Chiều 8/9, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp bàn về chiến lược phát triển lâm nghiệp tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030. Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND chủ trì cuộc họp.
Độ che phủ rừng đạt 58,5%
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, những năm qua Nghệ An đã thực hiện tốt công tác bảo vệ vốn rừng, hiện có 965.056 ha đất có rừng, độ che phủ rừng đạt 58,5%. Bình quân hàng năm toàn tỉnh trồng được 15.000 ha rừng nguyên liệu. Kim ngạch gỗ xuất khẩu và lâm sản ngoài gỗ tăng từ 30 triệu USD năm 2010 lên 221,2 triệu USD năm 2019. Hệ thống công ty lâm nghiệp cơ bản được chuyển đổi sắp xếp, phù hợp với chức năng và yêu cầu.
Nghệ An tích cực hợp tác quốc tế, khai thác nguồn vốn của ODA, Ngân hàng Thế giới… để triển khai một số vấn đề cấp thiết trong phát triển lâm nghiệp như các vấn đề về đất đai, nguồn vốn cho phục hồi rừng tự nhiên, chế biến lâm sản và xóa đói giảm nghèo. Chỉ tính trong giai đoạn 2010-2020 toàn tỉnh thu hút đầu tư về lâm nghiệp 161.580 triệu đồng.
Tuy nhiên ngành lâm nghiệp Nghệ An vẫn đang còn những tồn tại, khó khăn. Như công tác đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất lâm nghiệp còn chậm, kinh tế hộ nhỏ lẻ. Quỹ đất lâm nghiệp lớn, song công tác quy hoạch và phân chia 3 loại rừngcòn chậm được điều chỉnh. Công tác giao đất giao rừng còn chậm, chất lượng rừng bị suy giảm (hiện 60% diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo). Chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực trồng rừng.
Phát triển lâm nghiệp phù hợp với tái cơ cấu ngành
Tại cuộc họp, đại diện của các ban, ngành liên quan đã đóng góp các ý kiến để hướng tới mục tiêu, phát triển ngành Lâm nghiệp giai đoạn 2020-2035.
Giai đoạn 2020-2035 ngành lâm nghiệp Nghệ An đưa ra mục tiêu: Ổn định độ che phủ rừng 58,5%, quỹ đất lâm nghiệp đảm bảo 1,5 triệu ha. Đảm bảo diện tích khai thác rừng trồng luôn đạt 20.000 ha/năm.
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ có các chính sách và nguồn lực đầu tư cho hoạt động quản lý, bảo vệ khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên. Hình thành khu, cụm công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ có diện tích tập trung đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng cao…
Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu ghi nhận những nỗ lực của ngành lâm nghiệp thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh, mục tiêu tổng quát và tầm nhìn của quy hoạch lâm nghiệp phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà giai đoạn 2021-2030, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Để phát huy tiềm năng lợi thế, cần phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo vùng sinh thái, gắn an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Phát triển lâm nghiệp phù hợp với tái cơ cấu ngành, với xu thế chung của thế giới với mục tiêu tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu...