(Baonghean) - Ga Vinh chính thức được bắt đầu xây dựng vào quý II, năm 1900. Ngày 17/3/1905 được xem là “ngày sinh nhật” của Ga Vinh, bởi đây cũng chính là ngày đoàn tàu hơi nước đầu tiên hú còi xin đường vào ga sau hành trình dài 300 km từ Hà Nội đến Vinh.
 
Từ đấy, Ga Vinh cùng Nhà máy Xe lửa Trường Thi được đặt dưới sự quản lý của Đặc khu Đường sắt Bắc Trung kỳ. Đây cũng là thời kỳ bắt đầu hình thành đội ngũ công nhân đường sắt khu vực Vinh - Bến Thủy, hạt nhân của phong trào cách mạng sau này. Tháng 8/1928 chi bộ đầu tiên của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội được thành lập từ trong chính đội ngũ công nhân đường sắt. Ngày 25/4/1930, hơn 200 công nhân đường sắt Ga Vinh và Nhà máy Xe lửa Trường Thi ở xóm thợ Bắc Kỳ đã nhất tề đứng dậy cùng nông dân xuống đường đấu tranh đòi tự do, cơm áo, chống áp bức bóc lột, mở đầu cho cao trào đấu tranh Xô Viết Nghệ Tĩnh vang dội khắp năm châu. 
images1060313_gv2.jpgGa Vinh
Sau Cách mạng tháng Tám không lâu, thực dân Pháp quay lại miền Bắc nước ta, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Ga Vinh lại cùng nhân dân Thành phố Đỏ anh hùng tiêu thổ kháng chiến, cất giấu đầu máy toa xe không cho máy bay địch đánh phá. Hàng chục thanh niên trai tráng đang công tác tại Ga Vinh đã lên đường tòng quân giết giặc theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hòa bình lập lại, CBCNV Ga Vinh tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, sớm khôi phục lại việc chạy tàu. Ngày 19/5/1964, đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 74 năm Ngày sinh Hồ Chủ tịch, trong niềm vui hân hoan của hàng vạn đồng bào dọc 2 bên đường sắt, Ga Vinh vinh dự chào đón đoàn tàu đầu tiên kéo còi vào ga. 
 
Gần 40 năm, sau ngày đất nước thống nhất, Ga Vinh đã có những bước lớn mạnh vượt bậc cả về cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân phục vụ. Giờ đây, bộ mặt nhà ga đã thay đổi đến không ngờ với hệ thống vườn hoa, cây cảnh được chăm sóc công phu. Sân ga rộng và sạch, mát với hệ thống chỉ dẫn được bố trí thuận lợi cho hành khách đi tàu. 
 
T.B (Tổng hợp)