(Baonghean) -Từ khi công trình Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) đi vào hoạt động, khu vực thượng nguồn sông Nậm Nơn trở thành biển nước mênh mông, nhiều chỗ mực nước sâu hàng trăm mét, mặt hồ rộng hàng chục cây số. Hàng ngày, rất nhiều thuyền máy chở khách đi lại trong lòng hồ với tốc độ cao, nhưng chủ phương tiện không trang bị áo phao cho khách; nên, ẩn họa giao thông khôn lường luôn rình rập...

Theo quan sát, mỗi sáng tại bến Thượng Lưu (tức khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ đoạn qua xã Yên Na, huyện Tương Dương) có hàng chục thuyền bè đã tập kết chờ sẵn để đưa khách có nhu cầu đi vào vùng lòng hồ. Hằng ngày, nơi đây còn có hàng trăm chuyến thuyền máy chở người và hàng hóa vào ra lòng hồ, do vẫn còn hàng nghìn hộ dân thuộc hai huyện biên giới Tương Dương và Kỳ Sơn không thuộc diện di dời vẫn đang sống trong đó. Tập trung đông nhất vẫn là bà con các xã Nhôn Mai, Mai Sơn, Hữu Khuông (huyện Tương Dương) và Mường Lống, Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn). Việc đi lại của bà con hầu hết bằng đường thủy, mà chủ yếu phải dùng thuyền máy với tốc độ cao. Thế nhưng, các chủ phương tiện ở đây không mấy khi trang bị phao cứu sinh cho khách, hoặc có thuyền trang bị nhưng cũng chỉ treo để thỉnh thoảng đối phó với cơ quan chức năng kiểm tra.

785723_small_86229.jpg

Mỗi chiếc thuyền nhỏ này thường chở tới 12 người và chạy với tốc độ
rất nhanh.

Trong chuyến ngược lòng hồ, chúng tôi được một chủ thuyền tên là Vi Thị Lài đưa lên thuyền máy do chồng bà điều khiển. Mặc dù thuyền nhỏ nhưng chở đến 12 người, đó là chưa kể hàng hóa của chủ và khách mang theo. Thuyền không hề có áo phao. Một khách hàng trong đoàn xin áo phao thì chủ phương tiện trả lời: “Không sợ gì cả, chúng tôi đi nhiều quen rồi”. Chiếc thuyền chạy được khoảng 4 tiếng đồng hồ thì ông chồng nhường lái cho vợ tiếp tục điều khiển, trong khi chị này chưa hề có giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.

Hiện trong lòng hồ rất nhiều người không có giấy phép điều khiển phương tiện nhưng vẫn dùng thuyền máy chở khách, chở hàng. Tại bến thuyền xã Hữu Khuông, có rất nhiều chiếc thuyền nhỏ được gắn máy nổ với công suất cao. Từ người già đến phụ nữ và trẻ em cũng có thể cầm lái điều khiển thuyền máy đi lại trong lòng hồ một cách rất mất an toàn. Thấy tôi không bằng lòng lên thuyền lớn vì không có áo phao, người đàn ông điều khiển phương tiện có tên Lương Văn Hồng giơ lên chục vỏ can nhựa với ý, nếu thuyền lật thì đã có nó để cứu sinh rồi!

Một lái thuyền người Yên Na tiết lộ, thỉnh thoảng mới có đoàn CSGT đường thủy của huyện Tương Dương đi kiểm tra, nhưng họ thường đón ở khu vực hạ lưu. Vì khu vực này có sóng điện thoại di động nên mỗi khi phát hiện CSGT thì các chủ phương tiện thường cho thuyền của mình nép vào bờ và gọi thuyền bạn, loại thuyền có đầy đủ giấy phép hoạt động và trang bị phao cứu sinh chạy đến ứng cứu. Hoặc không ít phương tiện bị cơ quan chức năng phát hiện bị xử lý, nhưng nộp phạt hôm nay, ngày mai họ vẫn hoạt động như thường.

Ông Vi Tân Hợi - Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, huyện liên tục chỉ đạo Công an huyện kiên quyết xử lý tàu, thuyền vi phạm an toàn giao thông đường thủy trong lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Hầu hết tàu thuyền ở đây đều được trang bị phao cứu sinh, nhưng chủ phương tiện không thực hiện, số thì không mang theo, hoặc mang theo mà không trang bị cho người dân. Vừa qua, huyện đã xử lý một loạt chủ phương tiện, nhưng xử lý rồi họ lại tiếp tục vi phạm.


Phan Sáng