Nhiều điểm đến hấp dẫn
Đến với Quế Phong, du khách không thể không ghé thăm đền Chín gian ở xã Châu Kim. Đền được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2016.
Đây là di tích lịch sử, văn hóa có nguồn gốc lâu đời gắn liền với quá trình hình thành các bản mường của đồng bào Thái miền Tây Bắc Nghệ An nói chung và huyện Quế Phong nói riêng. Gắn với di tích có Lễ hội Đền Chín Gian được tổ chức từ ngày 14 - 16/2 âm lịch hàng năm và 3 năm tổ chức một lần với quy mô cấp vùng.
Cũng tại xã Châu Kim, thực hiện Nghị quyết 07/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An về việc hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Quế Phong đã khảo sát và lựa chọn 3 hộ gia đình tại bản Cọ Muồng để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.
Sau 1 tháng triển khai xây dựng, đến nay mô hình đã hoàn thiện, mở cửa đón tiếp những đoàn khách đầu tiên. Đến đây, du khách được tự mình trải nghiệm trên khung cửi để dệt vải, xe tơ, được trải nghiệm lao động, sản xuất cùng bà con… được hòa mình trong điệu nhảy sạp, khắc luống rộn ràng và ngây ngất trong men rượu cần nồng nàn.
Ngoài 2 điểm nói trên, từ trung tâm huyện, du khách có thể đi ngược Quốc lộ 48 khoảng 7 km, rẽ trái để di chuyển đến thác Sao Va có độ cao trên 20m, đổ xuống mặt hồ rộng trong xanh, xung quanh là rừng núi nguyên sinh với nhiều loài hệ thực vật. Từ đây du khách tiếp tục cuộc hành trình khám phá làng Thái cổ tại bản Hủa Mướng, xã Hạnh Dịch. Đây là bản có 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống.
Sau 1 ngày trải nghiệm cùng bà con tại bản Thái cổ, du khách có thể hành trình khám phá quần thể thác Bảy Tầng bắt đầu từ cuối bản Hủa Mướng, trải dài khoảng 15 km với 7 tầng nước lớn và hàng chục tầng thác nhỏ khác nhau. Mỗi tầng được đổ từ độ cao xuống hàng chục mét, bên dưới các thác nước có nhiều bãi tắm rộng hàng chục m2, du khách đến đây được thả mình trong dòng nước trong xanh, mát lành, được đắm mình trong khu rừng nguyên sinh, hùng vĩ của núi rừng, đang còn nguyên vẻ hoang sơ...
Nằm trong 3 vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An còn có Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có diện tích hơn 85.000 ha nằm trên 9 xã thuộc huyện Quế Phong. Đến đây du khách có thể khám phá thảm thực vật rừng nguyên sinh đã được bảo vệ từ hàng trăm năm, tham quan các cảnh đẹp hoang sơ với nhiều loại động, thực vật quý hiếm. Được trải nghiệm du lịch mạo hiểm leo núi Pù Hoạt với độ cao 2.400m, tham quan 2 quần thể cây phay sừng và samu dầu khổng lồ giữa đại ngàn Pù Hoạt đã được công nhận là quần thể cây Di sản Việt Nam năm 2016.
Từ các khu rừng nguyên sinh, du khách có thể trải nghiệm tua du lịch khám phá lòng hồ thủy điện Hủa Na, trải dài trên địa bàn 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ. Đến đây, ngoài được tham quan, ngắm cảnh bằng thuyền chạy trên mặt hồ rộng hơn 21 km2, còn có thể câu cá trên lòng hồ, thăm thú những mỏm đảo được hình thành từ quá trình ngập nước…
Mục tiêu năm 2025 thu hút 12.000 lượt khách nội địa
Với những lợi thế trên, trong những năm qua huyện Quế Phong đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành Đề án và triển khai thực hiện công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Giai đoạn 2015 - 2020, huyện đón tiếp khoảng 8.000 lượt khách/năm, trong đó lượt khách lưu trú chiếm khoảng 10-12%. Thu nhập liên quan đến du lịch chủ yếu từ việc kinh doanh ăn uống, lưu trú, bán các mặt hàng nông sản và từ các loại dược liệu của địa phương, tổng doanh thu ước đạt từ 13 tỷ đồng/ năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Để khai thác, phát huy tốt các nguồn lực, tài nguyên du lịch, tận dụng các cơ hội thuận lợi sẵn có của địa phương, tạo bước phát triển mạnh mẽ về KT-XH nói chung và phát triển du lịch huyện nhà nói riêng, UBND huyện Quế Phong ban hành “Đề án phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Quế Phong, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, Đề án được xây dựng với quan điểm phát triển du lịch gắn liền với quá trình chuyển dịch kinh tế; giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường; đảm bảo ANQP, trật tự ATXH. Tăng cường liên kết du lịch với các địa phương lân cận, trước mắt là hình thành, phát huy hiệu quả các tuyến du lịch nội tỉnh gắn với Quế Phong. Tuân thủ quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của địa phương và tuân thủ các quy hoạch xây dựng liên quan khác.
Để Đề án đạt hiệu quả, cùng với khắc phục những hạn chế, tồn tại, trong định hướng phát triển, huyện chú trọng xây dựng các tour, tuyến. Cụ thể:
Tuyến 2 (2 ngày; 2 đêm):Đền Chín Gian - Thác Sao Va - Khám phá trải nghiệm rừng cây samu, phay sừng - Tham quan trải nghiệm tại quần thể thác Bảy Tầng - Khách nghỉ tại homestay, thưởng thức văn hóa ẩm thực, văn hóa, văn nghệ dân gian bản Long Thắng (làng Thái cổ) - Tìm hiểu văn hóa bản địa, trải nghiệm cuộc sống của người dân qua công việc đồng áng, trồng trọt, chăn nuôi, trải nghiệm câu cá, chèo thuyền trên sông Nậm Việc - Khách nghỉ tại homestay, thưởng thức ẩm thực, văn hóa văn nghệ dân gian tại bản Quang Vinh, xã Hạnh Dịch.
Mục tiêu của Đề án phấn đấu đến năm 2025 thu hút được 800 - 1.000 lượt khách du lịch quốc tế, 10.000 - 12.000 lượt khách nội địa; năm 2030 thu hút được 1.200 - 1.500 lượt khách du lịch quốc tế, 15.000 - 17.000 lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ hoạt động du lịch, năm 2025 đạt từ 18 - 20 tỷ đồng; năm 2030 đạt từ 22 - 25 tỷ đồng. Phấn đấu năm 2025 giải quyết việc làm cho 150 lao động. Năm 2030 là 200 lao động (trong đó có 50% lao động được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch).