(Baonghean) - Vùng quê nghèo nắng gió Nghệ An đã thay đổi cuộc đời của viên phi công trong biên chế lực lượng Hải quân thuộc quân đội Hoa Kỳ.
Vị khách đặc biệt
Một buổi chiều mùa Đông năm 2014. Trời cuối năm gió rít liên hồi. Lạnh buốt. Giờ này ga Vinh vắng ngắt, vậy nên cái quán cà phê nhỏ trên đường Phan Bội Châu cũng lạnh hoe. “N0 1 Coffee” là tên chiếc quán cà phê nhỏ do Hoàng Thị Hải làm chủ.
Hải đang chuẩn bị dọn quán nghỉ thì bất ngờ có một vị khách nước ngoài bước vào. Người đàn ông vóc người dong dỏng, gương mặt lành hiền vẫy tay ra hiệu một ly cà phê. Rồi ông cứ ngồi vậy với vẻ mặt đầy suy tư. Ở chốn ga tàu, bến xe, việc xuất hiện một vị khách “Tây” cũng là điều bình thường. Dẫu vậy, cô chủ quán nhỏ nhắn ấy vẫn thấy có điều gì “là lạ” ở người đàn ông trạc ngoài 50 này.
Với vốn tiếng Anh kha khá từ thời sinh viên Đại học Phương Đông, Hải chủ động tiếp chuyện. Hóa ra ông khách đến mãi từ tiểu bang Pennsylvania của nước Mỹ xa xôi. Ông đã vô cùng ngạc nhiên thích thú về cô gái nhỏ, rằng: Ở một xứ khá lạ lẫm vẫn tìm thấy người để trò chuyện, hơn nữa đó lại là cô gái bám vỉa hè bán cà phê. Thế rồi trong ánh sáng nhạt nhoà của chiều muộn cuối năm, cái không gian nhỏ hẹp ken dày hương cà phê ấy trở nên đắng đót với câu chuyện của người đàn ông đến từ bên kia bán cầu.
Thomas Eugene Wilber - tên của người đàn ông đã nói rằng ông đến Nghệ An để thực hiện nguyện vọng của người cha. Đó là tìm về nơi ông cụ có những dấu ấn không thể quên và gần như 50 năm qua ông bị bủa vây bởi những ám ảnh về mảnh đất này. Vùng quê nghèo nắng gió Nghệ An đã thay đổi cuộc đời của viên phi công trong biên chế lực lượng Hải quân thuộc quân đội Hoa Kỳ.
Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ năm 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu thực hiện chiến dịch leo thang bắn phá miền Bắc Việt Nam. Nhằm cứu vãn tình hình ở miền Nam Việt Nam, đồng thời với toan tính cắt đứt nguồn chi viện từ miền Bắc, không quân và hải quân Mỹ đã kéo dài chiến dịch oanh tạc từ 1964 đến hết năm 1972. Trong số những phi công thực hiện các phi vụ ném bom, gieo tội ác trên khu vực miền Bắc nước ta có trung tá, phi công Walter Eugence Wilber.
Vào ngày 16/6/1968, sau khi xâm nhập vào vùng trời Nghệ An, tiến hành ném bom tại một số vị trí trọng điểm của ta, máy bay do Wilber và Bernard Francis Rupinski điều khiển đã bị trúng đạn của lưới lửa phòng không. Cũng cần nói thêm, đây là loại pháo đài bay F4 - một trong những máy bay ném bom hiện đại nhất của quân đội Mỹ lúc bấy giờ. Trong một buổi chiều may mắn Wilber đã nhảy dù thoát chết, trong khi đó phi công cùng bay do hệ thống dù bị hỏng đã tử nạn ngay trong chuyến bay định mệnh ấy.
Trở lại với cuộc trò chuyện giữa cô chủ quán cà phê và người khách ngoại quốc. Thomas đã chia sẻ với Hải rằng, thông qua hồ sơ của chính phủ Mỹ, ông biết khu vực máy bay do bố ông và phi công đi cùng điều khiển bị bắn rơi tại huyện Thanh Chương, Nghệ An. Tuy vậy, ông không có bất cứ một sự quen biết hay mối liên hệ nào để tìm kiếm các nhân chứng và xác định chính xác vị trí máy bay rơi và nơi bố ông được cứu sống. Tâm sự của Thomas đã nhận được sự đồng cảm sâu sắc của cô chủ quán cà phê, cho dù Hải nghĩ, Walter cha của Thomas đã từng được biết đến là một “giặc lái” đối với người dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh cách nay hơn 40 năm. Ngay đối với Thomas, ông đã rất khó khăn khi kể câu chuyện của mình. Liệu đâu đó có tồn tại lòng hận thù của những thân phận đã chịu nhiều khổ đau do người Mỹ gây ra sau chừng ấy thời gian. Vậy nhưng Thomas đã vô cùng may mắn. May mắn từ việc được gặp gỡ cô gái bán cà phê biết đôi chút ngoại ngữ. May mắn hơn nữa vì chính Hải là người đã kết nối sợi dây liên kết để bức màn lịch sử được từ từ vén lên.
Sau nhiều trăn trở, Hoàng Thị Hải đã quyết định cùng Thomas đến tìm kiếm thông tin tại Bảo tàng Quân khu 4. Tại đây, họ đã gặp gỡ đại tá Nguyễn Công Thành - Giám đốc Bảo tàng. Và thêm một lần nữa, niềm tin lại đến với vị khách đặc biệt đến từ bên kia đại dương. Đại tá Nguyễn Công Thành, với tinh thần trách nhiệm của một người lính, một người đã đi qua cuộc chiến và cả nhãn quan sắc sảo cùng sự trải nghiệm của một nhân chứng từng chứng kiến biết bao bi kịch do chiến tranh gây ra đã cho rằng: Đây sẽ là một câu chuyện chan chứa nhân văn, ông cố gắng góp chút sức mình trong câu chuyện ấy.
Cũng như Hoàng Thị Hải - cô gái “vô danh” vốn quen với những fin cà phê đặc sánh tỏa hương bên vỉa hè, đại tá Thành đã vào cuộc tìm hiểu thông tin ở nhiều nơi. Và bằng trực giác, kinh nghiệm của người làm công tác bảo tàng nhiều năm, đại tá Nguyễn Công Thành đã tìm ra mối liên hệ, dẫu còn mơ hồ của sự kiện đã trôi qua gần 50 năm với hiện tại hôm nay. Thông qua các cứ liệu lịch sử ông đã xác định rằng: đúng là ngày 16/6/1968 tại vùng đất bán sơn địa thuộc xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương có một máy bay ném bom của Mỹ bị bắn rơi. Đó là phi cơ F4, Phantom II mang số hiệu 155548, 1 trong 2 phi công còn sống và bị bắt ngay sau khi hạ dù đáp xuống mặt đất. Tất nhiên đó chính là Walter - người cha của Thomas.
Tuy vậy, đại tá Nguyễn Công Thành chỉ xác định được tên một số những người đầu tiên tham gia tóm gọn viên phi công sau khi máy bay bị bắn cháy. Còn những nhân chứng ấy họ đang ở đâu, còn sống hay đã chết thì cần phải tìm hiểu, xác minh. Thomas đã cùng với Hải, và có khi là một mình thuê xe về Thanh Tiên, Thanh Chương mong tìm được chút dấu vết, nhưng những gì mà ông nhận được là mớ thông tin lộn xộn, mơ hồ.
Vì thời gian không cho phép, Thomas buộc phải trở về nước. Trong hành trình trở về, ông đã mang theo một tia hy vọng hay nói đúng hơn là một niềm tin về câu chuyện của cha mình cách nay non nửa thế kỷ. Sau này Thomas đã chia sẻ rằng, thực ra khi ông đến Việt Nam, về Nghệ An ông cũng không có nhiều hy vọng để thực hiện điều người cha mong đợi. Chỉ là cố gắng làm tròn trách nhiệm, bổn phận của một đứa con, nhất là khi suốt bao nhiêu năm cuộc sống của viên phi công năm nào luôn bị dằn vặt bởi hoài niệm về quá khứ. Và hơn thế, gia đình người đồng đội trên chuyến bay định mệnh năm nào hoàn cảnh cũng rất khó khăn. Suốt 47 năm qua, gia đình của Bernard, những người công giáo sùng đạo, đã phải sống trong trăn trở khi không được biết rằng liệu anh trai, chồng, cha và ông của mình có được chôn cất hay không. Chính vì thế ngay lần đầu tiên đến Nghệ An vào cuối năm 2014, Thomas mang tâm thức của vị khách du lịch nhiều hơn là một người đi tìm hiểu về lịch sử. Thế nhưng tất cả đã thay đổi sau ly cà phê của buổi chiều muộn.
May mắn tiếp nối...
Thomas trở về Mỹ. Mùa Đông cũng đã qua. Có thoáng chốc, khi bế đứa con nhỏ trên tay mình, cô chủ quán cà phê chạnh nghĩ đến viên phi công - cha của Thomas. Hẳn ông cụ đã có cuộc sống dễ chịu nếu không tham gia chiến tranh, không dội bom lên mảnh đất vốn đã nhiều khắc nghiệt, lắm gian khó này. Và cả Thomas, người đàn ông đã 55 tuổi vẫn cố tìm mọi cách để chắp nối những mảnh vỡ trong tâm hồn của cha mình. Hẳn gia đình họ cũng đã buồn tủi lắm. Cũng như hằng trăm, hằng ngàn thậm chí hằng triệu tổ ấm trên mảnh đất này vết thương chiến tranh đâu đã kịp lành trở lại. Câu chuyện của Thomas những tưởng đã kết thúc ở đó, nhưng rồi vào tháng 1 năm 2015 nó lại được viết tiếp.
Thomas trở lại Nghệ An! Hải vẫn lại là người đầu tiên Thomas tìm đến. Cũng như lần trước, Thomas nhận được sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của người mẹ có 2 con nhỏ. Và một trong những cách mà Hải giúp Thomas chính là cô tin tưởng tìm đến Vũ Vinh Quỳnh - người bạn thân thiết tử thuở nhỏ, là trung úy Phòng Truy nã, Công an Nghệ An.
Thêm một lần, Thomas lại gặp may. Với sự đồng cảm, chia sẻ và bằng nghiệp vụ nhạy bén của một chiến sỹ công an, chỉ sau thời gian rất ngắn, Quỳnh đã xác minh được từng nhân chứng tham gia bắt viên phi công Mỹ vào ngày 16/6/1968, mặc dù có những nhân chứng đã từng bị lãng quên và có người đã mất. Sau khi liên lạc được với ông Nguyễn Văn Thu, hiện đang ở Thanh Lĩnh, Thanh Chương, họ mừng rỡ khi biết rằng, người đầu tiên giáp mặt viên phi công Mỹ năm xưa là Bùi Bác Văn, hiện đang ở Vinh, hình như trước đây làm gì đó trong ngành khoáng sản. Quỳnh, Hải đã lần tìm và dẫn được Thomas tới nhà ông Bùi Bác Văn. 3 người lạ xuất hiện trước cửa nhà ông Văn trong một ngày nọ, khiến ông có đôi chút ngỡ ngàng. Thế nhưng, khi nghe Hải hỏi, có phải bác Văn đã từng bắt sống một phi công Mỹ không, lập tức ông Văn đã kể cho 3 vị khách đến nhà mình nghe mảng ký ức sâu đậm trong ông.
“Ấy là viên phi công để đầu trọc, một tay cầm súng, tay kia cầm máy bộ đàm, chân đi giày nâu đỏ, mang 2 đôi tất”. Nghe chưa hết lời Hải phiên dịch, Thomas đã òa nức nở. Đây rồi, chính là người mà ông cần tìm. Thomas rút điện thoại, gọi về cho cha mình. Bằng cuộc gọi face time, từ bên phía bên kia Thái Bình Dương, Walter đã được nhìn thấy ông Văn. 47 năm đã trôi qua, thời gian với sự nghiệt ngã của mình có thể đã tan chảy, phai mờ nhiều thứ, song người cựu binh Mỹ hôm nay đã ở tuổi 86 vẫn không quên được ánh mắt của cậu bé Văn ngày đó mới 15 tuổi. Ánh mắt có lửa, thoáng một chút tò mò, một chút giễu cợt, nhưng trên hết đã tỏa ra sự ấm áp, thấu tình. Về phần mình, ông Văn đã rất khó nhận ra viên phi công năm nào, mái tóc trắng xóa và dường như thời gian cùng nỗi ám ảnh về cuộc chiến đã đày ải cuộc đời ông. Tuy vậy người cựu chiến binh- thương binh, thuộc Quân khu 4 đã nhận ra Walter qua chính hình ảnh của Thomas. Họ giống nhau từng ánh mắt, vóc người. Điều quan trọng hơn, họ đang cố gắng làm lành lại vết thương sau nửa thế kỷ vẫn còn rát buốt.
