Grab phủi trách nhiệm?
Mới đây, chị L.D (Hà Nội) chia sẻ trên mạng xã hội về sự việc con gái chị là cháu T.D.N quên ví da cá sấu trị giá hơn 10 triệu đồng, bên trong có 16 triệu đồng tiền mặt cùng các loại thẻ trên xe Grabcar, nhưng liên lạc để lấy lại thì bị tài xế chặn số. Chị D. cho biết ngay sau khi nhận ra để quên đồ và dùng nhiều số điện thoại để liên lạc với tài xế mà không được, chị đã liên lạc với tổng đài Grab và được nhân viên tổng đài trả lời không biết lái xe cũng như phương tiện kinh doanh là ai, như thế nào.
“4 ngày sau khi các phương tiện truyền thông vào cuộc, một bạn tự xưng thuộc bộ phận chăm sóc khách hàng của Grab VN mới liên lạc, nói rằng lái xe cho biết không nhặt được đồ. Khi chúng tôi yêu cầu Grab cho biết công ty có trách nhiệm như thế nào, tại sao hồi âm khách hàng quá chậm trễ thì bạn này không trả lời được và đến bây giờ phía Grab cũng không hề có động thái gì”, chị D. thông tin.
Sau khi xảy ra sự việc, Grab VN đã đưa ra phản hồi nêu rõ phía công ty đã liên lạc với đối tác N.D.T và những hành khách đi chuyến xe sau để tìm lại ví tiền bị thất lạc nhưng cả lái xe và các khách hàng di chuyển sau đó đều khẳng định không nhìn thấy ví tiền của D.N. Lái xe N.D.T cũng đồng ý cho phép Grab VN thông báo số điện thoại của mình cho khách hàng D.N để trực tiếp trao đổi, nhưng trên thực tế trong suốt vài ngày sau khi sự việc xảy ra, số điện thoại của tài xế vẫn không thể liên lạc được. Sau khi xảy ra sự việc, tài xế N.D.T vẫn tiếp tục hợp tác với Grab chạy xe bình thường cho đến ngày 28.2 bị Đội 5 - Phòng Cảnh sát hình sự, TP.Hà Nội triệu tập và đã khai nhận hành vi chiếm đoạt tài sản để quên của khách hàng D.N.
Trước đó, hồi tháng 8/2017, Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Công an Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng đã giải quyết trường hợp một tài xế Grab lấy túi xách của khách hàng người nước ngoài và không trả lại. Không chỉ Grab, nhiều hành khách cũng tố bị tài xế Uber VN thả giữa đường, hành hung, thậm chí đánh rách môi hành khách. Đối với tài xế có hành vi bạo lực, Uber đã ngay lập tức chặn quyền truy cập của tài xế vào ứng dụng.
Grab, Uber phải chịu trách nhiệm
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia VN, cho rằng cách xử lý của Uber phần nào thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp khi gây ra rủi ro cho hành khách, nhưng chưa đủ và chưa giải quyết tận gốc vấn đề. Trong khi đó, trả lời mang tính phủi bỏ hoàn toàn trách nhiệm của Grab là không thể chấp nhận được.
Ông phân tích các đơn vị cung cấp phần mềm trực tiếp ký hợp đồng thực hiện vận tải hành khách với các tài xế, cung cấp phần mềm cho tài xế, là đơn vị quản lý quyết định giá cước, quyết định khả năng kinh tế của tài xế thì phải chịu trách nhiệm quản lý tài xế. Trong các trường hợp xảy ra rủi ro như trên, chịu trách nhiệm đầu tiên là lái xe, phía đơn vị cung ứng phần mềm như Uber, Grab có nghĩa vụ liên quan. Grab nói có bảo hiểm tai nạn cho hành khách và đối tác trong chuyến đi thì đầu tiên phải đền lại tiền cho khách rồi làm việc lại với công ty bảo hiểm.
“Chính sự bất cập, không rõ ràng trong các quy định thí điểm dẫn đến tình trạng khó khăn, mập mờ trong việc nêu tên đơn vị chịu trách nhiệm quản lý tài xế taxi công nghệ. Bộ GTVT cần nhanh chóng đưa ra chính sách, cơ chế cùng chế tài cụ thể để quản lý chặt chẽ hơn lực lượng tài xế, cả với taxi công nghệ cũng như taxi truyền thống”, luật sư Hậu nói.
Hiệp hội Vận tải taxi phải xây dựng bộ quy tắc đối với lái xe (cả taxi truyền thống và taxi công nghệ) dưới sự thông qua của Bộ GTVT. Phải quản lý Uber, Grab như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Người lái xe đăng ký áp dụng phần mềm sẽ thuộc quản lý của doanh nghiệp, phải đăng ký với cơ quan thuế và đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, việc quản lý tài xế, cũng như truy thu thuế sẽ được thực hiện tại nguồn là doanh nghiệp, vừa chống thất thu thuế hiệu quả, vừa giải quyết vấn đề tài xế, an ninh xã hội.