(Baonghean) - Đã bốn năm nay bà Lãm bỏ ăn sáng, bà bỏ ăn không phải vì cái bụng không róc rách mà vì bà muốn nhường suất ăn sáng thường là một bát cơm nguội hoặc nửa gói mì tôm cho vợ chồng Viết.
Bà bảo, ở nhà chỉ quanh quẩn nấu cơm, quét dọn nhà cửa nên không đói, còn vợ chồng Viết phải đi làm đồng, ăn sáng cho no để có sức mà làm. Không ăn sáng nhưng bà cũng không có thói quen dậy muộn, bà dậy sớm quyét dọn nhà cửa, ra chuồng gà thả mấy con gà ra, cho nó nắm thóc. Khi hai vợ chồng Viết chở hai đứa con đi học rồi đi làm đồng luôn, bà Lãm lấy bao diêm bỏ vào túi áo, rời nhà đi ra chợ làng. Bà lấy mười ngàn được mừng tuổi hồi tết mua nải chuối, thẻ hương và tập tiền giấy rồi đi đến ngôi miếu ở đầu làng. Bà lấy bốn nén hương, bật diêm châm lửa, cắm vào các bát hương, còn thiếu một bát chưa có hương, bà lấy tiếp một nén hương nữa châm lửa. Cắm xong nén hương cuối cùng, bà khấn thần linh:
- Con lậy thần linh hãy cho con đi ăn mày được may mắn, vì vợ chồng người con nuôi cũng túng bấn lắm!
Bà vái ba vái, hóa vàng rồi đi ra khỏi ngôi miếu. Bà không quay về nhà mà lụt cụt đi ra phía cánh đồng. Đã lâu lắm rồi bà mới có dịp ra cánh đồng làng, nơi cả đời bà lam lũ nhưng cũng là nơi quá đỗi thân thương với bà. Bà nhớ mùi bùn non, mùi hương lúa trổ bông, mùi mồ hôi mặn chát của chính mình. Từ ngày già yếu, hai sào ruộng của bà, bà cho vợ chồng Viết cấy, coi như bà góp gạo thổi cơm chung.
Bà đi xuyên qua cánh đồng đang vào thì con gái. Cánh đồng thì mênh mông, bà thì liêu xiêu bé nhỏ như cánh cò bay lả ngược chiều gió. Thi thoảng bà cúi xuống ve vuốt những lá lúa xanh mơn mởm, bà hít hít mùi lúa, những cây lúa rung rinh vẫy chào bà, một bà lão nông dân thân quen. Lên bờ mương, bà rẽ phải đi vào con đường chạy dọc bờ sông, bà đi xa, xa mãi cho đến khi phải leo lên một cái cầu để thoát hẳn khỏi làng thì bà dừng lại. Chiếc cầu bắc qua sông, nối hai xã, nó không dài nhưng khá cao, dòng sông thì chảy xiết.
Ngày còn thời con gái, nhà bà làm bún, bà vẫn gánh bún đi đổi, qua cái cầu này thoăn thoắt, bây giờ nó đang là vật cản để bà dừng bước. Đứng thở một lúc, lấy lại sức, bà bắt đầu leo lên cầu, từng bước, từng bước. Lên được đến trên mặt cầu, bà hoa mắt, bước hụt xuống dòng sông. Thời con gái, bà vẫn hay ra sông bơi, té nước nô đùa với đám bạn cùng làng nhưng bây giờ thì bà không thể. Dòng nước chảy mạnh cuốn bà đi. Cái ý nghĩ cuối cùng của bà trước khi ngất đi là thần linh ở miếu làng đã giải thoát cho bà. Nhưng thần linh chỉ thử thách bà mà không cho bà ra đi trong cô đơn, buồn đau cho nên khi bà mở mắt tỉnh lại đã có tiếng reo lên sung sướng:
- Bà tỉnh rồi!
Bà Lãm tưởng đó là tiếng kêu của Viết nhưng không, tiếng kêu của anh Khảo - một người đàn ông trạc tuổi Viết. Vậy là bà hiểu người này đã cứu bà thoát khỏi cái chết. Người đàn ông rối rít gọi vợ mang cháo đến. Từ dưới bếp, chị Lan bưng bát cháo lên. Người chồng bảo may quá, bà đã tai qua nạn khỏi. Cô vợ bê bát cháo lại cạnh chỗ bà dỗ dành:
- Bà ăn tí cháo cho lại người!
Chẳng đợi bà trả lời không hay có, chị Lan lấy thìa xúc cháo, ghé vào miệng bà. Đôi mắt bà ứa lệ vì xúc động, chưa bao giờ bà được ai bón cháo, ngay cả những lần ốm tưởng chết, vợ chồng Viết cũng không bao giờ nấu cháo cho bà chứ đừng nói là bón cháo. Bà hớp hớp từng tí cháo. Cháo gà nóng có hành làm cho người bà nóng lên. Đến chiều thì bà có thể ngồi dậy được, anh Khảo hỏi nhà bà ở đâu để đến báo kẻo con cháu lo âu, đi tìm. Bà khẽ lắc đầu, nước mắt bà lại ứa ra nhiều hơn, bà kể qua cho vợ chồng anh Khảo nghe về tình cảnh của mình. Cả hai vợ chồng Khảo đều lặng đi vì thương bà. Anh Khảo bảo:
- Cả hai vợ chồng cháu đều bị mất mẹ từ sớm, nhiều lúc thèm một tiếng gọi mẹ mà không được. Vậy bà ở lại nhà chúng cháu, vợ chồng cháu xin phép được coi bà là mẹ!