Nhưng rồi, một lần nữa Thomas lại phải trở lại Mỹ. Ông là giám đốc điều hành của Công ty Energy Strategies Global chuyên về năng lượng. Và việc ông vắng mặt quá lâu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của công ty. Có một điều khá thú vị, trước khi chia tay, Hoàng Thị Hải đã “bày” cho Thomas lập trang facebook, thứ mà từ trước đó Thomas nói rằng ông không có thời gian hay hứng thú để tham gia. Và Thomas cũng không quên gửi lại thư điện tử cho những người bạn mới của gia đình mình để thông tin liên lạc.
Lòng nhân nghĩa và cây thánh giá
Chúng tôi - những người ghi lại câu chuyện lạ lùng này bắt đầu nhập cuộc từ một ngày trung tuần tháng 5 sau khi nhận được thông tin của đại tá Nguyễn Công Thành. Lần thứ 3 Thomas trở lại Nghệ An. Đón Thomas tại khách sạn, chúng tôi kịp nhận ra sự gần gũi của người đàn ông thay cha mình lần tìm miền ký ức. Ông cũng rất ít nói, chỉ mềm mại cười và thường chú ý lắng nghe. Đến đón Thomas tại khách sạn có vợ chồng cựu chiến binh Bùi Bác Văn cùng cậu con trai Bùi Vĩnh Thắng; cô chủ quán cà phê Hoàng Thị Hải và 2 chúng tôi - những người sau cùng tham gia vào hành trình đầy nghĩa tình ấy.
Từ Thành phố Vinh, chúng tôi vượt hơn 50km của Quốc lộ 46 để đến thị tứ thuộc xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương. Bây giờ cần nhắc đến một nhân vật giữ vai trò tháo gỡ tất cả mọi rào cản về ngôn ngữ, giao tiếp giữa Thomas và mọi người, chính là Bùi Vĩnh Thắng, con trai của ông Văn. Tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương, hiện Thắng đang làm việc ở Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Airlines (Hà Nội). Từ sau khi Thomas đến Nghệ An lần thứ 2, Thắng đã thay bố mình thường xuyên liên hệ, trao đổi thông tin qua lại bằng thư điện tử, bằng điện thoại với gia đình nhà Wilber. “Em thật sự bất ngờ về câu chuyện này. Thuở nhỏ em đã được nghe ba kể về sự kiện bắt phi công Mỹ, đến bây giờ em vẫn rất tự hào. Nhưng giữa niềm tự hào và vấn đề thuộc về giá trị hiện sinh lại khác nhau”. Cảm động về câu chuyện của Walter, của Thomas và của ba mình, Thắng đã xin nghỉ phép, dành hẳn thời gian để làm người “thông ngôn” cho những nhân chứng, những mảnh ghép của lịch sử.
Xe dừng ở Thanh Lĩnh, mọi người cùng vào một ngôi nhà nhỏ ven đường. Trước cửa ngôi nhà có tấm biển ghi: “Văn Thu: chuyên vá, sửa chữa xe đạp…”. Đó là công việc sau khi nghỉ hưu của ông giáo từng dạy môn Thể dục. Ông Nguyễn Văn Thu, đón chúng tôi bằng những bát nước chè sóng sánh đặc. Và cả cái mùi măng giấm thanh thanh mà vợ ông đóng trong từng hộp nhỏ để tăng gia vị cho những tô bún, suất phở bán vào mỗi buổi sáng. Họ gặp nhau.
