong những cuộc họp giao ban tháng, tôi cũng nghe các cán bộ cấp trên nói nhiều đến tiềm năng du lịch của bản nưa, cũng như những bản làng người Thái còn giữ được nhà sàn trong xã, trong huyện. Tuy vậy, cũng khó để phát triển vì lượng khách du lịch đến chưa nhiều, chưa được quảng bá rộng rãi”.

Rồi ông Giao say sưa  kể về sự tích khe Nước Mọc, nơi khi xưa các nàng tiên cõi trời tìm xuống tắm mát. Có người thợ săn tình cờ thấy được, các nàng xấu hổ vộ bay về trời, để lại một dòng suối trong mát. Huyền tích về thủy tổ của dòng họ vi theo nghĩa quân Lam Sơn, ngậm ngang thanh gươm vượt sông Lam đánh thành lũy Cầm Bành...

Thực ra, bản nưa không chỉ gần suối Nươc Mọc ở bản Tân Hương đang được xây dựng thành điểm du lịch, mà còn là một bản đậm đặc truyền thống văn hóa Thái. Tại đây, vẫn còn nhiều cụ hát khắp, thổi khèn giỏi. Các cụ bảo với chúng tôi rằng, rất sẵn lòng truyền lại những vốn văn hóa này cho con cháu. Ngoài các thành viên trẻ của Câu lạc bộ Dân ca Thái (trẻ nhất cũng đã 50 tuổi) thì không mấy ai mặn mà với điệu khắp, tiếng khèn nữa.

Chính quyền địa phương cũng đang có những đầu tư nhất định để phát triển du lịch tại xã Yên Khê, như xây dựng suối Nước Mọc thành điểm du lịch hay phát triển vùng đặc sản cam Con Cuông. Có một sản phẩm du lịch khác là những truyền thống văn hóa Thái, cụ thể là những làn điệu dân ca đang trong nguy cơ mai một. Có lẽ, cũng cần phải có một chiến lược gìn giữ bảo tồn những giá trị này!


Hữu Vi