Bà bảo chả dám làm phiền hai vợ chồng, bà chỉ xin ở thêm một vài hôm cho khỏe rồi bà ra đi. Chị Lan gật đầu, cả hai đi đến bên bà, quỳ xuống:
- Mẹ hãy tin vợ chồng chúng con, chúng con xin nhận mẹ làm mẹ nuôi từ tấm lòng, nếu có toan tính gì thì xin giời cao trừng phạt!
Nói xong, vợ chồng anh Khảo đi đến bàn thờ, thắp hương, khấn vái mẹ đẻ hãy cho phép hai vợ chồng được nhận người mẹ nuôi này cho vui cửa vui nhà, cho các cháu được gọi tiếng bà. Nếu hai vợ chồng ăn ở thất đức xin mẹ cứ ra tay xử phạt. Lời khấn của vợ chồng anh Khảo khiến bà Lãm cảm động, bà cảm nhận được tấm lòng chân thật của vợ chồng Khảo. Bà bảo thật phúc đức cho bà gặp được vợ chồng anh Khảo, bà xin nhận hai vợ chồng làm con nuôi nhưng bà chả có gì cho hai con cả. Vợ chồng anh Khảo mừng quá, ôm lấy bà Lãm như thể ôm người mẹ đẻ đi xa lâu ngày mới gặp.
Buổi chiều, hai đứa con của vợ chồng anh Khảo đi học về, anh Khảo dẫn cái Nhị, thằng Tuất đến trước mặt bà Lãm khoanh tay chào bà, bảo đây là bà nội. Chúng ríu rít bên bà như bầy chim non bên mẹ. Bà mừng mừng, tủi tủi trước niềm vui mà không bao giờ dám nghĩ tới.
Đêm ấy, bà Lãm ngủ riêng một phòng trên tầng hai. Bà lại ho, do bị ngấm nước lạnh nên bà càng ho nhiều hơn, to hơn. Bà cũng đã cố lấy khăn bịt mồm mỗi lần ho nhưng tiếng ho dù nhỏ song vẫn vọng lên tầng ba nơi vợ chồng anh Khảo đang ngủ. Chị Lan đi xuống, vào phòng bà hỏi:
- Bà bị cảm lạnh rồi, để con đánh gió cho.
Chị Lan lấy lọ dầu gió đánh gió cho bà Lãm, bà bảo bị ho từ mấy hôm rồi. Chị Lan nói bà cố chịu đến sáng mai rồi đưa bà đi bệnh viện khám. Sáng hôm sau, anh Khảo đưa bà đến bệnh viện khám, bà ngại lắm, bà chưa giúp được việc gì cho vợ chồng anh Khảo mà đã làm cho vợ chồng anh phải lo lắng, tốn tiền đưa bà đi khám bệnh. Bà Lãm nói không cần phải đi khám, cứ ra hiệu thuốc mua cho bà ít thuốc ho, uống là khỏi. Vợ chồng anh Khảo không nghe, nằng nặc đòi bà đi viện khám.
Bác sỹ khám, chụp X.Q, bà bị viêm phế quản, chỉ cần mua thuốc về uống mà không phải nằm viện. Bà uống thuốc được bảy ngày thì cơn ho bớt hẳn, anh Khảo không làm trong ngành y nhưng có kiến thức, kinh nghiệm trong việc chữa bệnh. Bà uống bảy ngày kháng sinh, chắc đã hết viêm phế quản nhưng vẫn còn ho do khí huyết nên anh cho bà uống tiếp một loại thuốc Nam mà anh và cả nhà vẫn hay dùng. Quả nhiên uống thuốc thêm bốn ngày nữa thì bệnh ho của bà Lãm khỏi hẳn, đêm đêm bà không còn ho mà ngủ ngon giấc đến gần sáng.
Bà Lãm sung sướng lắm, bà sung sướng không hẳn vì khỏi ho mà quan trọng là đêm đêm bà không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của mọi người. Sức khoẻ của bà ngày một tốt hơn do được ăn uống đầy đủ và điều quan trọng bà được thoải mái về tinh thần. Vợ chồng anh Khảo chăm sóc bà như chăm sóc người mẹ đẻ ra mình, hai đứa cháu cũng luôn quấn quýt bên bà. Bà không hiểu được lòng người, không giải thích được bản tính con người bằng những suy tính, so bì, bà chỉ một điều tâm niệm niệm trong đầu, bà ăn ở hiền lành nên được thần linh ở miếu làng che chở.
Truyện ngắn của nhà văn
Vũ Đảm (Hà Nội)