Ông Thu với bàn tay to khỏe đặt lên vai Thomas vỗ bồm bộp. Và điều khiến mọi người không nhịn được cười là ngay câu đầu tiên ngỏ thăm, vị cựu giáo chức trường làng chất phác hỏi Tom: “Cha con năm ni mấy mươi rồi, còn khỏe chớ?”. Tiếng cười rộ lên cả căn phòng nhỏ bởi từ “con” mà ông Thu mở đầu cuộc trò chuyện. Nếu so sánh, người cựu giáo chức Thu chỉ hơn Thomas 4 tuổi. Cũng bởi trong suy nghĩ của người từng tham gia bắt viên phi công năm nào thì con ông ta thuộc thế hệ sau và tuổi chưa nhiều.
Cái lý ấy không phải là không có cơ sở. Xét về giá trị lịch sử, thì Thomas dù sao cũng là người thuộc thế hệ sau. Cuộc hành trình đến Việt Nam lần thứ 3 này của Thomas đã rất hoàn hảo bởi thêm một người nữa tham gia. Đó chính là Nguyễn Văn Trung, con trai lớn của ông Nguyễn Văn Thứ. Và điều khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và bất ngờ: Nguyễn Văn Trung cũng là người nói tiếng Anh rất khá. Sinh năm 1976, Trung từng là sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Hiện nay anh làm việc trong một công ty du lịch, lữ hành tại Hà Nội.
Được ông Bùi Bác Văn và Nguyễn Văn Thu dẫn đường chúng tôi đã tìm đến xóm Đại Thanh, xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương. Nhìn từ xa, cánh đồng bát ngát vàng. Lúa xuân chuẩn bị vào vụ gặt, thi thoảng từ đâu đó trong những thửa ruộng trĩu bông rúc lên tiếng chim bìm bịp. Bầy sẻ nâu lúc ào lên rồi lại chao xuống theo từng đợt sóng vàng. Ông Văn, ông Thu hết ngó chỗ này, lại tìm chỗ kia. Mọi người rảo chân bước theo 2 mái đầu bạc trên những con đường rợp bóng tre của ngôi làng nhỏ. Chẳng ai còn nhận ra một vùng bán sơn địa từng run lên bởi đạn bom ngày nào. Trên tay cầm điện thoại, chốc chốc Thomas dừng lại và lưu vào chiếc smatpphone từng nhánh lúa, bờ đê, từng chú bê và thậm chí ông còn đề nghị được chụp hình với những người nông dân tay chân còn lấm lem bùn đất. Theo chân ông Bùi Bác Văn, chúng tôi dừng lại trên con đường hẹp.
Phía Tây con đường là cánh đồng lúa cùng những vạt ngô ngút tầm mắt; phía Đông là cụm dân cư sinh sống. Chính tại vị trí này của 47 năm về trước là khu vực trường cấp 2 huyện Thanh Chương. Trường học phải di chuyển về đây để tránh bom đạn. Túp nhà nhỏ của gia đình ông Văn nằm trong khuôn viên của ngôi trường tạm. Ông cụ thân sinh của ông Văn là một trong những giáo viên của trường. Vậy nên, trường học chuyển đến đâu, Văn cùng gia đình theo bố đến đó.
Đứng trên nền đất cũ, ông Văn hào hứng, khoát tay nói với Thomas và mọi người: “Đây. Chính tại đây. Hôm đó khoảng hơn 1 giờ chiều. Hồi đó, tui 15 tuổi, anh Thu 17 tuổi, Mợi 20 tuổi (hiện ông Mợi đã mất - PV) cùng đang học lớp 8, bữa đó tới trường để xem số báo danh chuẩn bị thi vào cấp 3. Chúng tôi đang ngồi thì nghe râm ran tiếng pháo cao xạ, hướng bắn từ các trận địa ở huyện Đô Lương. Bỗng dưng một tiếng nổ lớn vang rền bầu trời. Ngước lên chúng tôi thấy một máy bay nghi ngút cháy và không ngừng xoay tròn lao xuống. Ngay lúc đó mọi người nhìn thấy một chiếc dù bung ra. Tôi vớ vội chiếc đòn xóc (còn gọi là đòn càn, loại đòn gánh được vót nhọn 2 đầu để nông dân gánh lúa, củi - PV) lao tới. Cùng với tôi chạy theo hướng chiếc dù có ông Thu và ông Mợi”. Nói rồi ông Văn bám theo trí nhớ, lúp xúp chạy, chúng tôi nối gót theo.
