Thực hiện phương châm “Đạo Pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”
Ngày 23/9/2011, được sự đồng ý của Trung ương Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam, tăng ni, phật tử tỉnh Nghệ An tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ nhất, thành lập Ban Trị sự Tỉnh hội. Từ đó đến nay, phong trào Phật giáo có bước phát triển toàn diện.
Tại Đại hội lần thứ nhất (năm 2011), toàn tỉnh có 15 tăng ni, 45 nghìn phật tử, 11 ngôi chùa. Các hoạt động của Phật giáo Nghệ An lúc đó chỉ phục vụ chính cho nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh trong Tự viện. Sau 10 năm phát triển, hiện nay toàn tỉnh có hơn 100 vị tăng ni, 65 ngôi chùa và 168 nghìn phật tử quy tụ ở 328 đạo tràng, bản hội, hội quy. Vị thế Phật giáo Nghệ An đã vươn ra tầm quốc gia và quốc tế.
Tăng ni, phật tử Nghệ An hòa hợp, đoàn kết xây dựng GHPG tỉnh Nghệ An vững mạnh về mặt tổ chức, triển khai thành công xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Kiện toàn, thành lập 03 Ban Trị sự và phân công phụ trách Phật giáo cấp huyện. Thực hiện tốt các chính sách pháp luật của Nhà nước, làm tròn bổn phận công dân, thực hiện hữu hiệu phương châm “Đạo Pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
Tăng Ni, phật tử Nghệ An luôn coi GHPGVN tỉnh Nghệ An là ngôi nhà chung của mọi người con Phật, hướng tới mục tiêu xây dựng tịnh độ giữa nhân gian, góp phần xây dựng quê hương Nghệ An văn minh giàu đẹp.
Ban Trị sự GHPG Nghệ An đã kêu gọi nguồn lực xã hội hóa thực hiện nhiều dự án phục hồi, trùng hưng tôn tạo, quy hoạch xây dựng mới tại các chùa và cơ sở thờ tự có nguồn gốc đạo Phật. Xây dựng hoàn thành chùa Đại Tuệ, trở thành công trình kỳ vĩ tại non thiêng Đại Huệ, quê hương Bác Hồ kính yêu. Phục hồi trùng hưng quần thể đền - chùa Gám (Chí Linh tự) với kiến trúc cổ kính ở quê lúa Yên Thành.
Tôn tạo, xây dựng chùa Cổ Am khang trang bề thế, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tu học cho phật tử ở Diễn Châu, với cảnh quan non nước hữu tình. Quy hoạch xây dựng mới chùa Lam Sơn, chùa Linh Sơn, chùa Hà bằng gỗ mang dáng dấp văn hóa cổ truyền, với chính điện tòa Tam Bảo uy linh, biết bao công sức và tâm huyết của những người con quê hương đất Nghệ.
Quy hoạch mở rộng, trùng tu Di tích Quốc giachùa Cần Linh, ngôi chùa Sư Nữ lâu đời bên dòng Cồn Mộc thơ mộng và linh thiêng, in mình soi bóng hồ Cửa Nam. Chùa Phúc Lạc được hồi sinh trên nền bãi cát trắng, với đại tượng Phật A Di Đà khổng lồ, từ trên cao nhìn xuống hay từ các giao lộ trông lên. Chùa An Thái, chùa Song Ngư được trùng tu, tôn tạo là ngọn hải đăng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Chỉ đạo và tổ chức tốt công tác an cư kết hạ, giáo dục tăng ni, hướng dẫn pật tử, đẩy mạnh công tác hoằng pháp lợi sinh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan mở các lớp chuyên đề về chính sách tín ngưỡng tôn giáo, báo cáo tình hình thời sự trong và ngoài nước, bồi dưỡng nâng cao kiến thức quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
Tham gia hoạt động Phật sự ích đạo, lợi đời
Ban Trị sự thường xuyên phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh, Hội đồng Giáo dục quốc phòng - An ninh tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh mở các lớp chuyên đề, các hội nghị phổ biến chính sách pháp luật, triển khai và phát động các phong trào ích nước lợi dân như: Phong trào tăng ni, phật tử bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng khu dân cư văn hóa; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; chung tay phòng chống đại dịch Covid-19.
Phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức lễ cầu siêu, thắp nến tri ân, đặc biệt tổ chức thành công 5 năm Lễ hội Hương sen xứ Nghệ, 02 Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, Lễ hội khai bút đầu năm tại chùa Đại Tuệ, Lễ hội Tuồng Kẻ Gám tại chùa Chí Linh. Tổ chức nhiều đại lễ cầu siêu, tri ân tại Nghĩa trang Quốc tế Việt Lào, Nghĩa trang Thái Lão, Khu Di tích Quốc gia Truông Bồn…
Ban Trị sự đã động viên tăng ni, phật tử phát huy tinh thần từ bi cứu khổ và truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc. Tham gia cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai, đóng góp Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Khuyến học, Quỹ Bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật. Xây dựng hơn 100 nhà đại đoàn kết, nhà nghĩa tình cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong và ngoài tỉnh, ủng hộ xây dựng một số trường học mầm non kiên cố.
Tăng ni, phật tử tích cực tham gia hoạt động Phật sự ích đạo, lợi đời. Nhiều vị tăng ni tỉnh Nghệ An đã tham gia các tổ chức như: HĐND, Ủy ban MTTQ, Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi,... góp phần củng cố chính quyền, mặt trận và đoàn thể, tạo sự đồng thuận xã hội, góp sức to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ghi nhận những thành tựu của GHPG Nghệ An trong 10 năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và Trung ương GHPGVN đã tặng nhiều tập thể và cá nhân Huân chương, Kỷ niệm chương, bằng tuyên dương công đức, bằng khen, giấy khen. Đây là những món quà vô giá, động viên kịp thời để Phật giáo Nghệ An phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.