(Baonghean.vn) - Trước lúc đi xa, Bác Hồ không quên ghi lại trong bản Di chúc rằng: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết" (1). Trong đó, việc ươm những hạt giống cách mạng Việt Nam trên đất Trung Quốc sau này thành tài trở về phục vụ nước nhà là một đóng góp vô cùng quan trọng, biểu hiện chủ trương ấy của Người.
Xuất phát từ nhận thức muốn cách mạng thắng lợi, không chỉ cần một chính đảng lãnh đạo mà bắt buộc phải bồi dưỡng, đào tạo được đội ngũ cán bộ vừa có năng lực, lại tâm huyết với cách mạng, nên ngay từ đầu Bác Hồ rất chú trọng đến công tác này, tạo được đội ngũ cán bộ kế cận, phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Từ ngôi trường đặc biệt ở Quảng Châu...
Tháng 11/1924, sau khi từ Liên Xô đến Quảng Châu, Bác nghĩ ngay việc tập hợp và bồi dưỡng các thanh niên cách mạng, làm nguồn cán bộ cốt cán. Tháng 6/1925, Người lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Rồi từ đầu năm 1926 đến tháng 4/1927, Người tổ chức 3 khoá huấn luyện chính trị tại số nhà 13 và 13B đường Văn Minh, Tp. Quảng Châu, bồi dưỡng cho cách mạng Việt Nam 75 "hạt giống đỏ". Trong đó có 14 người Nghệ An là: Ngô Chính Quốc, Lý Mộng Sơn, Trương Văn Lĩnh, Lưu Quốc Long, Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sinh Thản, Đặng Thái Thuyến, Trần Văn Cung, Nguyễn Sĩ Sách, Phan Đăng Đệ, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Dật, Hồ Lân Sơn, Hoàng Văn Hoan; và 10 người Hà Tĩnh: Lê Duy Điếm, Trần Phú, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Bình, Phan Trọng Quảng, Nguyễn Văn Lợi, Lê Duy Nghệ, Võ Mai, Nguyễn Đình Từ, Ngô Thiêm (2).
Kết thúc các khoá học, Bác lại chọn người ưu tú gửi đi học tiếp ở Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô) và Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc), còn phần đông cử về nước gây dựng tổ chức, phát triển các phong trào cách mạng. Ngoài ra, Bác còn chọn được 8 cháu tuổi từ 8 - 15 là con em gia đình có truyền thống cách mạng Việt Nam gửi vào trường Đại học Trung Sơn (Quảng Châu) học tập, đó là các cháu Trọng, Thông, Đức, Thuận, Chất, Minh, Chử, Đỉnh (3).
Tương tự như vậy, trong giai đoạn hoạt động ở Quảng Tây, Vân Nam, Hồ Nam... những năm 1938 - 1944, Bác lại mở các lớp huấn luyện ở Côn Minh (tỉnh Vân Nam) vào đầu năm 1940; ở Tịnh Tây đầu tháng 1/1941 và ở Liễu Châu (tỉnh Quảng Tây) đầu năm 1944, bồi dưỡng lý luận và thực tiễn cách mạng cho khoảng 100 lượt học viên. Tham gia các lớp huấn luyện này đều là những thanh niên tiêu biểu, là hạt giống của cách mạng nước nhà, sau này là những cốt cán của Đảng, đóng góp trực tiếp vào thắng lợi của Cách mạng tháng 8/1945 và giữ một số chức vụ quan trọng trong Đảng, Quân đội và chính quyền.
... Đến Khu học xá Trung ương
Khi cuộc trường kỳ chống Pháp gần đến giai đoạn kết thúc, Bác đề nghị với lãnh đạo Trung Quốc giúp đỡ thành lập một số trường học tại tỉnh Quảng Tây để học sinh Việt Nam đến đây học tập và đã nhanh chóng được phía Trung Quốc đồng ý. Tháng 5/1951, Bác còn viết thư tay chỉ đạo đồng chí Hoàng Vĩ Nam và Nguyễn Văn Triển trực tiếp đến gặp Tỉnh uỷ Quảng Tây Trương Vân Dật và Tư lệnh Quân khu Lý Thiên Hựu để sớm xúc tiến kế hoạch. Trong thư Bác dặn nên lựa chọn địa điểm phù hợp, phải đảm bảo cách Việt Nam không xa, lại tận dụng được các lợi thế của thành thị và nông thôn, đặc biệt là "có núi để có thể lấy củi, có sông để có thể tắm và có đất để có thể trồng rau"(4).