- Mi thấy đúng ở đây không Thu? - ông Văn đưa mắt quan sát và hỏi người bạn học cùng lớp với mình năm nào.
- Đúng rồi! chính chỗ ni, nhưng tau nhớ trước đây có cây tròi - ông Thu xăm xăm tìm quanh và trả lời bạn.
- Không thể nhầm được, quá lâu rồi. Ruộng đồng đã phủ kín hết rồi. Bờ khe vẫn còn đây, cả cái thẻo đất ni nữa, hình cánh cung vẫn như trước.
Rồi Thomas và chúng tôi được ông Văn và ông Thu thuật lại cái ngày oi nồng năm ấy... Khi cả 3 người lao đến với chỉ duy nhất một chiếc đòn xóc làm “vũ khí”, sau một hồi lùng sục, đã phát hiện tên “giặc lái” đang ngồi trên bờ khe, lưng dựa vào gốc cây tròi. 3 người lẹ làng tiếp cận viên phi công từ phía sau trong khi ông ta đang cố dùng điện đàm liên lạc cầu viện. Cái đòn gánh trên tay cậu học sinh 15 tuổi Bùi Bác Văn vụt phát đầu tiên lên cánh tay cầm bộ đàm của tên lính Mỹ .
Cái máy điện đàm văng ra, ngay lập tức Nguyễn Văn Thu chộp lấy đồng thời giật phăng chiếc đòn trên tay bạn mình ghè chiếc máy liên lạc đập tới tấp. “Hắn vẫn không ngừng tít tít. Lúc đó, tui nỏ biết mần răng liền nhúng xuống dưới khe, vùi xuống bùn” - ông Thu kể lại. Trong một diễn biến khác của cái ngày hè nóng bỏng ấy, Thomas đã thuật lại với mọi người rằng, theo lời kể của cha, biên đội máy bay ném bom của Walter gồm 2 chiếc với 4 phi công, chiếc kia sau khi phát hiện ra đồng đội của mình bị bắn rơi đã cố gắng đàm thoại xác định vị trí. Nhưng sự trao đổi chỉ diễn ra trong phút chốc rồi điện đàm của Walter câm bặt. Những người kia đã vừa khóc vừa trở về căn cứ, những tưởng tất cả đã kết thúc.
Trở lại với 3 cậu học sinh với tên lính Mỹ cao to. Lúc này mọi người mới để ý trên tay viên phi công nhảy dù còn một khẩu súng. Cũng lại dùng chiếc đòn càn khống chế để tước bỏ khẩu súng. Lo sợ còn có thiết bị liên lạc khác, 3 người yêu cầu phi công cởi bỏ quần áo. Mợi một bên, Thu một bên kèm phi công Mỹ, còn Văn bước theo sau dẫn giải Walter giao cho chính quyền địa phương lúc này cũng vừa xuất hiện trên cánh đồng.
Thomas đã được trực tiếp đến trên mảnh đất mà người cha đã đặt chân theo cái cách tồi tệ nhất. Ông cũng được gặp gỡ những nhân chứng bằng xương bằng thịt và cả lòng tốt, tình cảm trong sáng, thánh thiện của họ mà ông không thể hình dung trước khi bắt đầu cuộc hành trình. Tuy vậy câu chuyện chưa kết thúc. Cũng là người lính, cũng vô cùng lo sợ khi bước vào cuộc chiến tranh giết chóc đối với người dân Việt Nam, trong sâu thẳm của lòng mình Walter vẫn chưa thôi day dứt. Điều bi kịch hơn, trong phi vụ đánh bom định mệnh vào ngày 16/6 của 47 năm về trước, Bernard - người lính cùng bay với ông đã tử nạn. Và ông không rõ liệu thi thể của người cộng sự với mình có còn.
