Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh,mặc dù tình hình kinh tế trong nước cũng như quốc tế chịu ảnh hướng không nhỏ từ dịch COVID-19 nhưng ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của nước ta vẫn đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của nước ta trong năm 2020, góp phần duy trì đà phát triển xuất khẩu trong bối cảnh trong nước và quốc tế đều gặp khó khăn.
10 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ, lâm sản đạt 9,78 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 4,56 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 46,7% giá trị xuất khẩu ngành chế biến gỗ, lâm sản trong 10 tháng.
Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới hướng tới việc tạo ra một môi trường kinh doanh cởi mở, thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ, đầu tư sản xuất sản phẩm gỗ. Về thuế suất, các nước ký Hiệp định thường đưa ưu đãi mức thuế nhập khẩu về 0% ngay hoặc trong 4-6 năm cho ngành gỗ Việt Nam; giúp nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm gỗ Việt Nam với sản phẩm từ các nước xuất khẩu gỗ khác.
Tuy nhiên, cùng với các cơ hội và thuận lợi nêu trên, ngành gỗ đã, đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong thời gian tới do yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan.
Tăng cường mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại
Để phát huy thế mạnh, tiềm năng của ngành chế biến gỗ, và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong những năm tới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy chế biến, xuất khẩu gỗ.
Về công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại,ông Cao Quốc Hưng cho biết Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phổ biến lợi ích mà các Hiệp định này mang lại để hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tối ưu thị trường. Đồng thời Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các thị trường mới nổi, tiềm năng.
Để tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho ngành, chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính, các địa phương bố trí kinh phí cho các chương trình đào tạo nguồn nhân lực của ngành công nghiệp gỗ, XTTM, xây dựng quảng bá thương thiệu ngành gỗ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ưu tiên triển khai các chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề, đảm bảo cung ứng nhân lực cho ngành sản xuất, chế biến gỗ; hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề trong việc đào tạo thiết kế nội ngoại thất.
Về nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc cũng như phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác lợi thế hiện có của ngành chế biến gỗ hướng tới đạt được các mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1137/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường tận dụng cơ hội từ các Hiệp định FTA thông qua đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ưu đãi FTA, hướng tận dụng và cách tận dụng ưu đãi FTA, hướng dẫn các doanh nghiệp hiểu rõ và nắm được quy tắc xuất xứ của nước nhập khẩu; tổ chức việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo hướng hiện đại hóa, điện tử hóa, tăng cường triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.
"Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và trên cơ sở lợi thế về điều kiện tự nhiên, lao động, sản xuất tại địa phương để phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực và có kế hoạch thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến các mặt hàng này hướng tới xuất khẩu; có định hướng xuất khẩu phù hợp và cụ thể đối với những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của địa phương" - Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đề nghị.