Cuối cùng phía Trung Quốc đã xây trường tại thôn Tâm Khư, thuộc ngoại ô Tp. Nam Ninh, sau đó xây dựng thêm ở Tp. Quế Lâm, đều thuộc tỉnh Quảng Tây. Lúc đầu tại đây có Trường Khoa học cơ bản, Trường Sư phạm cao cấp và Trường phổ thông thực hành, sau thành lập thêm một số trường và mở thêm các hệ đào tạo, gọi chung là Khu học xá Trung ương, trong đó chủ yếu là đào tạo giáo viên, cán bộ phiên dịch, học sinh phổ thông và một số chuyên ngành khác. Cán bộ, học sinh ở đây luôn thực hiện theo phương châm 8 chữ mà Bác lấy làm huy hiệu của Khu học xá là "Đoàn kết, Học tập, Tiến bộ, Phục vụ". Tính từ khi thành lập (10/1951) đến khi trở về nước (6/1958), Khu học xá đào tạo được khoảng 4000 lượt cán bộ các loại và khoảng 3000 học sinh phổ thông, là nguồn nhân tài chủ chốt phục vụ sự nghiệp xây dựng và lãnh đạo đất nước sau này, làm nền móng cho sự phát triển hệ thống giáo giáo dục Việt Nam.
Tạo dựng vườn hoa cách mạng Việt Nam
Từ các lớp huấn luyện chính trị đặc biệt ở Quảng Châu, Côn Minh, Tịnh Tây, Liễu Châu... đến Khu học xá Trung ương tại Nam Ninh và Quế Lâm tuy có khác nhau về tên gọi, cách thức quản lý, nội dung học tập... nhưng tất cả đều vì mục tiêu bồi dưỡng nhân tài, đào tạo cán bộ cách mạng cho nước nhà. Số cán bộ và học sinh được đào tại ở đây sau này về nước trở thành đội ngũ cán bộ nòng cốt của Việt Nam, phục vụ trên trong lĩnh vực của đất nước. Các nhà chính trị thế hệ thứ nhất đáng kể như đồng chí Trần Phú, Trương Vân Lĩnh, Nguyễn Sĩ Sách, Lê Thiết Hùng, Phùng Chí Kiên..., thế hệ thứ hai như Trần Đình Hoan, Vũ Khoan, Vũ Mão, Đoàn Mạnh Giao, Hoàng Đức Nghi, Vũ Quốc Hùng...; nhiều cây cổ thụ âm nhạc như Cao Việt Bách, Phạm Tuyên, Tô Ngọc Thanh, Mộng Lân, Phan Phúc, Đỗ Hồng Quang...; nhiều nhà giáo kỳ cựu như Lê Văn Thiêm, Nguyễn Cảnh Toàn, Hoàng Ngọc Cang, Dương Trọng Bái, Nguyễn Xiển...
Có thể nói, trong giai đoạn 1926 - 1958, với vai trò là người chủ xướng - chỉ đạo và giám sát, Bác Hồ đã mượn mảnh vườn Trung Quốc ươm cho nước nhà khoảng 7300 hạt giống cách mạng hầu hết đủ đức vẹn tài, để rồi cùng với nhiều cán bộ sau này được đào tạo ở Liên Xô đi dựng xây “rừng hoa” cách mạng Việt Nam ở thế kỷ XX - một vườn hoa có sắc màu của Cách mạng tháng 8/1945, có chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, có Đại thắng mùa xuân 1975 và có cả công cuộc đổi mới đất nước hôm nay.
Kỷ niệm 122 năm ngày sinh Bác Hồ, điểm lại việc làm này của Người cũng là thêm một lần chúng ta nhận thức giá trị to lớn tư tưởng của Người về công tác chuẩn bị các thế hệ nhân tài cho đất nước; càng thấy được ý nghĩa to lớn của công tác cán bộ, từ khâu tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đến khâu sử dụng và đãi ngộ đối với sự tồn vong của một quốc gia dân tộc, thậm chí là đối với từng cơ quan, đơn vị, trường học, đặc biệt là tại tỉnh Nghệ An.
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2000, bản điện tử, tr.516.
(2) Hoàng Tranh: Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng nhân tài, Tạp chí Đông Nam Á, số 5/2010, tiếng Trung, tr.3.
(3) Theo tài liệu lưu giữ tại Nhà Lưu niệm Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, số 248 - 250 đường Văn Minh, quận Việt Tú, tp. Quảng Châu, TQ, bản tiếng Trung.
(4) Báo cáo của Tỉnh uỷ Quảng Tây về việc học sinh Việt Nam đến Quảng Tây học tập, Phòng lưu trữ tài liệu tỉnh Quảng Tây, bản tiếng Trung.
Bác Hồ ươm những hạt giống Cách mạng Việt Nam trên đất Trung Quốc
Lê Đức Hoàng