(Baonghean) - Lâm trường Cô Ba được quy hoạch trở thành một trong những vùng trồng cây cao su trọng điểm của Công ty TNHH 1TV LNN Sông Hiếu, do vậy lâm trường đang từng bước đổi mới cơ cấu cây trồng phù hợp để bảo đảm diện tích phát triển cây cao su. Do đặc thù của loại cây cao su chỉ phù hợp với vùng đất tốt và độ dốc dưới 30 độ, nên sau khi khảo sát tại Lâm trường Cô Ba, có khoảng hơn 2.000 ha trên 8.000ha đang quản lý phù hợp với cây cao su.

785788_small_86301.jpg

Vườn ươm giống cao su ở Lâm trường Cô Ba.

Năm 2011, Lâm trường Cô Ba bắt đầu thực hiện việc trồng cây cao su trên diện tích 50 ha tại xã Châu Bình. Được Công ty TNHH 1TV LNN Sông Hiếu hỗ trợ vốn, kỹ thuật, lâm trường đã mua giống cây từ Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam tại huyện Cát Lái, tỉnh Bình Dương về trồng. Được đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật, 50 ha cây cao su phát triển tốt và sau gần 2 năm trồng trên đất Quỳ Châu, hiện đã cao 4 – 5m. Các chuyên gia của Viện đã đánh giá cao về triển vọng của cây cao  su tại vùng đất Quỳ Châu. Vì vậy, năm 2012 này, lâm trường tiếp tục đầu tư phát triển thêm 50 ha cao su. Hiện nay, diện tích mới trồng phát triển tốt. Ông Đặng Văn Nghị - Phó Giám đốc Lâm trường Cô Ba cho biết: “Quy hoạch diện tích cao su của lâm trường là  2.000 ha và được trồng tại tiểu khu 198, 204 và 218, nên ở một số địa điểm cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư phù hợp và để đáp ứng yêu cầu kỹ  thuật trồng cây cao su, đồng thời phát triển nhanh diện tích, cần mở đường giao thông để đưa các phương tiện, máy móc vào hỗ trợ cùng cán bộ của lâm trường đào hố, đào rãnh… Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ trồng cây cao su tại lâm trường”. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, lãnh đạo Công ty TNHH 1TV LNN Sông Hiếu cho hay, Công ty hiện có “dàn” xe máy, thiết bị hiện đại phục vụ cho việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và trong thời gian tới sẽ phối hợp, hỗ trợ cùng Lâm trường Cô Ba từng bước khắc phục  tình trạng trên, để bảo đảm thực hiện đúng kế hoạch trồng cây cao su.

Do mua giống cây cao  su từ Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam về trồng nên giá thành đắt và không chủ động được sản xuất, Lâm trường Cô Ba đã quyết định lập vườn ươm giống cao su ngay tại Quỳ Châu, cử cán bộ kỹ thuật vào Viện ở Bình Dương để học hỏi kinh nghiệm, mời cán bộ Viện về cùng làm vườn ươm, nên việc làm này đã thành công.  Ông Tô Văn Dũng – đội trưởng đội vườn ươm cho biết: “Hiện trên diện tích 2 ha, Lâm trường Cô Ba đã tạo được 3 loại giống cây là RRIM 600, RRIC 121 và lai hoa. Các loại giống cây này rất phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu của miền Trung và sẽ cho mủ chất lượng tốt. Hiện nay, tại vườn ươm, đã có 1,5 vạn giống cây và với số lượng đó sẽ bảo đảm cung cấp đủ giống cho vụ trồng sắp tới. Việc sản xuất được giống cây cao su giúp cho lâm trường chủ động được sản xuất và tiết kiệm được nguồn vốn đầu tư và giải quyết 20 lao động có việc làm ổn định”.

Sự khởi đầu thuận lợi của cây cao su trên đất Quỳ Châu đã và sẽ là động lực để Lâm trường Cô Ba mạnh dạn đầu tư phát triển nhanh diện tích loại cây trồng mới này, đồng thời làm mô hình cho nhiều nơi học tập trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác hiệu quả tài nguyên đất rừng.


Hoàng Vĩnh