(Baonghean) - Mới chỉ đợt nắng nhẹ vừa qua nhưng nhiều diện tích lúa ở Con Cuông đã bị thiếu nước trầm trọng, hàng trăm ha chè trồng mới đang kém xanh khiến người dân lo lắng.

Đi dọc xã Chi Khê (Con Cuông) khe suối nhiều đoạn khô cả đáy. Ông Kha Văn Dần ở bản Lam Khê đang làm cỏ cho lúa, than thở: “Mới nắng có mấy bữa mà cả 3 sào lúa đã bị thiếu nước, các phai nước đều khô cạn, nếu trời không mưa thì có khi “treo niêu”. Được biết, bản Lam Khê gieo cấy trên 60 ha lúa xuân thì hiện nay đã thiếu nước khoảng trên 30 ha tập trung ở các cánh đồng Na Cam, Na Nờ, Cò Hương. Bản có một hồ chứa Khe Cam nhưng dung tích nhỏ, chỉ còn trên 40% trữ lượng nước.

Ông Lộc Văn Hợi - Chủ tịch UBND xã Chi Khê cho biết: “Toàn xã gieo cấy trên 160 ha lúa xuân. Do cả 3 tháng nay trời không mưa nên hầu hết sông suối trên địa bàn đang cạn kiệt. Các hồ đập nhỏ như đập Na Háng, đập Chằn Nằn, đập Phai Lèm, đập Vực Hạ mực nước thấp, trữ lượng nước chỉ đạt từ 30-40%. Thời điểm này toàn xã có trên 50 ha bị thiếu nước chủ yếu tập trung ở các bản Tổng Chai, Liên Đình, Lam Khê. Xã đang tập trung lực lượng để nạo vét kênh Lam Khê, Vực Hạ, Liên Đình …Tổ thuỷ nông của xã điều tiết hồ đập hợp lý, mỗi đợt tưới thường mở nước từ 5-7 ngày, đắp chặn các khe suối để lấy nguồn nước tưới cho các vùng cuối kênh. Huyện hỗ trợ 1 máy bơm nước dã chiến đặt ở Lam Khê”. Ông Hợi cho biết thêm: Nếu trời không mưa thì diện tích thiếu nước sẽ tăng lên trên 70 ha.

792010_small_93198.jpg

Nhiều diện tích đất ở Đôn Phục - Con Cuông do thiếu nước chưa gieo cấy lúa được.

Chúng tôi về xã Yên Khê, trên các ruộng lúa đã bắt đầu nứt chân chim. Chị Vi Thị Phong, ở bản Tân Hương đang dùng gàu tát nước dưới suối lên cho hay: “Nếu trời không mưa thì nước dưới suối không có để tát, 4 sào ruộng thì 3 sào đã bị nứt nẻ vì thiếu nước”. Ông Vi Văn Đậu - Chủ tịch xã Yên Khê tâm sự: “Xã có gần 120 ha lúa xuân thì có khoảng 40 ha thiếu nước trầm trọng. Thiếu nhiều nhất là bản Tờ, bản Nưa, bản Trung Hương. Khó khăn ở Yên Khê là cả xã không có hồ đập, chủ yếu nguồn nước đều lấy từ các chân lèn đá ra cánh đồng. Hiện nay hầu hết nguồn nước ở đầu nguồn đều bị cạn nên hàng chục phai nước của xã đắp ở các khe suối cũng không có tác dụng. Hiện xã đang triển khai 3 máy bơm nước dã chiến ở các bản Tờ, bản Nưa, bản Trung Hương để hỗ trợ bơm tưới lúa vùng cuối kênh. Nhiều hộ dân chủ động dùng gàu tát hoặc bơm điện. Tuy nhiên, nếu nắng nóng thì phương án bơm tát của bà con cũng không khả thi vì nguồn nước khe suối cạn kiệt. Xã đang rất cần được Nhà nước hỗ trợ một trạm bơm điện đặt ở cánh đồng làng Xiềng tưới cho khoảng trên 50 ha lúa”.

Không chỉ có lúa bị hạn, có nhiều diện tích chè trồng mới ở Yên Khê cũng bị thiếu nước ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển. Anh Trần Văn Quý ở bản Trung Chính cho biết: “Gia đình trồng 6 sào chè đã cho thu hoạch được 3 vụ. Năm 2012, do nắng hạn đã bị chết cả 6 sào chè, gây thiệt hại mỗi tháng thu hoạch búp từ 5-6 triệu đồng/6 sào/tháng. Đến nay, 6 sào chè đã được đầu tư kinh phí để trồng lại nhưng từ Tết Nguyên đán đến nay trời không mưa, nguồn nước khe suối cạn kiệt không có tưới, nắng to nguy cơ chè lại chết cháy”. Ông Vi Văn Đậu cho biết thêm: “Yên Khê là xã trọng điểm cây chè của Con Cuông, hiện xã có khoảng trên 350 ha chè. Trong năm 2012, nắng hạn bị chết trên 100 ha, toàn bộ diện tích này bà con đã trồng mới. Chè trồng mới chịu hạn rất kém, trong khi hệ thống thuỷ lợi tưới cho cây chè ở Yên Khê chưa có. Vì vậy, nguy cơ chè trồng mới bị chết vì thiếu nước là không thể tránh khỏi”.

Trước vấn đề hạn hán ảnh hưởng đến cây lúa, chè, ông Vi Văn Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: “Xác định hạn hán là khó tránh khỏi cho lúa vụ xuân; ngay từ đầu vụ, huyện đã chỉ đạo người dân các xã chú trọng quản lý điều hành tiết kiệm chống thất thoát nguồn nước; tích cực tận dụng nguồn nước ở các khe suối, sông cụt để dành nước vùng lòng hồ cho giai đoạn lúa trổ bông và lúa hè thu. Đồng thời huy động các địa phương tập trung nạo vét kênh mương, tu sửa bờ vùng bờ thửa; ưu tiên sử dụng thuỷ lợi phí do Nhà nước cấp bù để tu sửa các công trình thuỷ lợi bị hư hỏng… Hiện huyện đang triển khai trên 20 máy bơm dầu dã chiến đặt ở các trọng điểm để “cứu” lúa. Đối với diện tích trồng chè huyện đang lập dự án xin Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi cho cây chè.


Sông Dinh