Ông Đỗ Xuân Lập chỉ ra 3 tồn tại vĩ mô của ngành gỗ hiện nay gồm: Sự mất cân đối giữa nguồn nguyên liệu rừng trồng và năng lực chế biến sâu; Tồn tại những rủi ro trong gian lận thương mại, trong đầu tư nước ngoài vào ngành và rủi ro về tính hợp pháp của nguồn
gỗ nguyên liệu nhiệt đới nhập khẩu phục vụ tiêu dùng nội địa.
“Đây là những rủi ro cản trở việc hoàn thành các mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD đến 2025 mà trước đó Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành”- Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhấn mạnh.
Thay mặt Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành ba mảng chính sách lớn tại hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất chế biến và xuất khẩu lâm sản tổ chức tại Nghệ An sáng 1/12. Ảnh: Phú Hương Theo ông Lập, việc giải quyết triệt để ba tồn tại vĩ mô trên là vấn đề sống còn đối với ngành gỗ Việt Nam; và để làm được việc này, ngành gỗ Việt Nam kiến nghị với Thủ tướng và các bộ ngành ba mảng chính sách lớn.
Nghệ An phát triển trồng và chế biến mủ cao su nhằm nâng cao hiệu quả rừng trồng. Ảnh: Phú Hương Thứ nhất:
Tái cấu trúc phân bố lại vùng chế biến gỗ gắn với vùng nguyên liệu, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, thị trường chiến lược và mặt hàng chiến lược dựa trên thế mạnh của Việt Nam. Điều này có thể thực hiện thông qua các cơ chế chính sách phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến sâu, xây dựng các khu công nghiệp tập trung, đặc biệt ở khu vực Miền Trung và Đông Bắc- nơi có nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng dồi dào.
“Chính phủ và các địa phương cần có chính sách lôi kéo đầu tư đủ mạnh nhằm thu hút doanh nghiệp; phát triển hệ sinh thái đi kèm chế biến sâu, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ thúc đẩy các hộ trồng rừng đi theo hướng tạo nguồn gỗ có chứng chỉ bền vững”- ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị.
Thứ hai:Chính phủ kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại, bao gồm cả các dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các dự án quy mô nhỏ, công nghệ giản đơn, sản xuất các mặt hàng có tín hiệu gian lận, có nguồn vốn từ Trung Quốc, giảm thâm hụt thương mại trong các mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Mỹ.
Cụ thể, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo tăng cường cơ chế về kiểm soát chống lẩn tránh, trốn xuất xứ, kiến nghị Bộ Công thương hỗ trợ thông tin, kỹ năng, kiến thức cho các Hiệp hội gỗ về phản biện trong lĩnh vực này; kiến nghị Bộ Tài chính, đặc biệt là Tổng cục Hải quan, tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu bán thành phẩm đã qua sơ chế để sản xuất các mặt hàng gỗ đang bị áp thuế chống bán phá giá của Mỹ.
Người dân Tân Kỳ chủ yếu vẫn đang trồng rừng gỗ nhỏ. Ảnh: tư liệu Văn Trường Về khía cạnh gian lận trong đầu tư, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ Kế hoạch đầu tư và UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt với các tỉnh miền Đông Nam Bộ nơi có sự hiện diện lớn của các doanh nghiệp FDI, kiểm tra chặt chẽ khâu đầu tư FDI, nhất là các dự án đầu tư vào các nhóm sản phẩm có rủi ro cao về gian lận thương mại- những mặt hàng bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá.
Bên cạnh đó, nhằm giảm thâm hụt thương mại về các mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Mỹ, Chính phủ cần ban hành các chính sách khuyến khích sử dụng gỗ nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Hoa Kỳ không những cho các mặt hàng xuất khẩu mà cả cho tiêu dùng trong nước.
Thứ ba: Loại bỏ hoàn toàn nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu là gỗ tự nhiên có tín hiệu rủi ro bất hợp pháp. Hiện các cáo buộc liên tiếp của các tổ chức môi trường đang làm tổn hại trực tiếp đến ngành.
Do vậy, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm thời dừng việc nhập khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ là gỗ tự nhiên từ Campuchia và từ Lào. Trong tương lai, đề nghị Thủ tướng chính phủ giao Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương thiết lập cơ chế đàm phán song phương với Campuchia và Lào, để đảm bảo gỗ nhập khẩu minh bạch, hợp pháp từ nguồn này, sau đó mới cân nhắc khả năng cho nhập khẩu trở lại.
Chế biến gỗ tại Nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn. Ảnh: Phú Hương Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành tăng cường kiểm soát chặt chẽ luồng nhập khẩu gỗ tự nhiên từ châu Phi, đặc biệt là từ Cameroon theo tinh thần của Nghị định 102 về Quy định Đảm bảo Gỗ Hợp pháp; giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT nhanh chóng làm việc với các quốc gia Châu Phi cung cấp gỗ cho Việt Nam để thúc đẩy thiết lập chương trình thương mại gỗ hợp pháp và bền vững giữa Việt Nam và các quốc gia này.
Đại diện hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng chương trình phát triển thị trường nội địa theo hướng ưu tiên sử dụng gỗ rừng trồng, sản phẩm gỗ rừng trồng, gỗ nhập khẩu từ các nguồn rủi ro thấp; quảng bá, khuyến khích nhằm thay đổi thói quen sử dụng gỗ rừng tự nhiên là gỗ nhập khẩu từ các nguồn rủi ro.
Đặc biệt, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo việc xây dựng chính sách chính sách mua sắm công đối với đồ gỗ theo hướng loại bỏ các sản phẩm làm từ gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu từ các vùng địa lý không tích cực, loại bỏ các loại gỗ rủi ro, thay thế bằng gỗ rừng trồng và các loại gỗ nhập khẩu từ các nguồn đảm bảo hợp pháp, đặc biệt từ Mỹ.
Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam ra mắt Quỹ Việt Nam xanh. Ảnh: Phú Hương “Phát triển thị trường nội địa theo hướng loại bỏ gỗ nhập khẩu rủi ro ra khỏi chuỗi cung, khuyến khích sử dụng gỗ rừng trồng không những đảm bảo việc thực hiện các cam kết của Chính phủ trong Hiệp định Đối tác Tự nguyện mà còn giúp nâng cao hình ảnh của ngành gỗ Việt trên trường quốc tế. Đồng thời tạo cơ hội cho hàng triệu hộ dân hiện đang tham gia vào khâu trồng rừng nguyên liệu, trực tiếp góp phần cải thiện sinh kế người dân”- ông Đỗ Xuân Lập khẳng định.