(Baonghean) - Tháng 5 là tháng thiên nhiên có nhiều sắc, vị. Hoa phượng rực rỡ sân trường, bằng lăng tím trên hè phố. Những ao làng tỏa hương sen ngan ngát và bao thứ quả tìm tháng Năm, tìm mùa hè mà chín. Quả vấn vít vào quả, hoa khoe sắc vào hoa, hương tỏa ngát vào hương. Một mùa hạ chín dậy trong lòng người...
 
Mùa hạ chín khi cánh đồng lúa đang vào vụ gặt, những thảm lúa vàng hươm cả ngọn gió đồng, nặng trĩu những bông lúa uốn câu. Mùa hạ chín khi khói bếp dậy thơm mùi cơm mới. Ngọn khói thật lạ lùng. Có gì đó mỏng manh, mà lan tỏa nâng nhẹ bổng cả người. Khói thơm hay khói chín. Ngọn khói rủ rê và tâm tình hong khô lại những nỗi niềm, những ký ức qua cánh đồng sương tuổi ấu thơ để đến “Bây giờ sống mũi vẫn còn cay” (thơ Bằng Việt).
 
Và nắng, nắng như một nhiệt năng nhiệt lượng vô hình kích hoạt bung nở hết mình của các loài hoa từ sắc đến hương, từ hương đến quả như một ân nghĩa sinh thành tròn đầy mọng căng và chín. Tôi chợt nhớ đến câu thơ thật ám ảnh của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khi ông thảng thốt nhận ra chúng con thì lớn lên mà: “những bí những bầu thì lớn xuống” hướng tâm về đất. Cội rễ là ở đây, hương sắc cũng bắt đầu từ đó. 
 
images1168731__nh_qu_c_d_n.jpgMùa phượng vui. Ảnh: Quốc Đàn
Nhiều lúc tôi ngẩn ngơ nhìn lên vòm trời mùa hạ xanh ngắt, cái màu xanh đến thót lòng mà: “Trời thì xanh như rút ruột mà xanh - Cây thì biếc như vặn mình mà biếc” (thơ Thi Hoàng). Và bất chợt tôi nhận ra: “Mùa hạ chín khi trời còn xanh vỏ - Quả chín trên cây giấu một nỗi xanh trời”. Vỏ trời, da trời còn sượng lắm. Lúc hạ tưng bừng, lúc lúa chín tràn trề cũng là lúc những cơn bão lại rập rình ngoài khơi.
 
Bão giấu mặt sau những đám mây trắng mỏng có vẻ vẩn vơ đến nghi ngờ. Người nông dân, những người bạn nhà nông vui được mùa. Được mùa cả mồ hôi và nước mắt. Những ruộng dưa bời bời nỗi niềm. Quả dưa hấu như mặt trời của mùa hạ có lúc chín nẫu trong nỗi lo âu khi bị rớt giá.
 
Và may thay thiên nhiên thật ân tình độ lượng, cân bằng sinh thái để không bao giờ thái quá. Cho và nhận, được và mất, âu đó cũng là vòng quay tạo hóa như quy luật bồi lở sông quê. Và mùa hạ đã chín trong mùa yêu thương, cảm thông, chung tay chia sẻ của ân nghĩa cộng đồng.
 
Mùa hạ chín cũng là lúc tiếng ve bắt đầu da diết ngân vang. Ve làm tổ, luyện giọng, lọc tiếng trong lòng đất. Từ trứng hóa thành kén, từ kén nở thành ve để bản nhac hòa tấu, hợp âm lọc qua mưa, qua nắng, lúc giáng lúc thăng, lúc bổng lúc trầm nhưng “ve sầu” không bao giờ sầu bi, buồn nản mà lay động lạ lùng. Ve chín trong âm thanh của chính mình, trong âm thanh mùa hạ...
 
Nhà văn Nguyễn Ngọc Phú