(Baonghean) - Thời điểm này, ở ven bãi bồi sông Lam thuộc xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) bà con đang nhộn nhịp thu hoạch bí vụ đông. Dọc Quốc lộ 7, nhiều xe ô tô vận tải từ các nơi về chở bí, bà con người gánh, người vác đưa bí từ bãi bồi lên bờ để kịp cân, nhập cho các nhà xe.
Anh Nguyễn Thuỷ - người địa phương, một lái xe chuyên thu mua bí cho biết: Mỗi tuần chúng tôi chở 5-7 chuyến ô tô tải ra Hà Nội bán, mỗi chuyến từ 10-12 tấn bí, mặt hàng này cung ứng không đủ cho địa bàn Hà Nội tiêu thụ. Do nhiều xe ô tô vận tải khắp nơi về nhập sỉ bí, nên thời điểm này 2 ngày chúng tôi mới gom được 1 xe đi Hà Nội. Có nhiều người buôn bán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh cũng dùng xe máy lên Cẩm Sơn để thu mua bí, như anh Lê Thế ở Nam Thành - Yên Thành, cho hay: Mỗi chuyến đóng bao tải, chở bằng xe máy cũng được từ 1,2 - 1,5 tạ bí, đưa về xuôi bán trừ chi phí lãi được từ 300.000 - 500.000 đồng.
Ô tô vận tải vào mua bí xanh tại xã Cẩm Sơn - Anh Sơn.
Chị Hương Toàn đang thu hoạch bí dưới ruộng phấn khởi kể: Trồng bí “một vốn bốn lời”, gia đình trồng 6 sào bí, đạt năng suất 1,2 tấn/sào. Giá đầu vụ bán tại ruộng đạt 10.000 đ/kg, nay chỉ đạt 7.000 đ/kg, bình quân đạt 8,4 triệu đồng/sào/3 tháng. Tổng cả 6 sào đạt trị giá trên 50 triệu đồng/3 tháng, trừ chi phí còn lãi 30 triệu đồng. Nhờ bí xanh mà gia đình có tiền để nuôi con ăn học và tu sửa lại nhà cửa. Chị Toàn cho biết thêm: Trồng bí lãi cao nhưng cũng khá to công, vụ đông do trời mưa ẩm nhiều, nên khi trồng bí xanh cần làm giàn hình chữ A hoặc giàn vòm, vật liệu chủ yếu bằng tre và nứa. Giàn chữ A phải đạt chiều cao 2,5 mét, giàn vòm đạt chiều cao 1,5 mét, chi phí làm giàn từ 2-2,5 triệu đồng/sào, chưa kể chi phí tiền phân bón các loại.
Chị Nguyễn Thị Lánh ở xóm Hội Lâm cho hay: Trước đây vùng đất ven bãi bồi chủ yếu trồng dưa hấu nhưng hiệu quả kinh tế không cao. 3 năm lại nay chủ yếu trồng cây bí xanh, dễ trồng lại dễ bán, tư thương lên tận nơi thu mua, gia đình làm 4 sào bí thì đã thu hoạch được 2 sào. Giống bí xanh được Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn như giống bí 999. Giống này có ưu điểm sinh trưởng khoẻ và thích nghi tốt với điều kiện đất đai khí hậu, khoảng từ 70 - 90 ngày là kết thúc vụ thu hoạch, cách gieo hạt cũng đơn giản, hạt được gieo vào khay hoặc bầu được đặt trên luống cao. Trước khi gieo đất phải được cày bừa xới xáo kỹ càng, loại sạch cỏ dại, lên luống rộng từ 1,8-2 mét. Chủ yếu sử dụng phân chuồng mùn hoai và bón lót phân lân và đạm theo chu kỳ. Bí là loại cây hạp nước, mỗi ngày cần tưới một lần. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra hiện nay là hệ thống thuỷ lợi cho cánh đồng trồng bí chưa có. Một số bà con chung nhau để đào giếng, chi phí mỗi giếng đào từ 5-7 triệu đồng. Bà con đang rất cần được Nhà nước hỗ trợ để xây dựng hệ thống tưới cho vùng trồng bí. Theo chị Lánh thì nếu đủ nước tưới bí sẽ cho năng suất 1,5 tấn/sào/vụ, mỗi năm làm được 2 vụ bí đạt doanh thu trên từ 20 - 22 triệu đồng/sào/2 vụ.
Ông Trần Quốc Tuấn - Bí thư Đảng uỷ xã Cẩm Sơn cho biết: Năm 2010 hộ anh Phan Bá Nghị và một số hộ dân ở xóm Hội Lâm đã trồng thử nghiệm giống bí xanh. Thấy đạt hiệu quả, năm 2011 xã đã họp dân thống nhất chỉ đạo trồng toàn bộ diện tích bãi bồi xen canh 1 vụ bí vụ đông và 2 vụ dưa hấu. Giá trị kinh tế từ bí xanh mang lại càng rõ nét nên ngay trong năm 2011, UBND xã Cẩm Sơn đã mạnh dạn quyết định chuyển đổi trồng 2 vụ bí (vụ đông và hè thu) cộng với 1 vụ dưa hấu. Mấy vụ bí xanh liên tiếp thắng lớn, nên năm 2013 diện tích bí xanh trên đất bãi tăng lên 40 ha (tăng thêm 20 ha). Bí xanh vụ đông năm nay được mùa được giá, bình quân đạt khoảng 200 - 220 triệu đồng/ha/vụ. Lợi thế ở vùng bãi bồi sông Lam là đất thịt pha cát nhẹ, độ phù sa cao, nên trồng bí xanh phát triển rất tốt. Ngay từ đầu vụ cán bộ kỹ thuật xã, huyện trực tiếp hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc bí xanh, từ cách gieo hạt, làm đất, làm giàn, cách phòng trừ sâu bệnh và cách thu hoạch. Lợi thế nữa là bí thu hoạch nhiều lứa trong tháng, có thể bảo quản thời gian trên 30 ngày cũng không ảnh hưởng đến chất lượng. Xã khuyến cáo bà con làm đất cày bừa kỹ, phơi ải đất để diệt mầm mống các loại như: sâu xám, sâu xanh, rệp hại bí xanh, hạn chế phun thuốc trừ sâu...
Cẩm Sơn được mùa bí
Văn Trường