Có một chi tiết vô cùng quan trọng mà người nắm giữ chính là cựu chiến binh Bùi Bác Văn. Ngày 18/6/1968, tức là sau 2 ngày pháo đài bay của Wilber bị bắn hạ, với sự tò mò của cậu học sinh trường làng, Bùi Bác Văn đã trở lại bên xác máy bay khét lẹt vẫn âm ỉ bốc khói. Và có một hình ảnh khiến cậu bé Văn vô cùng kinh ngạc, bối rối. Ấy là Văn đã nhìn thấy trong cái ca bin máy bay đen kịt, một trên 2 chiếc ghế phi công còn sót lại một phần cơ thể của viên phi công xấu số. Giữa trưa nắng trên cánh đồng, Văn đã khóc. Tiếng khóc vừa có chút sợ hãi, xen hoảng hốt và cả nỗi thương tâm trong tâm hồn nhạy cảm của cậu trai vừa bước vào tuổi vỡ giọng. Và rồi như một sự từ tâm vốn có của con người trên mảnh đất này, một mình Văn gỡ những mảng cơ thể ấy đưa đi chôn cất. “Là người ai cũng được mẹ cha sinh ra, ai cũng có tên, có tuổi, khi nhắm mắt ai cũng muốn trở về với nguồn cội quê hương.
Nhưng vì sự nghiệt ngã của đạn bom nhiều thân phận đã phải vùi mình trên đất khách. Cái giá của cuộc chiến là vậy” - là ông Văn chia sẻ với mọi người và dẫn chúng tôi đến khu vực ông đã chôn cất những gì còn lại của viên phi công đoản mệnh. Trên cánh đồng ngô đã thu hoạch xong, trời đứng bóng, gió lên ngút ngàn, bất chợt chúng tôi nhìn thấy Hải khóc nức nở. Cạnh đó Thomas gần như đang quỳ xuống trên vạt ruộng. Ông đang cố gắng bẻ những thân ngô đã khô quắt buộc chúng lại thành cây thánh giá. Thấy vậy, Thắng, rồi ông Văn, ông Thu cùng xúm lại. Cây thập tự làm từ thân cây ngô và buộc bằng dây cỏ hôi chấp chới trong vạt nắng. Gương mặt Thomas đầy nước. Chúng túa chảy theo sống mũi cao và rơi thành giọt xuống đám muồng tím biếc hoa. Hẳn Thomas đã không biết, loại cỏ dại ấy những thôn nữ Việt Nam hái để gội đầu.
Vĩ thanh
Trong bữa cơm chia tay, mọi người đã rất vui. Ông Bùi Bác Văn qua Thomas gửi cho Walter một chi tiết, bộ phận của máy bay năm nào mà ông còn giữ được. Ông Văn không biết nó là có tác dụng gì đối với phi cơ, nhưng đã 47 năm nay ông dùng nó làm chậu trồng hoa và cây cảnh. Còn vị cựu giáo chức Nguyễn Văn Thu vẫn vậy. Ồn ào và chất phác. “Chiến tranh, bom đạn, mất mát nhiều, phi công bị bắt và tử nạn cũng nhiều. Nhưng đây là lần đầu tiên tui thấy một câu chuyện có đầu, có cuối”. Rồi ông quay sang nói với Thomas: “Chúng tôi khi đó chỉ là học sinh nhưng chúng tôi biết bất cứ người Việt nào cũng phải làm vậy. Đó là trách nhiệm của mỗi người trước quê hương. Còn khi đó, cha chú của các anh làm theo sự chỉ đạo của chính phủ, của quân đội. Chắc các vị ấy cũng không muốn gieo rắc sự giết chóc. Thôi mọi sự đã qua. Tốt rồi. Ta cùng nâng ly”. Nói rồi người đàn ông đã quen với nghề sửa chữa xe đạp sau khi nghỉ hưu cất giọng: “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục, thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh…”.
Câu ví trầm ấm lan nhẹ trong ngày hè vàng ruộm. Thomas lắng nghe và sau cùng ông cầm tay từng người một và trọ trẹ: “Cỏm on! Cỏm on!” Thomas nói rằng nhất định sẽ về Nghệ An trong ngày gần nhất và khi đó ông không chỉ có một mình. Người cựu binh hải quân Walter đã luôn mong ngóng được một lần trở lại mảnh đất này trước lúc nhắm mắt bước vào cõi vô vi.
Đào Tuấn - Thùy Vinh